Bố trí dân cư vùng bị ảnh hưởng thiên tai: Nhiều vấn đề cần tháo gỡ
Môi trường - Ngày đăng : 12:36, 28/09/2018
Thực hiện Quyết định 1776/ QĐ-TTg, ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020", TP Hà Nội đã rà soát và có 81 xã, phường với tổng số 30.116 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông, suối, đồi. Hiện thành phố đã bố trí ổn định dân cư cho 5.211 hộ gia đình ở các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Mê Linh, Chương Mỹ, Ba Vì… Nhìn chung, các dự án di dân kết hợp với các chương trình, nhất là xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả và thành công rõ rệt, người dân ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai đã ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ổn định dân cư vùng thiên tai trên địa bàn thành phố vẫn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, việc bố trí dân cư ổn định ở các vùng sạt lở gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư, nhất là kinh phí giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng kỹ thuật cả nơi đi và nơi đến để xây dựng khu tái định cư. Mặt khác, mức hỗ trợ theo Quyết định 1776/QĐ-TTg của Chính phủ còn thấp. Chẳng hạn, hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai nếu di chuyển nội vùng dự án, mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/hộ gia đình… nên người dân gặp khó khăn khi xây dựng nhà ở nơi tái định cư. Vì thế, chỉ những người dân ở nơi bị ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng thì mới chuyển đi, còn ở vùng có nguy cơ sạt lở lại chưa muốn di chuyển.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đưa ra số liệu, trong giai đoạn 2019-2020, thành phố cần di dời 5.665 hộ gia đình, ổn định tại chỗ cho 24.294 hộ dân cư ở vùng sạt lở, ngập úng. Để hoàn thành mục tiêu này, các địa phương trên cơ sở bố trí lại dân cư nông thôn phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Tùy theo điều kiện tự nhiên, tính chất đặc điểm của địa bàn, từng địa phương để bố trí những điểm dân cư mới hoặc xen ghép, theo phương châm không gây biến động lớn cho đời sống người dân. Do quỹ đất của thành phố có hạn nên việc di dân hiện nay phần lớn thực hiện theo phương châm ổn định tại chỗ và tập trung vốn để đầu tư xây dựng các công trình kè chống sạt, trượt, xói lở… Hiện tại, Sở NN&PTNT đang chờ quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố được phê duyệt để lập dự án rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.
Từ thực tế của Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, trình Chính phủ bổ sung một số chính sách của Quyết định 1776/QĐ-TTg, theo hướng tăng mức hỗ trợ di chuyển lên 100 triệu đồng/hộ gia đình. Đồng thời, tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề lên 5 triệu đồng/lao động để nâng cao đời sống người dân ở vùng di dân.