Thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilong: Cần sửa luật, tăng thuế và đổi mới cách thu

Môi trường - Ngày đăng : 16:30, 26/09/2018

(TN&MT) - Nếu đánh thuế đầy đủ lượng bao bì/túi nylon sản xuất theo quy định (40.000 đồng/kg) thì mỗi năm nhà nước thu được khoảng 20.000 tỉ đồng. Nhưng, số thực thu hiện nay chỉ là hơn 50 tỷ đồng/năm.

Có luật nhưng dễ lách

Theo thống kê, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon, trong đó phần lớn là túi nylon khó phân hủy. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng mà thải bỏ, lượng chất thải nhựa và túi nylon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy Việt Nam vào danh sách 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển.

Ngay từ năm 2010, Nhà nước đã nhận thấy tầm quan trọng của việc đánh thuế môi trường đối với túi nylon. Bên cạnh việc tăng ngân sách quốc gia, đánh thuế môi trường đối với túi nylon là 1 trong những giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất và sử dụng túi nylon một cách tràn lan của người dân.

cong nghe tai che tui nilon 8 otds 1482194121266
Trung bình, mỗi gia đình người Việt thải bỏ 4-5 túi nilong/1 ngày

Mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon hiện hành là 40.000 đồng/kg, sang năm 2019 sẽ là 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế, 1kg túi nylon trên thị trường được bán với giá 40.000 đồng, thậm chí là rẻ hơn. Tại sao có nghịch lý này? Không phải nhà sản xuất chịu lỗ khi sản xuất túi nilong mà là họ đã lợi dụng những khe hở của pháp luật để trốn đóng thuế bảo vệ môi trường. Vậy, những khe hở đó là gì?

Một, Nghị định số 69/2012/NĐ-CP cũng quy định trường hợp bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc nhập khẩu hoặc mua trực tiếp của người sản xuất/người nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói thì không phải chịu thuế. Vậy, để “lách luật”, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng túi nylon chỉ cần thuê doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa gia công cho mình để không phải chịu thuế.

Hai, theo Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010, Nghị định số 69/2012/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 159/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: Túi nylon thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi được làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nylon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận túi nylon thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong khi đó, Thông tư số 07/2012/TT-BTNMT của Bộ Tài Nguyên và Môi trường về Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận túi nylon thân thiện môi trường, túi nylon phải có độ dày màng lớn hơn 30 micromét, kích thước nhỏ nhất lớn hơn 20cm và tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu túi nylon phải có kế hoạch thu hồi, tái chế. Như vậy, các nhà sản xuất túi nilong chỉ cần có kế hoạch thu hồi, tái chế túi nylon là được cấp chứng nhận thân thiện với môi trường và miễn thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch thu hồi và tái chế thì rất ít doanh nghiệp sản xuất túi nilong chấp hành nghiêm túc.

Tăng thuế và đổi mới cách thu thuế

Thực tế nhận thấy, khi nhà sản xuất không phải nộp thuế bảo vệ môi trường, túi nilong giá rả được sản xuất tràn lan, cộng với thói quen sử dụng túi nilong của người tiêu dùng Việt chưa thay đổi thì hậu quả môi trường phải gánh chịu là rất lớn.

Trước mắt, chúng ta phải bịt các lỗ hổng của quy định pháp luật về việc thu thế bảo vệ môi trường đối với túi nilong. Song song với đó là tìm các giải pháp thu thuế mới và tăng thuế.

tui sinh thai2
Khuyến khích người dân sử dụng túi sinh thái thay thế cho túi nilong thông thường.

Theo TS. Vương Thị Hiền - Viện chiến lược và Chính sách Tài chính: Do túi nhựa có đặc điểm là phải trải qua thời gian lâu để có thể phân hủy (có thể lên tới hàng trăm năm) hoặc không thể tự phân hủy được, đó là nguyên nhân gây suy thoái môi trường, nhất là túi nhựa mỏng. Để thay đổi hành vi của người sử dụng, nhà sản xuất, cần đánh thuế cao đối với túi nhựa không thân thiện với môi trường. Nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường rất cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nylon.

Trong khi đó, Phòng Thương Mại & Công Nghiệp Việt Nam đã đề xuất việc thuế môi trường nên được tính theo số lượng túi nilong. Lí giải điều này, VCCI cho biết, cách đánh thuế hiện nay dựa trên khối lượng túi sẽ dẫn đến tình trạng sản xuất nhiều hơn các loại túi nylon mỏng, điều này không phù hợp vì loại túi nylon mỏng gây tác hại lớn hơn đến môi trường. Phương pháp này đang được nhiều nước áp dụng như  ở Anh, Iceland mức thuế tương đương 4.500 đồng/túi. Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nylon mỏng, ví dụ như Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nylon có độ dày nhỏ hơn 0,025mm.