Cấp thiết chỉnh trị cửa vào sông Đuống

Môi trường - Ngày đăng : 10:11, 17/09/2018

Biến đổi lòng dẫn khiến lưu lượng nước từ sông Hồng vào sông Đuống gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng, chống lũ lụt, hạn hán, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. Việc chỉnh trị, bảo đảm ổn định lưu lượng nước từ sông Hồng vào sông Đuống đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết.

Sông Đuống dài khoảng 68km (điểm đầu từ ngã ba Dâu, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh và mỏm Soi, thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội; điểm cuối là ngã ba Mỹ Lộc, thuộc xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Sông Đuống cũng là chi lưu lớn nhất nối sông Hồng với sông Thái Bình, giữ vai trò chính trong việc chuyển nước từ sông Hồng sang sông Thái Bình, tạo thành tuyến giao thông thủy huyết mạch kết nối các tỉnh vùng thượng du sông Hồng, TP Hà Nội với các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.

cửa vào sông Đuống
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, do biến đổi của lòng dẫn nên từ năm 2001 đến nay, tỷ lệ phân lưu dòng chảy từ sông Hồng vào sông Đuống gia tăng đột biến. Theo kết quả quan trắc của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, nếu trước năm 2001, tỷ lệ phân lưu sông Hồng vào sông Đuống cao nhất khoảng 32% thì năm 2005 tăng lên 40%, năm 2010 tăng lên 45%... Sự thay đổi này đã tác động tiêu cực đến hệ thống đê, kè, công trình lấy nước của TP Hà Nội.

Thực tế từ năm 2006 đến nay, các công trình phòng, chống lũ trên sông Đuống, đoạn thuộc địa bàn TP Hà Nội, liên tục xảy ra sự cố. Năm 2017, trên tuyến sông này xuất hiện nhiều đợt lũ gây ra hàng loạt sự cố: Sạt lở bờ bãi sông phía đê tả Đuống, hữu Đuống. Đặc biệt là sự cố sạt lở khu vực hạ lưu cầu Đuống, đoạn thuộc vị trí từ K8+850 đến K8+875 đê tả Đuống. Sự cố đã làm nứt, lún phía hạ lưu bờ Bắc cầu Đuống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông qua lại cầu Đuống, cũng như gây lún, nứt nhà ở, đe dọa đến an toàn tính mạng, tài sản của các hộ dân sinh sống trong khu vực…

Vì thế, nhiều năm nay, TP Hà Nội luôn xác định khu vực cửa vào sông Đuống là vị trí trọng điểm xung yếu trong công tác phòng, chống lụt bão. Để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai, từ năm 2015 đến 2017, TP Hà Nội đã đầu tư hơn 238 tỷ đồng xử lý tổng thể khu vực kè Thanh Am - Tình Quang; giai đoạn 2018-2020 sẽ đầu tư 103 tỷ đồng kè bờ tả sông Đuống…

Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), khu vực cửa sông Đuống có chế độ thủy lực rất phức tạp: Dọc sông có những đoạn thắt hẹp, mở rộng đột ngột; sông cong uốn lượn dòng chảy thúc mạnh vào bờ, tác động rất lớn đến biến hình lòng dẫn…

Việc chỉnh trị cửa sông Đuống có ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu dùng nước; nhu cầu phòng, chống lũ, giao thông thủy không chỉ của TP Hà Nội mà còn của cả các địa phương ở hạ du sông Hồng - sông Thái Bình.

Vì vậy, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu giải pháp nhằm giải quyết mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Đó là bảo đảm an toàn những vị trí đê trọng điểm, xung yếu, phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, theo hướng: Gia cố mái phía sông bằng giải pháp hộ chân, lát mái và lấp hố xói tại những vị trí xói sâu cục bộ để giữ ổn định chân kè…

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tổng thể tình trạng xói lở cửa Đuống, khu vực thượng và hạ lưu cầu Đuống, đề xuất giải pháp xử lý bảo đảm an toàn cho các tuyến đê sông Đuống trong mùa mưa lũ năm 2018 và những năm tiếp theo…

Về giải pháp trước mắt, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan nghiêm túc thực hiện phương án bảo vệ các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu đã được phê duyệt, nhất là khu vực cửa vào sông Đuống...