TP.Uông Bí (Quảng Ninh): Quyết tâm xóa bỏ lò vôi thủ công
Môi trường - Ngày đăng : 17:05, 27/08/2018
Nhằm nỗ lực thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2018 được UBND tỉnh Quảng Ninh đề ra là “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, TP Uông Bí đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm “xóa bỏ” các lò sản xuất vôi thủ công đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh trước ngày 31/12/2018. Để thực hiện nhiệm vụ này, từ năm 2016, UBND TP Uông Bí đã xây dựng Đề án hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công với tổng kinh phí dự toán trên 11 tỷ đồng, trong đó dành gần 6 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và trên 5 tỷ đồng hỗ trợ việc tháo dỡ các lò vôi, khôi phục mặt bằng.
Theo Đề án, điều kiện để người lao động được hỗ trợ là phải có hộ khẩu thường trú tại TP Uông Bí; có hợp đồng lao động với các chủ cơ sở sản xuất. Mức hỗ trợ là 3 tháng lương tối thiểu đối với lao động thường xuyên (làm việc liên tục, ổn định tại một cơ sở từ trên 12 tháng) và 1,5 tháng lương cơ sở đối với lao động không thường xuyên (làm việc ổn định, liên tục tại một cơ sở sản xuất vôi từ 6- 12 tháng).
Đồng thời, đối với việc hỗ trợ tháo dỡ các lò vôi, khôi phục mặt bằng, mức hỗ trợ được tính theo thời gian thực hiện tháo dỡ lò và công suất sản xuất của lò, trong đó giá cố định là 20.000 đồng/ tấn. Cụ thể, các hộ thực hiện tháo dỡ trước 31/12/2017 được hỗ trợ bằng 150% mức cố định (30.000 đồng/tấn); các hộ tháo dỡ trước 30/6/2018 được hỗ trợ bằng 100% mức cố định (20.000 đồng/tấn); các hộ tháo dỡ trước 31/12/2018 được hỗ trợ bằng 50% mức cố định (10.000 đồng/tấn). Riêng đối với các lò đã dừng hoạt động năm 2015 trở về trước không nằm trong diện được hưởng hỗ trợ từ Đề án.
Cùng với việc ban hành Đề án hỗ trợ, TP Uông Bí đã tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn bộ thực trạng các lò vôi trên địa bàn, trong đó xác định kích thước vỏ lò, ống lò, nhà xưởng và hiện trạng công nhân đang tham gia sản xuất. Cụ thể, đến nay, đã có 11 lò với 17 ống lò dừng hoạt động. Hiện còn 57 lò vôi với 96 ống lò đang hoạt động, chủ yếu nằm trên địa bàn 2 phường Phương Nam và Phương Đông với tổng công suất ước tính trên 266 nghìn tấn/năm.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn gặp một số khó khăn cần được tháo gỡ. Cụ thể, theo một số chủ lò sản xuất vôi tại phường Phương Nam và Phương Đông cho rằng: Việc xác định công suất hoạt động của các lò để làm tiêu chí xây dựng mức hỗ trợ cho các lò vôi chưa sát thực, bởi hầu hết các lò vôi thủ công ở đây đều theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, nên thiết kế không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Còn việc hỗ trợ cho người lao động cũng rất nan giải, bởi lẽ số người lao động làm việc ở các lò hầu hết là hợp đồng thời vụ, theo kiểu thỏa thuận miệng, không ký hợp đồng lao động với các chủ lò vôi.
Để tháo gỡ khó khăn này, UBND TP Uông Bí giao cho các phòng chuyên môn hoàn thiện và thực hiện phương án điều chỉnh đề án hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công theo hướng sát với thực tế. Cụ thể, thay đổi cách tính hỗ trợ trong việc tháo dỡ vỏ lò, nhà xưởng, thiết bị, vận chuyển phế thải... theo quy định tháo dỡ hiện hành, theo mức giá cố định là 70 triệu đồng/ống lò.
Căn cứ vào mức giá trên, cũng như khuyến khích các chủ cơ sở sản xuất trong việc chủ động tháo dỡ các lò nung vôi trong năm 2018 này, TP Uông Bí sẽ hỗ trợ các chủ lò chủ động phá dỡ theo từng mốc thời gian. Cụ thể, các chủ lò chủ động tháo dỡ trước ngày 30/9 được 150% mức cố định (105 triệu đồng/ống lò); các chủ lò chủ động phá dỡ lò trước 30/10 được hỗ trợ 100% mức cố định (70 triệu đồng/ống lò); các chủ lò chủ động phá dỡ lò trước 31/12 được hỗ trợ 50% mức cố định (35 triệu đồng/ống lò). Đối với 7 lò đã dừng sản xuất trước năm 2015, do vẫn còn vỏ lò, thiết bị và nhà xưởng cần tháo dỡ để tạo mặt bằng, chỉnh trang cho khu vực nên thành phố sẽ hỗ trợ 50 triệu đồng/ống lò.
Mặt khác, đối với việc hỗ trợ người lao động, TP Uông Bí xây dựng cách tính hỗ trợ theo hướng người lao động giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói, có bảng chấm công, trả lương, xác nhận của chủ lò và xác nhận địa phương là được, thay vì phải có hợp đồng lao động như trước đây.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Duy Thịnh, Chủ tịch UBND phường Phương Nam cho biết, việc thành phố điều chỉnh phương án hỗ trợ cho các chủ lò và người lao động theo hướng linh hoạt, sát thực với thực tế là hết sức cần thiết, tránh thiệt thòi cho các chủ lò và người lao động. Hiện, địa phương đang tích cực tuyên truyền vận động 6 chủ lò vôi nằm gần khu dân cư, trường học chủ động di dời trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ lò, tiến tới chấm dứt toàn bộ hoạt động sản xuất của các lò vôi trong năm 2018, nhằm trả lại môi trường trong sạch cho người dân.