Xử lý rác thải nông thôn -  Nhìn từ Chương Mỹ

Môi trường - Ngày đăng : 10:42, 07/08/2018

(TN&MT) - Hơn 10 ngày qua, người dân Chương Mỹ phải đối mặt với bao khó khăn do lũ lụt gây ra. Nhưng hiện điều lo lắng nhất là rác thải từ những bãi tập kết và nhiều nơi khác “tấn công” vào hang cũng ngỏ hẻm, khiến người dân bàng hoàng: Bao lâu nay rác thải được xử lý như thế nào, sao giờ đây lại nhiều đến thế?!

Ngập ngụa rác

Có mặt tại thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) - nơi phải hứng chịu rác thải bủa vây nặng nề nhất mới thấy được nỗi khổ của người dân. Giữa mênh mông nước, dọc các lối vào làng, hướng nào cũng thấy rác nổi lềnh bềnh, bốc mùi. Nhiều điểm rác phủ trên bề mặt nước rộng khoảng 20 - 30m2. Bao bì, xác động vật, cây cối cứ vô tư theo dòng nước tràn vào nhà. Nhiều nhà dân phải đóng cổng, khóa cửa hoặc dùng cây tre dài chắn ngang trước cổng. Bà Ngô Thị Hồng cho biết, mấy ngày nay, phải lội xuống sân trước nhà để vớt rác cho vào bao tải đem đi vứt, mỗi ngày, vớt được khoảng 10 bao tải tải rác. Bà sống quen với lũ nhưng việc rác tuồn về nhiều sau lũ thế này, chưa thấy bao giờ.

Người dân cho hay, lượng rác thải này là từ bãi rác thải rộng khoảng 300m2 của xã Nam Phương Tiến. Bãi rác có chức năng tập kết tạm, sau đó, sẽ được trung chuyển đến nơi xử lý chất thải do Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai phụ trách. Tuy vậy, do không thu gom kịp nên số rác này theo nước lũ tràn vào các ngóc ngách nhà dân. Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến,  cũng thừa nhận việc này. Ông Trung cho biết, mặc dù, trước đợt mưa lớn, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đã cử công nhân xuống thu gom rác, chuyển đi nơi khác, nhưng do mưa kéo dài, cộng với lượng rác nhiều nên không kịp di chuyển hết rác thải. Hiện vấn đề rác thải tràn vào nhà dân đang là vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân.

RÁC THẢI CHƯƠNG MỸ
Dọc các lối vào làng, hướng nào cũng thấy rác thải nổi lềnh bềnh, bốc mùi. Ảnh: Hoàng Minh

Không chỉ ở thôn Nam Tiến, nhiều thôn, xã khác cũng cùng chung số phận. Rác thải từ các hố chôn rác tạm thời, những bãi rác tự phát gặp nước “tung tăng” khắp xóm làng. Được biết, mỗi ngày, 32 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ phát sinh khoảng 240 tấn rác thải sinh hoạt.

Xã, huyện không thể xử lý rác

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, rác thải, ô nhiễm môi trường nông thôn đang ngày càng trở nên bức xúc. Trong khi đó, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chưa thực sự được coi trọng, dịch vụ vệ sinh môi trường chưa phát triển đúng mức. Hiện, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chỉ mới đạt khoảng 40% - 55%. Phần lớn chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh nên gây ô nhiễm môi trường, chiếm diện tích lớn. Mô hình chủ yếu là giao các tổ tự quản của thôn, xã thu gom rác trong khu dân cư, vận chuyển đến điểm tập kết và doanh nghiệp thu gom vận chuyển từ các điểm tập kết về khu xử lý tập trung của huyện, thành phố. Do phương tiện xe gom không đủ, không đúng quy cách, thời gian thu gom không thống nhất… dẫn tới rác tồn đọng trong khu dân cư. Hầu hết ở các thôn, ấp, xã, phải từ 2 đến 3 ngày, thậm chí, có nơi 10 ngày mới thu gom rác một lần. Điểm tập kết rác thường bố trí ở đầu thôn, xóm, mặt đường giao thông chính của xã, không được che đậy kín dẫn đến ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan làng, xóm... Thực trạng này đòi hỏi phải có sự thay đổi về lâu dài theo hướng chuyên nghiệp trong việc thu gom, xử lý rác thải.

Một số ý kiến cho rằng, xử lý rác thải nông thôn bị trì trệ là do một số quy định pháp luật có liên quan đến bảo vệ môi trường khu vực nông thôn thiếu tính khả thi; chức năng quản lý Nhà nước về môi trường khu vực nông thôn giữa các ngành chưa có sự phân công rõ ràng cho một cơ quan quản lý dẫn đến hoạt động chồng chéo và… bỏ ngỏ; chưa có cơ chế tài chính phù hợp. Trong khi ở khu vực đô thị, các Công ty dịch môi dịch vụ môi trường đô thị là các doanh nghiệp công ích Nhà nước, 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước, 20% do dân đóng góp, các tổ chức dịch vụ môi trường ở nông thôn kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp chỉ đủ để trả thù lao cho người thu gom rác với mức chỉ bằng 30 - 40% thu nhập của người thu gom rác ở đô thị. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh cấp kinh phí để xã, huyện làm bãi chôn lấp rác nhưng xã làm không đúng quy trình gây ô nhiễm … Các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết trọn vẹn các vấn đề quản lý chất thải. Vì vậy, không thể để phó mặc cho xã hoặc huyện lo giải quyết vấn đề này.

Theo ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, để quản lý rác thải nông thôn, trước mắt, các Bộ: TN&MT, Xây dựng, NN&PTNT cần khẩn trương phải hoàn thiện chính sách, pháp luật, rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí về môi trường để phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi; huy động sự tham gia và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Do đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương lại khác nhau nên mức độ ô nhiễm môi trường sẽ khác nhau. Vì thế, việc cần thiết là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn, qua đó, xác định các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm để từng bước đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp.

Sự việc xảy ra ở Chương Mỹ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các địa phương đang còn còn xem nhẹ việc xử lý rác thải nông thôn. Đồng thời, cũng là dịp để các cơ quan chứng năng xem xét rà soát, điều chỉnh lại các cơ chế chính sách cho phù hợp.