Không dễ xử lý rác cồng kềnh

Môi trường - Ngày đăng : 12:12, 06/08/2018

Hầu hết chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh tại Hà Nội hiện vẫn đang được thu gom, xử lý như các loại hình chất thải khác, vừa gây khó khăn cho đơn vị vệ sinh môi trường (VSMT), vừa tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm. Theo các chuyên gia, rác cồng kềnh cần được phân loại và có phương pháp xử lý riêng, phù hợp.

Khó thu gom, cuốn ép

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, rác cồng kềnh là thuật ngữ chỉ các loại chất thải rắn có kích thước, bề dày lớn, ví dụ như giường, tủ, bàn ghế hỏng, hay các tấm thạch cao, gỗ, nhựa… bản lớn. “Rác cồng kềnh vừa khó chất xếp lên xe vận chuyển thủ công, xe tải nhỏ; vừa khó cuốn ép, chôn lấp” - vị này cho hay.

Hiện nay hầu hết rác cồng kềnh vẫn được người dân bỏ lẫn lộn với rác thường tại các điểm tập kết. Đáng nói hơn, do ngại vận chuyển đến điểm chân rác, nhiều chiếc bàn, ghế, sofa đệm mút… vẫn bị bỏ ngay trên vỉa hè, trước cửa nhà dân mà không cần biết chúng có được sớm vận chuyển đi xử lý hay không. Vô hình chung, hành động này tạo nên những chướng ngại vật trên hè đường, vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến giao thông, vừa làm mất mỹ quan đô thị. Thậm chí nhiều trường hợp, do duy tâm, giường, tủ của người đã khuất còn bị đem vứt xuống sông, hồ hoặc thiêu đốt. Đó chính là một trong những nguồn gây ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến dòng chảy của sông, hồ và tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn.

THU GOM RÁC GẶP KHÓ
 Thu gom rác thải sinh hoạt tại Hà Nội

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, rác cồng kềnh có chất liệu đa dạng, từ gỗ, nhựa, thạch cao, sắt, thép… nên không thể đem chôn lấp tất cả mà cần phải được phân loại để xử lý cho phù hợp. Đại diện Urenco thông tin thêm, trong nhóm rác cồng kềnh, giường, tủ, bàn, ghế… là còn tương đối dễ xử lý hơn các loại như tủ lạnh, biển hộp có gắn đèn, bình nóng lạnh… Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội mới chỉ có quy định riêng đối với chất thải xây dựng, y tế… mà chưa liệt chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh vào nhóm cần được quan tâm, xử lý riêng. Dẫn đến các loại rác có cấu kiện điện tử và cả một số chất liệu có khả năng gây độc hại hiện vẫn được xử lý chung với rác sinh hoạt mà chưa được phân loại.

Cần quy định riêng

Để giải quyết dứt điểm tình trạng đổ tùy tiện chất thải rắn cồng kềnh ra vỉa hè, lòng đường, sông, hồ… như hiện nay, chính quyền TP cần có những giải pháp cụ thể. Trước hết phải có những quy định, hướng dẫn để người dân hiểu đặc điểm và tác hại của rác cồng kềnh; nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác. Đối với chất thải rắn cồng kềnh, người dân cần chủ động lưu giữ gọn gàng, sau đó liên hệ đơn vị cung cấp dịch vụ VSMT để thu gom, xử lý; hoặc đem bỏ tại nơi quy định dành riêng, tuyệt đối không để bừa bãi ra nơi công cộng hay lẫn lộn vào rác thải sinh hoạt thông thường.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả xử lý, cần tích cực tuyên truyền, vận động để người dân bỏ chất thải rắn cồng kềnh đúng nơi, đúng thời gian quy định. Ví dụ như trên địa bàn quận Đống Đa hiện nay, Chi nhánh Môi trường Đống Đa - URENCO 4 đang tổ chức thu gom chất thải rắn cồng kềnh vào sáng thứ Bảy hàng tuần tại một số điểm quy định.

Mặt khác, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác cồng kềnh cần được trả phí riêng. Ở rất nhiều nước trên thế giới, việc thu phí vận chuyển, xử lý rác cồng kềnh đã được áp dụng từ lâu. Ví dụ như tại Hàn Quốc, việc xử lý các vật dụng lớn như giường, tủ, đệm, sofa, bảng, biển, bình nóng lạnh, tủ lạnh… sẽ phải trả phí từ 2.000 - 15.000 won (tương đương 40.000 - 300.000 đồng) cho mỗi món đồ tùy vào kích thước lớn nhỏ và độ phức tạp khi xử lý.

“Việc thay đổi từ thói quen tùy tiện sang nếp nghĩ phân loại, xả rác cồng kềnh đúng nơi, đúng giờ, trả phí xử lý tất nhiên là không dễ. Ban đầu có thể vấp phải sự phản ứng của người dân. Nhưng nếu được xây dựng thành quy định cụ thể, rõ ràng, tuyên truyền tích cực chắc chắn sẽ thực hiện được” - ông Nguyễn Đức Khiển khẳng định.