Hội nghị triển khai Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu tại Bắc Kạn
Môi trường - Ngày đăng : 10:21, 05/07/2018
Tham dự hội nghị có đại diện các Sở: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch đầu tư, Nội vụ, Thông tin truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Hội phụ nữ; Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bắc Kạn.
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Ngô Văn Viện cho biết, Việt Nam là 1 trong những nước chịu tác động của BĐKH. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong ứng phó với BĐKH. Ngoài xây dựng các chương trình phòng tránh thiên tai, thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình, công tác hoàn thiện khung pháp lý cũng được chú trọng.
Thực hiện Quyết định số 783/QĐ-UBND ngày 07/6/2017 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053 /QĐ-TTg ngày 28/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Kế hoạch số 21/KH-BĐKH ngày 16/3/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường về Thực hiện Quyết định số 783/QĐ-UBND ngày 07/6/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn năm 2018, hội nghị được tổ chức nhằm triển khai và cung cấp thông tin về Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, tình hình xây dựng và thực hiện kế hoạch của tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BĐKH trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Ông Phạm Văn Tấn cho biết theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, đây là thời điểm nắng nóng kỷ lục được ghi nhận từ thời kỳ con người có hệ thống đo đạc, theo dõi hiện tượng thời tiết. Một trong những nguyên nhân là do tác động của BĐKH. Năm 2017 là năm kỷ lục về thiên tai, tổng cộng 16 cơn bão đã gây ảnh hưởng tới hầu hết các địa bàn trên cả nước trong đó có Bắc Kạn. Để ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã thông qua Thoả thuận Paris về BĐKH, là thoả thuận pháp lý toàn cầu đầu tiên về BĐKH. Nghị định thư Kyoto mới ràng buộc việc giảm phát thải đối với 1 số nước trên thế giới. Tại phiên họp SB48 tại Bonn, Đức, đối thoại toàn cầu Talanoa đã được tổ chức. Thuật ngữ Talanoa được các quốc gia đảo nhỏ sử dụng để thảo luận 1 vấn đề quan trọng. Các bên thảo luận 03 câu hỏi về Chúng ta đang ở đâu, Chúng ta muốn đi đâu và Làm thế nào để tới được đó? Hiện nay Việt Nam cũng đang rà soát, cập nhật NDC và dự kiến dự kiến 2020 sẽ trình bản NDC mới.
Nhận thức được những tác động to lớn của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống con người và sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Ngay từ khi mới tách tỉnh và khi Nhà nước ban hành các chủ trương chính sách về BĐKH, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định, Bà Võ Thị Nghĩa Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khí tượng, Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn cho biết một số kết quả về công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu và triển khai Thỏa thuận Paris trên địa bàn tỉnh: Hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh; ban hành Chương trình hành động số 12-Ctr/TU ngày 06/8/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011- 2020. Ngoài ra Bắc Kạn còn tổ chức lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu vào trong quá trình quản lý, kế hoạch hóa trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh đã có Quyết đinh thành lập ban chỉ đạo và tổ chuyên môn giúp việc thực hiện kế hoạch hành động. BCĐ và Tổ chuyên môn có thành phần lãnh đạo và chuyên viên các sở ngành và địa phương trong tỉnh.
Với định hướng xây dựng và thực hiện các dự án Cơ chế phát triển sạch - CDM, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành một số văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia các dự án CDM. Trong đó tập trung nghiên cứu và đề xuất tham gia CDM trong các lĩnh vực có tiềm năng của tỉnh Bắc Kạn như: sản xuất năng lượng (các công trình thủy điện), xử lý rác thải, trồng rừng, khoáng sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 đơn vị là Công ty cổ phần điện lực dầu khí Bắc Kan tham gia dự án theo cơ chế phát triển sạch với tổng lượng CER dự kiến của dự án là 7365 tấn CO2 tương đương. Bà Nghĩa kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần quan tâm đào tạo, tập huấn bổ sung và nâng cao trình độ đội ngũ công chức, viên chức làm công tác về BĐKH nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới về chống BĐKH; tạo điều kiện cho Bắc Kạn tham gia chương trình, dự án vừa để nâng cao năng lực cán bộ, vừa để tỉnh được tiếp cận và hưởng lợi từ các dự án, chương trình quốc gia nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về Biến đổi khí hậu ở địa phương, góp phần vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu chung của cả nước.
Kết thúc Hội nghị ông Ngô Văn Viện đề cập Bắc Kạn là một trong những tỉnh tiên phong ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053 /QĐ-TTg ngày 28/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Kế hoạch có 05 nhóm giải pháp, 24 chương trình liên quan tới các sở, ngành liên quan tuy nhiên cần rà soát lại cho phù hợp với điều kiện của tỉnh Bắc Kạn đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện.