Nhìn lại mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai
Môi trường - Ngày đăng : 10:47, 28/06/2018
Từ ngày 23 - 26/6/2018, khu vực phía Bắc đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-300mm; có những nơi mưa đặc biệt lớn Nậm Giàng (Lai Châu) 508mm, Nà Hử (Lai Châu) 398mm, Bắc Quang (Hà Giang) 380mm; cường suất mưa rất lớn như tại Nậm Giàng (Lai Châu): 386mm/01 ngày. Đây là lượng mưa kỷ lục đối với khu vực này.
Trước diễn biến bất thường về thời tiết tại khu vực miền núi phía Bắc, công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai ở Trung ương đã được triển khai quyết liệt, cụ thể là:
Ngày 24/6/2018 Thủ tướng Chính phủ, 24/6/2018, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSC,TT và TKCN đã ban hành Công điện chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc và các Bộ, ngành tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ.
Ngày 26/6/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; Từ đêm ngày 24/6 đến 27/6/2018, Tổng cục PCTT đã dẫn đầu đoàn công tác của Văn phòng thường trực BCĐ TW về Phòng chống thiên tai đi tỉnh Lai Châu (bị thiệt hại nặng) để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả
Các Bộ, ngành đã có các công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu hậu quả mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đôn đốc Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 06/CĐ-TW ngày 24/6/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT
Tuy vậy, do diễn biến thiên tai bất thường, khắc nghiệt với diễn biến khó lường nên hậu quả do đợt mưa lũ gây ra là hết sức nặng nề, tính đến 7h00 ngày 28/6, thiệt hại tại các địa phương như sau:
Về người: 33 người chết và mất tích, trong đó 23 người chết (Hà Giang: 5 người chết do sập nhà, lũ cuốn trôi; Lai Châu: 16 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, nhà sập; Quảng Ninh: 1 người bị lũ cuốn trôi; Lào Cai: 1 người bị lũ cuốn trôi); 10 người mất tích do lũ cuốn trôi (Lai Châu: 9 người và Điện Biên: 1 người).
Về nhà: 161 nhà bị đổ, trôi (Hà Giang: 39 nhà; Lai Châu: 98 nhà; Thái Nguyên: 24 nhà); 958 nhà bị hư hỏng, thiệt hại; 1.816 nhà bị ngập nước.
Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản: 799,41 ha lúa, 16,42ha mạ và 719,05 ha hoa màu bị thiệt hại; 738 con gia súc, 13.855 con gia cầm bị chết và 599,28 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Về giao thông: 2,00 triệu m3 đất đá đường bị sạt trượt.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Giao thông vận tải đến 17h00 ngày 27/6 đã thông xe các tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Lào Cai.
Tại tỉnh Lai Châu trục đường Điện Biên - Lai châu Quốc lộ 12 dự kiến trong ngày 28/6 thông xe, riêng QL4H tại cầu Hua Bum Km303+460 dự kiến thông xe ngày 30/6.Tại tỉnh Điện Biên Quốc lộ 4H dự kiến ngày 30/6 thông xe.
Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 458,7 tỷ đồng (Sơn La 0,76 tỷ đồng, Hà Giang: 122 tỷ đồng, Lai Châu: 315,8 tỷ đồng, Thái Nguyên: 0,32 tỷ đồng, Lào Cai: 8,5 tỷ đồng, Yên Bái: 0,07 tỷ đồng, Cao Bằng 0,17 tỷ đồng, Điện Biên: 1 tỷ đồng, Tuyên Quang: 10 tỷ đồng).