Tìm cách khắc chế rác thải nhựa ở Phú Quốc
Môi trường - Ngày đăng : 14:11, 28/06/2018
Chiều 27/6, tại huyện Phú Quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kiên Giang phối hợp Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên - Việt Nam (WWF - Việt Nam) tổ chức hội thảo khởi động dự án giảm thiểu rác thải nhựa tại Phú Quốc.
Mỗi ngày nhận 155 tấn rác
Trình bày tại hội thảo, bà Nguyễn Thu Huyền, đại diện tổ chức WWF - Việt Nam, nhận định Phú Quốc đang đối mặt về tình trạng quá tải rác thải nhựa. Mỗi ngày, huyện đảo này nhận khoảng 155 tấn nhưng chỉ thu gom được khoảng 91 tấn.
Rác thải tại Phú Quốc sau khi thu gom được tập trung vào các bãi rác Ông Lang và An Thới, chưa qua xử lý nên gây ô nhiễm môi trường rất cao. Tại Phú Quốc có hơn 100.000 dân cùng 1.600 doanh nghiệp và 3 triệu khách du lịch mỗi năm, khiến rác thải ngày một tăng. Bên cạnh rác thải là túi ni-lông, rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, các doanh nghiệp, khách sạn..., Phú Quốc còn đối đầu với rác thải xây dựng, khiến việc xử lý càng khó khăn hơn.
Theo bà Lê Thị Việt Thu, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Mặt Trời Phú Quốc, chỉ riêng tại công ty của bà, đến mùa du lịch, rác thải tập trung vào bãi biển của khách sạn rất nhiều. Mỗi ngày thu gom từ 6-8 tấn, chủ yếu là túi ni-lông, chai nhựa, hộp xốp…
Các chuyên gia về môi trường cho rằng rác thải tồn đọng ở môi trường do nhiều nguyên nhân, như mạng lưới thu gom thiếu và yếu, các khu xử lý tập trung chưa có, kinh phí hoạt động thấp, thực thi chính sách kém, thiếu sự tham gia của cộng đồng.
Nâng cao ý thức cộng đồng
Bàn về giải pháp giảm ô nhiễm do rác thải, đại diện tổ chức WWF - Việt Nam cho rằng cần tăng cường hiệu quả thu gom rác, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, hướng tới giảm thiểu lượng rác thải cần xử lý thông qua việc đẩy mạnh tái chế, phân loại tại nguồn, hạn chế lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất. Đặc biệt là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường, đóng cửa các bãi rác không đạt yêu cầu.
Bà Lê Thị Việt Thu lưu ý giảm thiểu rác thải ni-lông thì trách nhiệm phải thuộc về các doanh nghiệp lớn, sử dụng vật liệu thay thế ni-lông như sử dụng túi giấy, ống hút bằng tre... Đồng quan điểm, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp lớn trong việc dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ sử dụng hiệu quả các sản phẩm khác để giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, trong công tác điều hành du lịch phải quan tâm sâu sát đến việc bảo vệ môi trường.
Ông Lưu Thành Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, đề nghị kế hoạch hành động phải chia ra thành nhiều giai đoạn khác nhau và đặt trọng tâm từng mục tiêu để có kết quả khả quan trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Đặc biệt, việc tuyên truyền ý thức giảm sử dụng túi ni-lông của người dân là rất quan trọng.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, muốn giảm thiểu được lượng rác thải phải gắn du lịch với hoạt động sinh thái cộng đồng. Ông Nguyễn Hữu Tuynh, Giám đốc Chi nhánh Cáp treo Hòn Thơm, cho biết các dự án của Sun Group đều sử dụng khoảng 60% lực lượng lao động tại địa phương bởi hơn ai hết, người dân địa phương luôn có ý thức bảo vệ môi trường nơi mình sống. Tại đảo Hòn Thơm, công ty không sử dụng nước ngầm mà đầu tư nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt, xây nhà máy xử lý nước thải để bảo đảm cân bằng hệ sinh thái trên đảo…