Hóa giải xung đột trong bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 16:01, 15/06/2018

Thời gian qua, việc phá rừng hoặc khai thác diện tích đất và mặt nước tại các khu bảo tồn tuy giảm nhưng vẫn để lại nhiều hậu quả. Làm gì để bảo vệ môi trường, đặc biệt là với những khu bảo tồn vì thế vẫn là vấn đề cần phải được đặt ra.
Hóa giải xung đột trong bảo vệ môi trường
Người dân bản Seo Sáng (xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, Lai Châu) tuần tra bảo vệ rừng

Đi tìm sự đồng thuận

Trước đây, Dự án “Khắc phục trở ngại nhằm tăng cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn ở Việt Nam (PA)” do Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (nay là Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học), trực thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ TNMTđã được triển khai trong giai đoạn 2011-2015.

Mục tiêu bao trùm của Dự án là đảm bảo tài chính bền vững cho khu bảo tồn nhằm bảo tồn đa dạng sinh học.

Tổng kết Dự án, một số nguyên nhân tồn tại đã được chỉ ra, trong đó có việc thiếu khung chính sách và pháp lý cũng như nguồn cung cấp tài chính cho các khu bảo tồn. Cùng đó, việc truyền thông về vấn đề này còn yếu, từ đó chưa thu hút được sự chung tay của cộng đồng.

Trong 5 năm triển khai Dự án đã tổ chức được 35 khoá đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng về quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, tài chính cho đa dạng sinh học cho hơn 850 lượt cán bộ quản lý ở Trung ương và địa phương, các cán bộ khu bảo tồn. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được như kỳ vọng, trong đó nguyên nhân chính được cho là chưa vận động được cộng đồng vào việc bảo vệ thiên nhiên.

Bà Lê Hà Thu - Trung tâm Con người và Thiên nhiên, đã dẫn chứng một số khu bảo tồn thành công, trong đó có sự đóng góp tích cực của cộng đồng, tức là những người dân sống quanh và trong khu vực bảo tồn.

Ví dụ cụ thể được dẫn ra từ huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La). Đây là địa phương có độ che phủ rừng cao so với cả nước (56,3%). Tổng diện tích rừng được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của huyện lên tới 50.000 ha, chiếm 66,7% tổng diện tích rừng toàn huyện.

Đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện cho biết, rừng do cộng đồng quản lý đạt hiệu quả cao hơn so với hộ gia đình. Điều này phần lớn là do cộng đồng có khả năng ứng phó với các vi phạm như phá rừng, đốt/phát nương làm rẫy hoặc khai thác gỗ trái phép trong khi các hộ gia đình phải nhờ đến sự phân giải của trưởng thôn/hội đồng quản lý thôn bản.

Đáng chú ý, thực tế cho thấy cộng đồng có đủ năng lực và điều kiện để tuần tra bảo vệ rừng. Như vậy, số tiền khoán bảo vệ rừng hoặc từ chi trả dịch vụ môi trường rừng mà người dân thực hiện là đòn bẩy kinh tế tốt, nhưng quan trọng hơn chính là ý thức của người dân về việc bảo vệ nguồn sống bền vững cho chính mình được nâng lên.

Tại đây, để bảo vệ rừng, nhiều nhóm hộ gia đình đã liên kết với nhau và cũng được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nhóm hộ (89,1ha).

Về vấn đề cộng đồng chung tay bảo vệ thiên nhiên, tại một số vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thì cùng với việc triển khai kế hoạch của chính quyền, người dân còn gắn công việc với các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, có nghĩa là áp dụng luật tục bảo vệ rừng thiêng trong truyền thống vào cuộc sống hôm nay.

Chính niềm tin đó là nhân tố quan trọng ngăn chặn hiện tượng phá rừng, hủy hoại môi trường thiên nhiên. Nói như bà Hà thì cộng đồng hoàn toàn có đủ khả năng tổ chức, quản lý hiệu quả các khu vực tự nhiên đồng thời nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên.

Hiện tại, cả nước có hơn 1,06 triệu ha rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý.

Xung đột quyền lợi

Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có đa dạng sinh học quan trọng nhất thế giới. Tuy nhiên, diện tích rừng đặc dụng vẫn đang phải đối mặt với nhiều sức ép, như chồng lấn quyền sử dụng đất, áp lực phát triển dẫn đến nguy cơ suy giảm diện tích rừng và đa dạng sinh học.

Có thể dẫn chứng nhiều khu bảo tồn đang bị xâm lấn, từ rừng, các khu đất ngập nước, cho đến cả những cánh rừng đầu nguồn.

Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này chính là do hình thức “đồng quản lý” chưa được làm tốt. “Đồng quản lý” ở đây là chính quyền địa phương cộng với cơ quan chức năng + người dân trong khu vực.

Cách này có thể huy động được sức mạnh tổng hợp, nhưng mặt khác lại có thể đưa tới tình trạng “cha chung không ai khóc”, nếu như chỉ cần 1 trong 3 thành tố cấu thành thiếu trách nhiệm. Sự cam kết và hỗ trợ là cần thiết nhưng quan trọng hơn vẫn phải là ý thức của cộng đồng.

Theo giới chuyên gia, cần nhìn nhận một thực tế là ở đây, có vấn đề xung đột quyền lợi giữa chính quyền và người dân. Chính quyền với trách nhiệm của mình phải bảo vệ thiên nhiên bền vững, vì vậy phải hạn chế tới mức thấp nhất việc khai thác của người dân. Còn người dân trong khu vực lại cho rằng mình có quyền khai thác, phục vụ cuộc sống hàng ngày. Vẫn tồn tại suy nghĩ thiên nhiên là của “trời cho”, nên họ có quyền khai thác.

Thực tế cũng cho thấy, ở nhiều nơi, rừng, mặt nước..., là sinh kế lâu đời của người dân trong khu vực. Khi bị “bứng” khỏi nguồn sinh kế đó, họ thiếu khả năng chuyển đổi nghề, cuộc sống khó khăn.

Vì vậy, để “hóa giải” quyền lợi, trước tiên phải từ phía chính quyền, có nghĩa là phải tạo điều kiện cho người dân có nghề mới, mà công việc đó phải bảo đảm thu nhập. Đã có nhiều chương trình dạy nghề cho nông dân, nhưng trên thực tế những nghề đó lại là nghề đơn giản, không mang lại hiệu quả kinh tế. Vì vậy, người dân vẫn tiếp tục xâm phạm các khu bảo tồn, dù rằng nhiều người biết rằng như vậy là vi phạm.    
 

    
Cả nước có 30 vườn quốc gia, trong đó có 5 vườn quốc gia tại trung du và miền núi phía Bắc, 4 tại Đồng bằng Bắc Bộ, 5 tại Bắc Trung Bộ, 7 tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, 4 tại Đông Nam Bộ và 5 tại Tây Nam Bộ. Có 14 khu bảo tồn thiên nhiên bảo vệ các khu vực sinh thái đất ngập nước, ven biển rừng bao gồm: Rừng ngập mặn Cần Giờ, các khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà Núi Chúa, Pù Luông, Cù lao Chàm, Sơn Trà, Mường Nhé, Hang Kia - Pà Cò, Sốp Cộp, Thượng Tiên, Xuân Nha, Lung Ngọc Hoàng, Núi Cấm, Phú Thạnh, Vồ Dơi. Cùng đó là các khu dự trữ sinh quyển: Cần Giờ, Cát Bà, châu thổ sông Hồng, ven biển và biển đảo Kiên Giang, miền Tây Nghệ An, Mũi Cà Mau, Cù lao Chàm, Langbian.