Đồng Nai: Nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn
Môi trường - Ngày đăng : 22:17, 08/05/2018
Xây dựng lộ trình quản lý
Theo Sở TN&MT Đồng Nai, hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào khoảng 1.762 tấn/ngày; khối lượng thu gom, xử lý khoảng 1.711 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 97,1%. Trong đó, khối lượng rác sinh hoạt của các hộ dân tự xử lý theo hướng dẫn của chính quyền địa phương là 321 tấn/ngày; khối lượng thu gom, xử lý tại các khu xử lý khoảng 1.387 tấn/ngày, đạt 81%.
Cùng với đó, khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường hiện phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào khoảng 976 tấn/ngày, thu gom, xử lý 100%. Về cơ bản, khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được thu gom, tái chế ở từng nhóm chất thải như: nhóm giấy, nhóm gỗ, nhóm nhựa, nhóm kim loại, tỷ lệ đã thực hiện thu gom, xử lý (tái chế).
UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 2862 ngày 03/11/2011 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, toàn tỉnh có 09 khu xử lý chất thải với tổng diện tích đất sử dụng khoảng 430 ha; ban hành Quyết định số 2249 ngày 22/7/2014 về điều chỉnh nội dung Quyết định số 2862 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.
Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình lập hồ sơ, triển khai thi công, tuy nhiên cùng với sự nổ lực của nhà đầu tư, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền và Sở ngành chuyên môn, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được 16 dự án tại 09 khu xử lý. Hiện nay, có 09 dự án đang hoạt động, đáp ứng được chức năng xử lý các chủng lại chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.
Năm 2017, Sở TN&MT Đồng Nai đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/01/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (khóa X) về chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018 và Quyết định số 4519/QĐ-UBND ngày 29/12/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt “Đề án tổng thể phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020”.
Trong đó, Sở TN&MT Đồng Nai đã tổ chức triển khai, tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt của 11/11 huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa. Qua đó, các địa phương đã triển khai thí điểm thực hiện nhiệm vụ phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn hàng năm.
Năm 2018, tỉnh Đồng Nai tiếp tục triển khai nhân rộng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và tổ chức thực hiện sơ kết nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2018 nhằm đánh giá kết quả thực hiện, xác định các vấn đề ưu tiên và đề ra các giải pháp thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đưa ra mô hình tối ưu để các địa phương chủ động hơn trong triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Kiểm soát tại khu vực nông thôn
Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho hay: Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương thuộc tỉnh Đồng Nai, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay vào khoảng 1.051 tấn/ngày, khối lượng thu gom và xử lý khoảng 1.005 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 96%. Trong đó, khối lượng xử lý tại các khu xử lý theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh vào khoảng 703 tấn/ngày.
Riêng đối với các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn chưa có tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt, trên cơ sở hướng dẫn của địa phương, người dân tiến hành phân loại, tận dụng những loại có thể tái chế, phần còn lại các hộ tự xử lý bằng các phương pháp đốt, ủ làm phân bón hoặc chôn lấp. Sở TN&MT Đồng Nai cũng đã có Văn bản 5869 ngày 06/12/2016 về việc hướng dẫn việc thực hiện tự xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ chưa có tuyến thu gom.
Để triển khai Thông tư Liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 15/6/2016 về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, ngày 01/7/2016, Sở TN&MT Đồng Nai đã có Văn bản số 2960 về việc triển khai Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, gửi UBND và Phòng TN&MT các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa biết và triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này.
UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản chỉ đạo số 3212/UBND-CNN ngày 11/4/2017 về việc tăng cường công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cụ thể trách nhiệm cho từng Sở, ngành và UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác quản lý tình hình phát sinh, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở các quy định về bảo vệ môi trường đối với chất thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật đã được ban hành, đồng thời thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT Đồng Nai đã phát hành Văn bản số 3269/STNMT-CCBVMT ngày 08/6/2017 về việc hướng dẫn vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Hiện nay, trên địa bàn các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa đã và đang triển khai theo các nội dung quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, như: xây dựng kế hoạch thu gom; tổ chức các lễ phát động; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; thực hiện ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định…
Giảm dần chôn lấp, tăng tái chế
Cũng theo Sở TN&MT Đồng Nai, hiện nay, công nghệ đang được đầu tư, áp dụng tại các khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp là 63%, sản xuất phân compost, tái chế và đốt là 27%. Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất thải rắn thông thường, nhất là việc tăng khối lượng tái chế, thu hồi năng lượng, tự xử lý chất thải, giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp dưới 50% trong năm 2018, Đồng Nai tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
Theo đó, Đồng Nai tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phù hợp tình hình hiện nay và lộ trình về giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới; tiếp tục tập trung chỉ đạo việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với công nghệ xử lý trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, 100% đô thị trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải tại nguồn; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án xử lý rác phát điện tại Vĩnh Tân.
Bên cạnh đó, hoàn thiện mạng lưới thu gom, xây dựng các điểm trung chuyển của địa phương đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật liên quan nhằm nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải, đảm bảo chất thải được đưa về khu xử lý theo đúng quy hoạch; kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy xử lý chất thải theo đúng lộ trình, nhất là các hạng mục công trình tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để đảm bảo hiệu quả xử lý, giảm thiểu tỷ lệ chất thải xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh.
Ngoài ra, tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường năm 2018 theo Chương trình Liên tịch giai đoạn 2016 - 2020 đã được ký kết; triển khai thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án tổng thể về truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; thực hiện Nghị quyết số 185/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Đồng Nai về thông qua Đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai đề ra, trong đó, đảm bảo thu gom và xử lý 100% chất thải công nghiệp không nguy hại, 98% chất thải rắn sinh hoạt.
Để công tác quản lý chất thải rắn thông thường tại địa phương đạt hiệu quả cao hơn, Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ TN&MT có yêu cầu các chủ dự án phải đảm bảo việc đầu tư đầy đủ các hạng mục công trình phân loại, tái chế chất thải, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15% theo QCXDVN 01:2008/BXD của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn xây dựng Việt Nam Quy hoạch xây dựng; có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm được sản xuất, tái chế từ rác thải, tạo điều kiện cho các chủ dự án đầu tư hạng mục công trình tái chế, thu hồi năng lượng từ xử lý rác...