Tháng 5 - đỉnh điểm nguy cơ cháy rừng ở Tây Nguyên

Môi trường - Ngày đăng : 14:51, 08/05/2018

(TN&MT) - Bắt đầu từ tháng 4, sang đến tháng 5/2018 là đỉnh điểm mùa khô ở Tây Nguyên. Đây là thời điểm các khu rừng trong tình trạng cảnh báo nguy cơ cháy cấp...
(TN&MT) - Bắt đầu từ tháng 4, sang đến tháng 5/2018 là đỉnh điểm mùa khô ở Tây Nguyên. Đây là thời điểm các khu rừng trong tình trạng cảnh báo nguy cơ cháy cấp V (cấp nguy hiểm). Vậy nên, tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra đối với chủ rừng cũng như các địa phương trên địa bàn.
T8a
Tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng ở Tây Nguyên. Ảnh: MH
Nguy cơ luôn tiềm ẩn

Tây Nguyên có 3.326.647ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, diện tích rừng là 2.558.646ha, tỷ lệ độ che phủ đạt 43,5%. Rừng ở Tây Nguyên có nguy cơ cháy rất cao, nhất là vào thời điểm mùa khô. Trong khi đó, ở khu vực này, thường xuyên xảy ra tình trạng người dân phá, đốt dọn rừng làm rẫy, đi rừng săn bắt động vật, đốt lửa bắt ong rừng… dẫn đến nhiều vụ cháy rừng. 

Đáng lo ngại nhất là địa bàn tỉnh Kon Tum, hiện nay có nhiều khu vực 3 tháng liền không có mưa, dự báo cấp cháy rừng luôn ở mức cao, cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Ban Chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết: Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Thời điểm hiện tại, Kon Tum là 1 trong 7 tỉnh cả nước nằm trong khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, lại trùng thời điểm người dân trên địa bàn đốt nương làm rẫy. Vì vậy, để tham gia phòng chống cháy rừng một cách hiệu quả, kịp thời, tỉnh Kon Tum đã phân loại cấp cháy rừng trên địa bàn thành 3 khu vực. Trong đó, khu vực 1 có nguy cơ cháy rừng rất cao, gồm các huyện Ngọc Hồi, Đác Tô, Sa Thầy, Ia HDrai. Diện tích rừng có nguy cơ cháy rất cao tại khu vực 1 gần 123.600 ha, trong đó, có hơn 39 nghìn ha rừng trồng; hơn 84 nghìn ha rừng tự nhiên.

Tại Lâm Đồng, tỉnh này đang có trên 500.000ha đất có rừng, gồm 3 loại rừng là rừng đặc dụng (54.358ha), rừng phòng hộ (36,237ha) và rừng sản xuất (17.7319ha). Hiện nay, hầu hết các diện tích rừng này đều ở tình trạng nguy cơ cháy rừng cao. Từ đầu tháng 12/2017, Hạt Kiểm lâm đã khoanh vùng diện tích rừng dễ xảy ra cháy thuộc địa bàn các huyện: Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng và TP. Đà Lạt.

Tại tỉnh Đắk Lắk, hiện trọng tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng đang hướng về loại rừng gỗ lá kim, rừng hỗn giao tre nứa, tập trung tại các huyện Ea Hleo, Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Ana… Đây là loại rừng có nguy cơ xảy ra cháy rất cao và công tác phòng cháy, chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Nâng cao cảnh giác

Để chủ động đối phó với nguy cơ cháy rừng vào mùa khô, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chủ rừng khu vực Tây Nguyên đang khẩn trương triển khai công tác phòng chống cháy rừng, lấy phương châm phòng chống là chính.

Ngay từ đầu mùa khô năm nay, Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng Kon Tum kiểm tra, rà soát lại các phương án phòng chống cháy rừng ở các địa phương, đơn vị chủ rừng theo phương châm bốn tại chỗ. Tỉnh thành lập 96 Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng các cấp, với tổng số 1.458 người; lập 739 tổ đội bảo vệ rừng - phòng cháy chữa cháy rừng, trong đó: 62 tổ đội của chủ rừng gồm 432 người; 677 tổ đội tại thôn gồm 4.535 người.

Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng Kon Tum đã chỉ đạo các chủ rừng thành lập các chốt tại khu vực cửa rừng, kiểm tra, ngăn chặn hạn chế người ra vào rừng, phân công trực tại các khu vực trọng điểm cháy rừng, bảo đảm theo đúng cấp dự báo cháy rừng, kịp thời phát hiện cháy rừng; chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện, dụng cụ ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

Tỉnh Kon Tum ban hành quy định về quy trình công tác phòng chống cháy rừng trong vùng sản xuất nương rẫy. Theo đó, trước khi đốt dọn nương rẫy người dân phải làm đường băng khép kín chung quanh rẫy rộng từ 4 - 8m, tùy theo thực bì ít hay nhiều và độ dốc, có thể làm đường băng rộng hơn, trên đường băng phải làm sạch các vật liệu dễ cháy. Trước 2 ngày đốt rẫy, người dân phải báo với thôn trưởng, già làng, kiểm lâm về giờ đốt, ngày đốt để được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình đốt và hỗ trợ dập tắt lửa nếu có cháy lan vào rừng…