Nuôi tôm trái phép gây sức ép môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 18:11, 17/04/2018

(TN&MT) - Hiện nay, ở những vùng nuôi tôm trái phép, người nuôi không nghĩ đến việc xử lý nước thải, chất thải từ hồ nuôi sau khi thu hoạch xả thẳng ra môi...
(TN&MT) - Hiện nay, ở những vùng nuôi tôm trái phép, người nuôi không nghĩ đến việc xử lý nước thải, chất thải từ hồ nuôi sau khi thu hoạch xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.
tnmt Nuôi tôm trái phép gây sức ép môi trường
Người dân ồ ạt nuôi tôm trái phép khu vực ven biển. Ảnh: MH
Ồ ạt nuôi tôm trái phép

Những ngày gần đây trên các mặt báo nóng bỏng thông tin 1,9ha đất ở thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh (Thừa Thiên - Huế) thuộc quản lý của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chân Mây được giao cho 2 hộ dân đào hồ nuôi tôm trái phép. Nước thải nuôi tôm của các hộ này xả thải trực tiếp ra biển gây nguy hại cho môi trường sinh thái, đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan du lịch của vùng biển Chân Mây - Lăng Cô. 

Trước đó, tháng 6/2017, chính quyền nơi đây cũng phát hiện hơn 20 ao hồ nuôi, xây dựng tràn lan trên đất chưa được cấp phép nuôi trồng thủy sản và không bảo đảm xả thải ra môi trường biển và ra quyết định xử phạt, buộc phục hồi. Tuy vậy, đến nay, các ao hồ nuôi tôm trái phép vẫn chưa được chính quyền xã Lộc Vĩnh và huyện Phú Lộc tổ chức cưỡng chế, phục hồi nguyên trạng. Tình trạng nuôi tôm lậu tại vùng Chân Mây - Lăng vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Không chỉ ở Thừa Thiên - Huế, tại Hoài Nhơn, Bình Định, môi trường cũng bị 'bức tử' vì… nuôi tôm. Hiện, kênh mương, ao hồ trên địa bàn các xã Hoài Mỹ, Hoài Hải bị nước thải của những hồ nuôi tôm gây ô nhiễm nặng nề. Tại vùng nuôi tôm tự phát nằm dọc đầm Nam Lý thuộc thôn Công Lương với diện tích 18ha do không được quy hoạch, nên cách nuôi rất tùy tiện. Mỗi ao nuôi có một kiểu cải tạo khác nhau, nên việc nuôi và xử lý nước và chất thải không hề tuân theo quy trình. Nước thải trong các hồ nuôi chưa được xử lý được xả thẳng ra môi trường, ngập ngụa các tuyến kênh mương, ao hồ trên địa bàn, khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm kéo dài, khiến người dân bức xúc.

Ngoài ra, tình trạng nuôi tôm trên cát ở thôn Kim Giao Thiện (xã Hoài Hải) cũng diễn ra ồ ạt. Hầu hết các hồ nuôi tôm không có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy trình, làm nước mặn và chất thải ngấm vào mạch nước ngầm, đất dẫn đến nước sinh hoạt bị ô nhiễm, không thể sử dụng được khiến địa phương phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, do tình trạng nuôi tôm trên cát tự phát, không có quy hoạch. 

Tình trạng này cũng diễn ra ở vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa  - một trong những nơi đứng đầu miền Trung về nuôi tôm trên cát. Công việc quen thuộc của những người nuôi tôm ở đây là hút nước ngầm cho vào hồ tôm. Mỗi hồ tôm cần đến hàng nghìn m3 nước. Như vậy, lượng nước ngầm khai thác cho nuôi tôm trong mỗi vụ là con số không hề nhỏ. Nước thải từ hồ tôm được đưa thẳng ra môi trường, mặc dù, quy định trong nuôi tôm công nghiệp là phải có ao lắng lọc nước thải. Tình trạng này kéo dài nhiều năm qua ở hầu hết các vùng nuôi tôm trên cát. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm ven biển.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Người nuôi vẫn chưa có ý thức về việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong trong nuôi tôm chưa cao; việc phòng bệnh cho tôm, nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường chưa được người nuôi tôm quan tâm. Trong khi đó, lượng thức ăn thừa và chất bài tiết của tôm kết hợp với quá trình chuyển hóa dinh dưỡng là nguyên nhân chính tạo nên các chất gây ô nhiễm. 

Lượng thức ăn khi các chủ đầm tôm thả xuống khu vực nuôi trồng chỉ được tôm tiêu thụ khoảng 85%, lượng còn lại (khoảng 15%) sẽ bị thất thoát và chính điều này dẫn đến lượng Nitơ gây ô nhiễm chiếm đến 40% từ lượng thức ăn thừa này… Tính toán sơ bộ, cứ 1 ha nuôi tôm thải ra gần 8 tấn chất thải rắn, như vỏ tôm khi tôm lột vỏ, thức ăn dư thừa cùng với hàng chục nghìn m3 nước thải khác. Việc này gây ô nhiễm và mặn hóa nguồn nước ngầm, khiến dịch bệnh lây lan. 

Theo các chuyên gia môi trường, thành phần bùn thải nuôi tôm công nghiệp có chứa khoảng 29,5%, Si 27.842mg/kg, Ca 13.256 mg/kg, K 5.642 mg/kg, Fe 11.210 mg/kg, H2S 8,3mg/kg, N-NH3 36,1mg/kg, N-NO3 0,3mg/kg, N-NO2 0,1mg/kg, PO4 1,8mg/kg, bùn thải đáy ao nuôi cá tra có thành phần pH 4,37 - 5,39%, TOC 1,56 - 1,89%, tích tụ khoảng 24% Nitơ và 24% Phốt pho, trong bùn đáy ao nuôi tổng N 0,131 - 0,186%, tổng P 0,124 - 0,181%… là nguồn gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng cần phải được xử lý triệt.

Nước thải nuôi tôm công nghiệp có hàm lượng các chất hữu cơ cao (BOD5 12 - 35mg/l, COD 20 - 50mg/l), các chất dinh dưỡng (Photpho, Nitơ), chất rắn lơ lửng (12 - 70mg/l), Amoniac (0,5 - 1mg/l), Coliform (2,5.102 -3.104 MNP/100ml). Tính toán sơ bộ, cứ 1 ha nuôi tôm thải ra gần 8 tấn chất thải rắn, như vỏ tôm khi tôm lột vỏ, thức ăn dư thừa cùng với hàng chục nghìn m3 nước thải khác. Việc này gây ô nhiễm và mặn hóa nguồn nước ngầm, khiến dịch bệnh lây lan. 

Tình trạng nuôi tôm trái quy hoạch và gây ô nhiễm đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn lung túng, bất lực trong việc xử lý vấn đề này. Nếu công tác quy hoạch, quản lý nuôi tôm không tốt, không những sẽ nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng về môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nuôi trồng và đe dọa sức khỏe cộng đồng và các hoạt động kinh tế khác.