Hà Nội: Tăng cường nhà máy xử lý nước thải ở các khu, cụm công nghiệp
Môi trường - Ngày đăng : 11:50, 13/03/2018
Toàn TP Hà Nội hiện nay chỉ có 18 KCN với tổng diện tích quy hoạch gần 3.441ha. Như vậy, một nửa số KCN ở Hà Nội đã có nhà máy xử lý nước thải riêng.
Ngoài ra, trong tổng số 89 CCN đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội cũng có đến 43 CCN đã hoạt động ổn định và cơ bản hoàn thành việc xây dựng 21 trạm xử lý nước thải tập trung.
Trong số này, 10 CCN đã có trạm xử lý nước thải đang vận hành bình thường với tổng công suất thiết kế lên đến 10.800m3/ngày - đêm. 11 cụm có trạm chưa đi vào vận hành, hoặc vận hành không đạt mà cần phải đầu tư, bổ sung hoặc đang vận hành thử.
Bên cạnh đó là 1 cụm mới hoàn thành phần xây dựng, chưa lắp đặt thiết bị; 2 cụm đã có dự án đầu tư, đang chuẩn bị xây dựng và 19 cụm chưa có dự án xây dựng trạm xử lý nước thải.
Hiện tại, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung rà soát quy trình lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, dựa trên cơ sở Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ và Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường.
Theo đó, các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với chủ đầu tư dự án phải được quy định rõ ràng trong từng giai đoạn thực hiện dự án, từ thi công xây dựng đến vận hành dự án.
Cụ thể, chủ đầu tư phải đảm bảo nguồn kinh phí để áp dụng các biện pháp giảm thiểu và xử lý những tác động tiêu cực đến môi trường phát sinh trong quá trình triển khai dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân xung quanh khu vực dự án, gồm nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung, chất thải rắn và chất thải nguy hại.
Các quy định hiện hành về môi trường, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật thủ đô được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành cũng cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Chưa kể, các chủ dự án sản xuất công nghiệp còn phải thực hiện trách nhiệm về kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Trước đó, tại cuộc làm việc của đoàn giám sát của Ban Đô thị - HĐND TP Hà Nội với Sở Xây dựng thành phố vào tháng 9 năm ngoái, Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân có nhận định: Công tác quản lý và chấp hành quy định của pháp luật về thu gom và xử lý nước thải tại các CCN vẫn còn nhiều bất cập.
Đây cũng là một trong những lý do khiến UBND TP Hà Nội phải ban hành Quyết định số 41/2017/QĐ-UBND về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP Hà Nội.
Hiện tại, TP Hà Nội đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá lớn nhất cả nước ở huyện Thanh Trì với công suất 270.000m3/ngày - đêm, dự kiến thu gom nước thải trên diện tích 4.874ha ở các quận Ba Đình, Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông và Thanh Trì.
Tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 16.200 tỷ đồng, bao gồm 85% vốn ODA của Nhật Bản và 15% vốn đối ứng của TP Hà Nội. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.