Tìm giải pháp tiết chế than tổ ong
Môi trường - Ngày đăng : 17:06, 09/03/2018
Kết quả khảo sát hiện trạng sử dụng bếp than tổ ong ban đầu ở 23/30 quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội cho thấy có khoảng 55.000 bếp. Tỷ lệ bếp than tổ ong tại các quận nội thành chiếm 63% do tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán hàng trên vỉa hè.... Các quận Ba Đình, Đống Đa, Long Biên sử dụng nhiều bếp than tổ ong nhất., trung bình Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào không khí.
Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chọn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm làm thí điểm mô hình chuyển đổi sang sử dụng công nghệ bếp xanh. Việc sử dụng mô hình chuyển đổi này nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sử dụng bếp than tổ ong, tạo ra nhu cầu sử dụng bếp cải tiến thân thiện với môi trường, giảm thiểu khí thải, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thực hiện mô hình này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình triển khai mô hình thí điểm “Sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong” trên địa bàn phường Trúc Bạch.
Tham gia chương trình, người dân phường Trúc Bạch sẽ được thử nghiệm và sử dụng bếp cải tiến đã được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế với mức giá ưu đãi tại các kênh phân phối thuận tiện ở địa phương. Các hộ dân trên địa bàn phường sẽ được dùng thử các loại bếp cải tiến miễn phí trong vòng 1 tháng và mỗi hộ dân được phát miễn phí 5 kg nhiên liệu. Cùng với đó, các hộ dân trên địa bàn phường được ưu đãi từ 30 – 50% kinh phí khi mua bếp cải tiến.
Theo bà Lê Thanh Thủy, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cùng với việc khuyến khích người dân có những trải nghiệm thực tế với các bếp cải tiến, tự nguyện chuyển đổi thói quen sử dụng để dần thay thế bếp than tổ ong thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể, các đơn vị, tổ chức; đặc biệt là người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố.
Để xử lý bếp than tổ ong, trong năm 2018 sẽ xóa bỏ 70% số lượng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố. Năm 2019 sẽ thay thế 100% số lượng bếp than tổ ong. Năm 2020 duy trì kết quả thay thế 100% bếp than tổ ong. Giải pháp công nghệ được khuyến khích áp dụng là bếp cải tiến tiết kiệm nhiên liệu, an toàn, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện kinh tế. Một số loại bếp cải tiến như bếp thế hệ xanh, bếp tre xanh... Đây là bếp đun đa năng không cần quạt, dùng viên nén có quạt thổi với chất liệu inox sạch, có độ bền cao.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, để thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả, triệt để và bền vững, Sở đang tập trung rà soát, thống kê các xưởng sản xuất bếp than tổ ong; đồng thời lên kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Theo lộ trình đến hết năm 2020, sẽ giảm và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở này. Sở đề xuất kế hoạch, kết nối các đơn vị cùng tham gia triển khai các chương trình, dự án, hoạt động liên quan tới nâng cao chất lượng không khí, bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng, tài nguyên bền vững tại Hà Nội. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện và các bên liên quan đánh giá, hậu kiểm tra sau quá trình triển khai, báo cáo UBND thành phố. Trên cơ sở đó, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố triển khai nhân rộng các giải pháp trên toàn địa bàn, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
Khi thực hiện nhiệm vụ này, các chuyên gia của Tổ chức phi Chính phủ Hà Lan sẽ tiến hành đo đạc, đánh giá khí thải của bếp than tổ ong, đối chứng với các mẫu bếp cải tiến bán trong chương trình dự án, làm cơ sở tuyên truyền cho người dân để thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi; xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính dựa trên kết quả cho các nhà sản xuất bếp sạch nhằm thúc đẩy thị trường bếp đun sạch tại Hà Nội.