Về đâu bóng dáng oai linh?

Môi trường - Ngày đăng : 17:55, 06/03/2018

(TN&MT) - Với chủ đề “Mèo lớn - Thú săn mồi đang bị đe dọa”, Ngày Động vật Hoang dã Thế giới 2018 là một cơ hội cho Việt Nam nâng cao nhận thức của cộng đồng về...
(TN&MT) - Với chủ đề “Mèo lớn - Thú săn mồi đang bị đe dọa”, Ngày Động vật Hoang dã Thế giới 2018 là một cơ hội cho Việt Nam nâng cao nhận thức của cộng đồng về những nguy cơ tuyệt chủng mà các loài “mèo lớn”, trong đó, có loài hổ đang phải đối mặt.
 
Nguy cơ tuyệt chủng
 
Theo thông tin từ website chính thức của Ngày Động vật hoang dã (ĐVHD) thế giới năm nay, số lượng cá thể hổ trên thế giới đã giảm 95% trong một thế kỷ qua. Trước năm 1900, trên thế giới có khoảng 100.000 con hổ, trong vòng 1 thập kỷ qua, con số này đã giảm 97%. Năm 2010, ước tính có khoảng 3.200 con sinh sống. Báo cáo mới nhất từ điều tra của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thống kê số lượng hổ hiện tại khỏang 3.890 con.
Về đâu bóng dáng oai linh
Số lượng loài hổ bị giảm sút nghiêm trọng. Ảnh: MH
Bên cạnh đó, trong hai thập kỷ qua, số lượng sư tử đã giảm 43%. Ngày nay sư tử cũng đã biến mất trên khoảng 90% những vùng lãnh thổ chúng đã từng xuất hiện. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra trong tương lai, con người sẽ không bao giờ còn có thể nhìn thấy hình bóng của những loài động vật săn mồi quyền uy này.
 
Việt Nam cũng là nơi cư trú của một số loài mèo lớn như hổ Đông Dương, báo hoa mai… Mặc dù, được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất nhưng các loài này cũng đang phải đối mặt với không ít mối đe dọa. Mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ tại Việt Nam là hoạt động săn bắn và buôn bán hổ trái phép. Hổ bị buôn bán phần lớn để lấy xương để bào chế các loại thuốc cổ truyền.
 
Ngoài ra, hổ con hay một số bộ phận cơ thể khác của hổ thường dùng để ngâm rượu. Các tiêu bản hổ nhồi bông, các bộ phận khác như da, móng, hoặc nanh hổ cũng được coi là các đồ trang trí và trang sức có giá trị cao.
 
Bà Trần Thị Thuỳ Dương, Phòng Bảo vệ ĐVHD của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), chia sẻ: “Trong năm 2017, Phòng Bảo vệ ĐVHD của ENV đã ghi nhận 218 vi phạm liên quan đến hổ, trong đó 92 trường hợp quảng cáo và buôn bán, chủ yếu là trên mạng Internet, 13 trường hợp buôn lậu và tàng trữ hổ và các bộ phận, sản phẩm liên quan.” Vậy số phận của những con hổ cuối cùng liệu có chung kết cục như tê giác?
 
Nuôi nhốt không mang giá trị bảo tồn
 
Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), tính đến hết năm 2017, có khoảng 202 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt ở 14 trang trại và vườn thú tư nhân trên cả nước. Một số trang trại được cho rằng, đang ra sức “núp” dưới vỏ bọc “trang trại được cấp phép” để buôn bán trá hình. Như trường hợp của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến, hiện đang nuôi nhốt 11 cá thể hổ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và có liên quan tới nhiều vụ buôn lậu hổ trong thập kỷ qua.
 
Cũng trong năm 2017, cơ quan chức năng đã tịch thu 2 cá thể hổ con đông lạnh của đối tượng này. Những điều tra về trang trại hổ của đối tượng Chiến cùng thông tin tin cận cho thấy, Chiến đã gây nuôi hổ nhằm mục đích thương mại mà không hề phục vụ mục tiêu nuôi thí điểm “bảo tồn” hổ như UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề ra.
 
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia việc các chủ nuôi hổ không báo cáo thường xuyên tới cơ quan chức năng địa phương và việc giám sát không hiệu quả những trang trại này dẫn đến khả năng các chủ trang trại tiếp tục tham gia các hoạt động buôn bán hổ trái phép. Có những trang trại có thống kê hổ không hợp lý về số hổ được sinh ra và bị chết tại cơ sở. Đồng thời, việc xử lý những con hổ chết không được thực thi đầy đủ theo quy định. Điều này tạo điều kiện cho những chủ trang trại bán những con hổ chết thay vì tiêu hủy theo pháp luật. ENV nhận định 9/14 cơ sở có dấu hiệu liên quan đến hoạt động bất hợp pháp.
 
Mới đây, tại Nghệ An, vợ của một đối tượng đã có 2 tiền án tội phạm liên quan đến hổ được cấp phép để nuôi hổ "bảo tồn". Với quyết định của UBND Nghệ An, số phận của những con hổ mang danh nghĩa phục vụ lợi ích giáo dục bảo tồn được đặt trong tay của "trùm" buôn bán, tàng trữ hổ.
 
Trong khi đó, quần thể hổ hoang dã của Việt Nam cũng bị đe dọa bởi việc mất môi trường sống mà nguyên nhân chính là do nạn chặt phá rừng cũng như sự suy giảm nghiêm trọng của nguồn thức ăn cho hổ như bò rừng, hươu, nai… do các loài ĐVHD này cũng đang bị săn bắt ở mức đáng báo động.
 
Đại diện ENV cho rằng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần kiểm soát sự phát triển của các cơ sở nuôi nhốt hổ. Nhà nước cũng cần cụ thể hóa các quy định hiện hành về điều kiện cấp phép cũng như quản lý và xử lý vi phạm tại các cơ sở nuôi nhốt ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm như hổ. Việc cấp phép nuôi nhốt hổ hay các loài nguy cấp, quý, hiếm khác chỉ nên giới hạn vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giáo dục cho các cơ sở đáp ứng những yêu cầu cụ thể theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo môi trường sống lành mạnh và an toàn cho các loài ĐVHD ngoài tự nhiên.
 
Ngày Động vật hoang dã thế giới năm nay là một dịp để nhắc nhở mỗi người về sự cấp thiết của việc đẩy mạnh cuộc chiến chống tội phạm về các loài hổ và mèo lớn nói riêng và tội phạm về ĐVHD nói chung. Mong rằng, không chỉ trong Ngày ĐVHD thế giới này mà trong tất cảcác ngày trong năm mọi người sẽ đều hành động để bảo vệ các loài ĐVHD.