Kết nối không biên giới trong dự báo cảnh báo bão

Môi trường - Ngày đăng : 16:04, 22/02/2018

(TN&MT) - Đối với trái đất của chúng ta chỉ có duy nhất thời tiết khí tượng thủy văn (KTTV) là không có biên giới bởi sự hình thành của các hiện tượng thiên...
(TN&MT) - Đối với trái đất của chúng ta chỉ có duy nhất thời tiết khí tượng thủy văn (KTTV) là không có biên giới bởi sự hình thành của các hiện tượng thiên nhiên với tính chất khốc liệt vốn không thuộc riêng một quốc gia nào.
 
Sự biến động ngày càng gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan đã và đang thôi thúc con người không ngừng bỏ công sức nghiên cứu, tìm hiểu ứng dụng khoa học công nghệ để theo dõi thiên tai có nguồn gốc KTTV nhằm từng bước quản lý và thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
 
Một năm thiên tai khắc nghiệt vừa khép lại với những con số gần như kỷ lục về bão, những con số lịch sử về nắng nóng và lũ ống lũ quét. Và mỗi một hiện tượng thời tiết nguy hiểm đều kéo theo biết bao hệ lụy với những tổn thất về nhân mạng, tài sản và những nỗi đau không chỉ của người dân Việt Nam mà các nước trong khu vực và trên thế giới cũng gánh chịu nhiều thiệt hại.
Kết nối không biên giới trong dự báo cảnh báo bão
Lắp đặt máy đo gió mới của Mỹ ở Trạm Khí tượng trên Nhà giàn DK14, quần đảo Trường Sa
1. Với Việt Nam, một năm thiên tai khốc liệt, nhưng cũng là năm đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về KTTV, trong đó có công tác dự báo bão và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Lần đầu tiên Việt Nam đã được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Bão quốc tế sau 38 năm tham gia (Việt Nam là 1 trong 14 nước và vùng lãnh thổ là thành viên), đây là một tổ chức kỹ thuật được thành lập cách đây 50 năm (1968) dưới sự đồng bảo trợ của Ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP). Với Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Việt Nam đã tham gia từ năm 1945 nhằm tăng cường và điều phối việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.
 
Ngược dòng thời gian mới thấy những thông tin, con số lịch sử về KTTV quý giá biết chừng nào đối với việc dự báo khí tượng thủy văn như bão, lũ và các loại hình thiên tai. Với những cam kết không biên giới được Tổ chức Khí tượng Thế giới quy định, nên năm 1954 sau khi Cuộc chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Quân đội viễn chinh Pháp chính thức rút quân về nước, người Pháp đã mang theo tất cả dữ liệu quan trắc khí tượng, thời tiết của Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ 19 về nước, ngay sau khi Hiệp định Geneve năm 1954 được ký kết, dữ liệu quan trắc từ các trạm khí tượng, khí hậu do người Pháp quản lý cuối thế kỷ 19 ở Việt Nam đã được chính thức bàn giao cho đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những số liệu quý giá này đã theo các chuyến tàu trao đổi theo quy định của Hiệp định Geneve trở lại Việt Nam từ Pháp về Cảng Hải Phòng. Đó là những số liệu mang giá trị rất lớn trong lịch sử quan trắc khí tượng với những số liệu của các trạm Phù Liễn, Hải Phòng, trạm khí tượng Nam Định và còn có cả số liệu và các hình ảnh tư liệu trạm Khí tượng Hoàng Sa...
 
Ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phòng, hàng chuỗi số liệu quan trắc của chế độ cũ đã được đại diện Nha Khí tượng tiếp quản và sử dụng đến ngày nay. Vào năm 2013, khi chúng ta hứng chịu số lượng thiên tai kỷ lục nhất về số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, năm đó cơn bão Haiyan sau khi gây nên thảm họa cho nước láng giềng Philippines đã quét qua Việt Nam. Với tinh thần cảnh giác, sự chủ động Việt Nam đã cùng với các trung tâm bão trên thế giới theo sát cơn bão, thông tin kịp thời diễn biến của bão đến chính quyền và người dân để tăng cường chủ động phòng tránh. Ngay sau cơn bão Haiyan, WMO đã cử các Đoàn công tác sang học tập để áp dụng thực hiện đối với các nước thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai trong khu vực và trên thế giới.
 
2. Năm 2017, với trách nhiệm của mình đối với WMO, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công 4 Cuộc họp của WMO: Cuộc họp Nhóm Quản lý Tiểu Dự án khu vực Đông Nam Á thuộc Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm; Cuộc họp Lập kế hoạch ban đầu của Hệ thống chỉ dẫn cảnh báo lũ quét cho khu vực Nam Á; Cuộc họp hỗn hợp giữa dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SEA-SWFDP) và Hệ thống Cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á SEAFFGS; Cuộc họp Ban Điều hành khu vực Đông Nam Á lần thứ nhất của Chương trình “Xây dựng khả năng thích ứng các hiện tượng khí tượng thủy văn có những tác động mạnh thông qua việc xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho các khu vực Đông Nam Á và các quốc đảo nhỏ đang phát triển” (SEA-SC); đã cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tham gia Hội thảo về hệ thống dự báo tác nghiệp thuộc dự án “Phát triển và ứng dụng hệ thống nghiệp vụ dự báo lũ đô thị và lập bản đồ ngập lụt cho các quốc gia thành viên”.
 
Đối với dự án “Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á”, Trung tâm KTTV Quốc gia đã vận hành hoạt động hiệu quả Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực đặt tại Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương từ năm 2011, hiện nay Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực đã chuyển sang giai đoạn III (giai đoạn trình diễn) đưa ra các bản tin cảnh báo cho khu vực những ảnh hưởng về mưa lớn, gió mạnh, qua đó các nước thành viên trong khu vực (Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Myanmar) có thể sử dụng tham khảo, tăng cường chất lượng bản tin chính thức của các nước.
 
Cùng với WMO và các Ủy ban, Việt Nam còn tham gia Tiểu ban Khí tượng Vật lý địa cầu ASEAN (ASCMG) với mục đích nâng cao năng lực cho các cán bộ của hệ thống dự báo KTTV Việt Nam, nhằm cải thiện công tác dự báo và hệ thống cảnh báo sớm góp phần giảm nhẹ rủi ro do thiên tai có nguồn gốc từ khí tượng và địa vật lý; thiết lập các trung tâm phù hợp hỗ trợ yêu cầu của các nước thành viên trong lĩnh vực khí tượng, khí hậu, địa chấn, núi lửa, khói mù xuyên biên giới và các vấn đề liên quan khác về môi trường. Trong năm 2017, đã tổ chức thành công Diễn đàn nhận định khí hậu mùa ASEAN lần thứ 9. Thông qua Diễn đàn Việt Nam đã thu thập thêm thông tin dự báo từ các nước trong khu vực, nắm bắt được quan điểm nhận định của các dự báo viên trong khu vực và xu thế thời tiết, khí hậu đang diễn ra tại các khu vực lân cận, phục vụ tích cực cho các dự báo hạn dài của Việt Nam.
Kết nối không biên giới trong dự báo cảnh báo bão2
Viện Khí tượng Phần Lan hướng dẫn nghiệp vụ cho quan trắc viên Trạm Khí tượng Hà Đông
3. Để hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão Quốc tế vào năm 2018, Việt Nam với vai trò chủ nhà đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Cuộc thi sáng tác biểu trưng, logo và cuộc thi ảnh “Con người với thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu” được sự ghi nhận của WMO và Ủy ban Bão.
 
Năm 2018, Việt Nam là quốc gia đăng cai tổ chức khóa họp thường niên lần thứ 50 của Ủy Ban Bão tại Hà Nội. Rất nhiều các hoạt động bên lề nhân kỷ niệm 50 năm Thành lập Ủy ban Bão, 14 quốc gia, vùng lãnh thổ với các cấp Bộ trưởng, các cơ quan dự báo thời tiết quốc tế sẽ tham dự các hoạt động này.
 
Về những định hướng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV nói chung đặc biệt là công tác dự báo bão, giai đoạn 2018-2020 Việt Nam xác định chú trọng đầu tư hệ thống siêu máy tính mới, nâng cấp các đường truyền tốc độ cao thu nhận số liệu quan trắc, vệ tinh. Việc mô phỏng và dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên toàn khu vực Đông Nam Á sẽ được tăng lên thông qua các mô hình dự báo khí tượng, do đó các hoạt động hợp tác sẽ chú trọng việc đào tạo nhân lực trình độ công nghệ cao, cải thiện phương pháp cảnh báo; cập nhật công nghệ thông tin của các nước thành viên. Bên cạnh đó còn thực hiện hợp tác trong cảnh báo, đánh giá, giám sát động đất, sóng thần của các nước thành viên.
 
Với vai trò là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sẽ hỗ trợ các nước thành viên trong phân tích, trao đổi về thời tiết và các hiện tượng nguy hiểm trên khu vực Đông Nam Á giữa chuyên gia WMO, các dự báo viên thuộc các nước thành viên trong dự án Trình diễn thời tiết nguy hiểm; Dự báo viên sẽ cùng trao đổi các quá trình xây dựng bản tin cảnh báo mưa lớn, gió mạnh và khả năng ứng dụng các bản tin cảnh báo của Trung tâm RFSC Hà Nội đối với các bản tin nghiệp vụ của các nước thành viên; Trao đổi kết quả dự báo các sản phẩm từ mô hình số trị và những cảnh báo từ Trung tâm RFSC Hà Nội; Hợp tác thực hiện các bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm điển hình.
 
Để nâng cao trình độ dự báo viên, tiếp cận công nghệ mới phục vụ hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo bão và các thiên tai nguy hiểm, Trung tâm KTTV Quốc gia đã tranh thủ mọi nguồn lực và sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Phần Lan và các đối tác quốc tế khác đẩy mạnh việc xây dựng, lắp đặt thiết bị, đào tạo nhân lực thực hiện mục tiên hiện đại và đồng bộ hóa mạng lưới radar thời tiết trên phạm vi cả nước. Trong năm 2018 dự kiến sẽ có thêm 5 radar thời tiết công nghệ mới và 3 radar thời tiết khác được nâng cấp, đầu tư mới do Chính phủ Phần Lan hỗ trợ sẽ đưa vào hoạt động nhằm đồng bộ mạng lưới radar thời tiết trên phạm vi cả nước, phục vụ việc theo dõi cảnh báo, dự báo bão và các hình thế thời tiết nguy hiểm.
 
Cũng trong giai đoạn 2018 - 2020, với sự hỗ trợ của WMO và Trung tâm nghiên cứu Thủy văn Mỹ, Việt Nam sẽ thiết lập và điều hành hệ thống Cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á, nếu Trung tâm cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á đi vào hoạt động Việt Nam sẽ là nơi: Đặt máy chủ và vận hành hệ thống các mô hình; tiếp nhận sản phẩm mây vệ tinh của cơ quan khí tượng Mỹ NOAA, trao đổi số liệu quan trắc KTTV và sản phẩm dự báo giữa các tổ chức tham gia dự án. Thực hiện kiểm tra và giám sát việc cung cấp sản phẩm, bản tin cảnh báo lũ quét cho các trung tâm quản lý thiên tai khu vực của các nước trong dự án. Hỗ trợ và tham gia vào các các chương trình đào tạo về hệ thống cảnh báo lũ quét được tổ chức bởi WMO và HRC. Các sản phẩm dự kiến bao gồm: Cảnh báo sạt lở đất; Dự báo lũ; Dự báo ngập lụt đô thị và Dự báo thủy văn tháng.
 
Với vai trò trách nhiệm của mình Trung tâm KTTV Quốc gia đã và sẽ tiếp tục phát huy tinh thần kết nối, hợp tác không biên giới trong lĩnh vực KTTV, tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao hiệu quả công tác dự báo KTTV nói chung và dự báo bão nói riêng cũng như các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Từ môi trường hoạt động quốc tế, chất lượng đội ngũ dự báo viên của Việt Nam sẽ được tiếp cận trang thiết bị công nghệ hiện đại để ứng dụng và khai thác hiệu quả tiềm lực khoa học để giám sát, cảnh báo, dự báo kịp thời những thiên tai nguy hiểm góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho đất nước Việt Nam.