Bảo vệ môi trường 2018: Trọng trách, nhiệm vụ nặng nề trước Nhân dân

Môi trường - Ngày đăng : 10:26, 03/01/2018

(TN&MT) - Đất nước bước vào năm 2018, nhưng còn đó dư âm của 2017 với nhiều vấn đề môi trường nổi lên của đất nước. Những điều đó đã đặt ra cho những cán bộ...
(TN&MT) - Đất nước bước vào năm 2018, nhưng còn đó dư âm của 2017 với nhiều vấn đề môi trường nổi lên của đất nước. Những điều đó đã đặt ra cho những cán bộ thuộc Tổng cục Môi trường - những người làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thêm những trọng trách, nhiệm vụ nặng nề trước Nhân dân.

Hiện nay, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực lớn, quyết của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Đây là một thách thức lớn không chỉ đối với ngành tài nguyên môi trường nói chung, trong đó có công tác bảo vệ môi trường nói riêng. 

Bước sang năm 2018, bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì vẫn tiềm ẩn không ít khó khăn và thách thức, tác động không nhỏ tới nỗ lực đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong cuộc họp với Tổng cục Môi trường tại hội nghị triển khai kế hoạch công tác 2018, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã đề nghị các cán bộ Tổng cục Môi trương cần xây dựng một kế hoạch công tác về bảo vệ môi trường cụ thể, chi tiết, trên cơ sở xác định rõ những thời cơ và thách thức, khắc phục ngay những tồn tại và hạn chế, phấn đấu hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ mà thực tiễn đặt ra.
BaoTT Nhan
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tại hội nghị triển khai kế hoạch công tác 2018 của Tổng cục Môi trường

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà Thứ trưởng đặt ra cho Tổng cục Môi trường là tập trung xây dựng, hoàn hiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như việc tổ chức triển khai các quy định pháp luật trên thực tế, quyết tâm hoàn thành dứt điểm các văn bản còn nợ đọng từ các năm trước. Đặc biệt là khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Nghị định sửa đổi các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT theo hướng chỉ tập trung vào giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo theo phản ánh của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường cần phải tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, hướng về địa phương và cơ sở. Đây là chủ trương, quyết tâm lớn của Chính phủ nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiện nay, nhiều thủ tục trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có liên quan mật thiết với người dân và doanh nghiệp, do đó tăng cường cải cách thủ tục hành chính có vai trò đặc biệt quan trọng. Theo Thứ trưởng, trong thời gian tới, Tổng cục cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, hoàn thiện các quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tham mưu phân công bớt cho địa phương tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính để tập trung thời gian thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. 

Ngoài ra, cần phải tăng cường hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức triển khai Đoàn thanh tra, kiểm tra tại địa phương. Thanh tra đến đâu, ban hành kết luận đến đó trong thời gian quy định, xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc về chính sách, pháp luật, giúp các địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Qua đó, xử lý nghiêm và tạo sự chuyển biến nhận thức mới cho doanh nghiệp, cán bộ địa phương và các cấp quản lý. 
TT Nhan 4
Trồng một cây xanh, thêm hành động bảo vệ môi trường
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổng cục Môi trường trong năm 2018 là tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể và cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường nói chung và giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường nói riêng. 

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp, tham mưu đề xuất phân bổ chi ngân sách nguồn sự nghiệp môi trường cho các Bộ, ngành và địa phương trong kế hoạch ngân sách năm 2018. Việc đề xuất phân bổ phải trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của Bộ, ngành, địa phương nhằm tạo sự chuyển biến trong đề xuất phân bổ nguồn lực chi cho bảo vệ môi trường từ Trung ương tới địa phương. Tiếp tục tham mưu, ban hành các cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường.

"Tôi tin tưởng rằng, với sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục Môi trường, sự tham gia có hiệu quả của các Bộ, ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các Tổ chức chính trị - xã hội, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã đề ra." - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.