Chính sách chi trả DVMTR ở Kon Tum: Nguồn lực để phát triển rừng bền vững
Môi trường - Ngày đăng : 18:12, 19/12/2017
Năm 2017 là năm thứ 6 chính sách chi trả DVMTR được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 22 đơn vị sử dụng DVMTR phải chi trả tiền DVMTR về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (15 đơn vị quản lý 19 nhà máy thủy điện, 07 đơn vị quản lý 08 nhà máy nước) và 10 đơn vị phải chi trả tiền DVMTR về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (08 đơn vị quản lý 10 nhà máy thủy điện có lưu vực liên tỉnh và 02 đơn vị quản lý 02 nhà máy nước có lưu vực liên tỉnh) để điều phối cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum và các tỉnh có liên quan.Theo đó, diện tích rừng cung ứng DVMTR là hơn 360.000 ha, đạt khoảng 60% tổng diện tích rừng toàn tỉnh.
Chính sách chi trả DVMTR giúp đầu tư phục hồi và duy trì các giá trị của hệ sinh thái rừng để cung cấp cho bên sử dụng nó. Do đó, đây là cơ chế để kết nối và bảo đảm sự công bằng giữa bên được hưởng lợi từ rừng và bên duy trì lợi ích đó. Cơ chế chi trả dịch vụ giữa những người sử dụng lợi ích của việc bảo vệ rừng với những người trực tiếp bảo vệ rừng đã được thiết lập, vận hành và phát huy hiệu quả về môi trường, xã hội và kinh tế, góp phần cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Đảng, Chính phủ, ngăn chặn nạn suy thoái về chất lượng rừng tự nhiên còn lại, ứng phó với những biến đổi khí hậu.
Khẳng định điều này, ông A Đoan - Thôn trưởng thôn Xốp Dùi, xã Xốp (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) cho biết, thôn Xốp Dùi là cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao quản lý, bảo vệ 78,5 ha rừng từ năm 2014. Nhờ chính sách chi trả DVMTR, năm 2017, thôn Xốp Dùi nhận được tổng cộng hơn 23 triệu đồng tiền DVMTR được thanh toán của năm 2016 và tạm ứng của năm 2017 là tiền quản lý, bảo vệ rừng. “Từ nguồn tiền này, các hoạt động cộng đồng ở thôn Xốp Dùi được tổ chức thường xuyên, đầy đủ hơn, kết nối được bà con trong làng với nhau. Những buổi tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng được bà con tham gia đầy đủ hơn, từ đó nâng cao nhận thức của bà con trong việc bảo vệ rừng nơi mình sinh sống”, ông A Đoan cho biết.
Cũng nhờ nguồn tiền nhận khoán, bảo vệ rừng mà gia đình ông A Thu-thôn Măng Rương, xã Văn Lem (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) ngày càng gắn bó hơn với rừng. Ông A Thu cho biết: “Gia đình tôi nhận giao đất, giao rừng từ năm 2005. Nhưng đến năm 2012 mới bắt đầu được hưởng tiền DVMTR. Tôi dùng tiền này đầu tư trồng cà phê, bời lời, từ đó, đời sống gia đình khá hơn trước rất nhiều. Các thành viên trong gia đình thường thay phiên nhau đi tuần tra, bảo vệ diện tích rừng mà gia đình được giao quản lý”.
Rõ ràng, chính sách chi trả DVMTR được triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của chủ rừng là tổ chức nhà nước cũng như các hộ gia đình, cá nhận, cộng đồng dân cư thôn. Chính sách này đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của chủ rừng và người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đời sống của người làm nghề rừng được cải thiện qua từng năm, từ đó đã huy động được đông đảo người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, đây là giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả và bền vững trong tương lai.
Nói về hiệu quả mà chính sách chi trả DVMTR mang lại, ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai thực hiện, tình trạng khai thác vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm rẫy và các hành vi vi phạm lâm luật đã giảm rõ rệt so với những năm chưa triển khai chính sách chi trả DVMTR. Chất lượng, diện tích, trạng thái rừng cung ứng DVMTR các năm sau cũng tăng cao hơn năm trước. Diện tích che phủ rừng ngày càng tăng, môi trường sinh thái tự nhiên trong rừng cũng ngày càng phong phú. Chính sách này ngày càng chứng minh nó là nguồn lực lớn để bảo vệ và phát triển rừng bền vững”.
Quế Mai