Kim Sơn (Ninh Bình): Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trong điều kiện BĐKH

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 14/12/2017

(TN&MT) - Là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, huyện Kim Sơn – huyện ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực thực hiện các chính sách, giải pháp ứng phó, đặc biệt là phát triển nuôi trồng thủy sản.

Để làm rõ hiệu quả của nhưng giải pháp này, nhóm các chuyên gia thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã triển khai nghiên cứu “Bước đầu đánh giá thực trạng và một số chính sách phát triển ngành thủy sản huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trong điều kiện BĐKH”, trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước mã số BĐKH.05/16-20 thuộc Chương trình KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT giai đoạn 2016 – 2020.

Theo dõi thực trạng những năm gần đây, có thể thấy vùng biển Ninh Bình có tốc độ bồi lắng hàng năm khá lớn, bồi xa 80 – 100m/năm và bồi cao 6 - 8cm/năm. Diện tích bãi bồi và ao hồ rất lớn giúp ngành thủy sản huyện Kim Sơn có điều kiện tốt để phát triển.

Đầm nuôi thủy sản ở Kim Sơn
Đầm nuôi thủy sản ở Kim Sơn

Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sản lượng tôm sú giảm dần qua các năm. Năm 2012 chỉ đạt 46% so với cùng kì năm trước. Thời tiết diễn biến xấu tiếp tục là nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt ở 3 xã nuôi trồng chính là Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung, ước tính thiệt hại khoảng 30% sản lượng. Năm 2014 có tăng nhưng không đáng kể.

Qua kết quả điều tra khảo sát các hộ NTTS cho thấy đã có sự chuyển biến bước đầu từ hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang hình thức nuôi bán thâm canh, thâm canh. Tuy vậy, các hình thức nuôi cải tiến mới chỉ chiếm 5% tổng diện tích nuôi mặn lợ. Người dân tuy đã quan tâm, áp dụng các yếu tố kỹ thuật như cải tạo ao nuôi, chăm sóc, quản lý trong quá trình nuôi; những mô hình đảm bảo chất lượng và môi trường như GAP chưa phổ biến.

Toàn huyện có hơn 10 cơ sở sản xuất giống nước lợ đang hoạt động, nhưng năng lực sản xuất và chất lượng con giống không cạnh tranh được với nguồn giống nhập từ tỉnh ngoài. Hơn nữa, các hộ dân mua con giống vào sản xuất lại tự phát, không qua kiểm dịch dẫn đến tìn trạng con giống chất lượng kém, dễ mắc bệnh và không có sức chống chịu với thời tiết biến đổi mạnh trong những năm gần đây. Điển hình là tôm sú – vật nuôi truyền thống của Kim Sơn vì có điều kiện tương đối phù hợp.

Môt phần nguyên nhân khiến hiệu quả nuôi trồng thủy sản giảm sút là do hệ thống đê bao ở Kim Sơn còn hạn chế, không đủ sức chống chọi với bão lũ đang gia tăng và bảo vệ bãi bồi. Để gia tăng sức chống chịu, huyện đã thực hiện quy hoạch thủy lợi vùng thủy sản và xây dựng hạ tầng nuôi trồng thủy sản, điển hình là Dự án nâng cấp đê Bình Minh giai đoạn 2, dự án Hàn Khẩu nâng cấp đê Bình Minh 3, dự án giao thông 6 bãi ngang, dự án đường 481. Cùng với đó, huyện đã triển khai quy hoạch thị trấn Bình Minh thành trung tâm của huyện và xây dựng nông thôn mới ở 3 xã  Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung...

Kim Sơn phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản tại các xã bãi ngang
Kim Sơn phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản tại các xã bãi ngang

Vì thế, nông dân ven biển Kim Sơn không còn lo sóng biển đánh vào các đầm nuôi thuỷ sản khi mùa mưa bão. Đến nay, 3 xã ven biển đã chuyển đổi hoàn toàn đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, nước lợ của huyện đã đạt hơn 4.000 ha. Chỉ tính riêng năm 2016, tổng sản lượng thuỷ hải sản của huyện đạt 23.600 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng là 19.000 tấn; sản lượng khai thác đạt 4.600 tấn. Trên địa bàn huyện còn xuất hiện nhiều mô hình, cơ sở sản xuất, nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm.

Qua nghiên cứu khảo sát, các chuyên gia nhận định, tình hình ô nhiễm môi trường sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nuôi trồng thủy sản. Huyện cần tiếp tục triển khai các chính sách phát triển con giống, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao kiến thức ứng phó BĐKH được triển khai trong dài hạn. Hộ gia đình chính là chủ thể thực hiện các chính sách này, dựa trên sự trợ giúp của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp có cùng lợi ích.

Để phát triển NTTS bền vững, huyện cần giải quyết tốt khâu giống thủy sản bằng cách triển khai chương trình phát triển giống, hoàn thiện và từng bước hiện đại hóa hệ thống sản xuất giống thủy sản nhằm chủ động đáp ứng đủ nhu cầu. Cần có biện pháp bình ổn giá con giống và quản lý chặt chẽ trong vụ mùa.

Để đảm bảo nhu cầu thức ăn khoảng 20.540 tấn/năm, huyện cần phát triển khu nguyên liệu để đảm bảo chủ động nguồn thức ăn có chất lượng, đặc biệt là huy động doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, trang bị cho ngư dân về NTTS và sơ chế, bảo quản. Xây dựng các mô hình khuyến ngư có khả năng nhân rộng trong thực tiễn, nên tối ưu hóa các mô hình có sẵn. Ngoài ra, thường xuyên mở lớp tập huấn, bồi dưỡng về công nghệ nuôi, giống mới và sử dụng thức ăn công nghiệp, bảo vệ môi trường.

Giải pháp về vốn là mở rộng và phát triển kinh tế dân doanh, đặc biệt là kinh tế trạng trại quy mô vừa và nhỏ và chủ yếu dựa vào hộ gia đình. Ngoài ra, cần nâng cấp hệ thống đê điều kết hợp với phục hồi rừng ngập mặn chắn sóng biển, gió giật và các hiện tượng BĐKH cực đoan…

Vy Huyền