"Phép màu" của cụ bà 11 năm quét rác không công
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 30/11/2017
Tiếng chổi tre của bà lão kì quặc
Tìm về ngõ 35 đường Nguyễn An Ninh (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) hỏi đường vào nhà cụ Quý thì không ai không biết. Bởi hơn chục năm qua, bất kể đông hè, người dân nơi đây đã quá quen với hình ảnh cụ Đinh Thị Quý (sinh năm 1938) ngày hai buổi mang chổi tre đi quét dọn từng góc gõ, vỉa hè.
Gặp cụ vào một buổi chiều đông lạnh của Hà Nội, ấn tượng với chúng tôi là hình ảnh cụ bà dáng người gầy dong dỏng, một mình đi khắp các ngõ phố, gõ chiếc kẻng be bé để nhắc nhở người dân đổ rác đúng giờ. Gặp chúng tôi, cụ cười tiếp chuyện: “Trước đây ở ngõ nhà tôi lúc nào cũng có đống rác to bự, bốc mùi hôi thối. Bao năm trôi qua nhưng có vẻ chẳng ai để ý. Khi tôi hỏi các đoàn thể, tổ dân phố thì cũng chỉ nhận được câu trả lời là vấn đề này khó, chưa giải quyết ngay được. Thấy vậy tôi đứng ra nhận làm không công cho mọi người”.
Cụ Đinh Thị Quý bên những đồ nghề quen thuộc của mình |
Nói là làm, ngay hôm sau cụ Quý mang chổi tre đi gom rác khắp khu phố thành từng đống, rồi cụ bỏ tiền túi ra thuê công nhân hót đổ đi. Sau khi hoàn thành công việc, mỗi ngày cụ đều mang ghế ra đấy ngồi canh để không cho ai bỏ rác ở đó nữa. Nhờ sự kiên trì của cụ, ý thức của người dân dần cải thiện và tất cả đã chịu bỏ rác đúng nơi quy định.
Cụ Đinh Thị Quý nhớ lại: “Hồi tôi mới bắt tay làm việc này, nhiều người bảo là dở hơi, vô công dồi nghề, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng ... cùng đủ lời dị nghị. Nhiều người cay độc hơn thì khó chịu ra mặt, rồi nói bóng gió. Con cháu tôi thấy thế cũng bực mình lắm, không cho tôi làm. Thế nhưng việc mình đã nhận thì phải gắng hoàn thành để người ta không còn điều gì để dị nghị nữa. Càng chê bai, càng nói ra nói vào tôi càng quyết tâm dọn sạch đường lớn ngõ nhỏ của khu phố”.
Ấy thế nhưng, nhờ sự kiên trì của cụ Quý, mọi người trong khu phố cũng quen dần với hình ảnh này nên có ý thức hơn, tình trạng đổ rác đã được hạn chế rất nhiều. Và đến bây giờ, sau 11 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, tiếng kẻng và hình ảnh quét rác của cụ như một đồng hồ sinh học, nhắc nhở người dân khu phố ngăn nắp, trật tự và sạch sẽ hơn.
Trò chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi được biết bà còn là một người có tấm lòng nhân hậu. Bác Nguyễn Văn Hưng – người dân cùng ngõ cho biết, những hôm đi quét rác nhặt được các chai lọ, bà Quý hay dồn lại để bán cho các cô thu mua sắt vụn. Số tiền bán được bà dùng để mua chổi tre quét rác, và để dành làm quỹ từ thiện giúp đỡ một phần nhỏ cho trẻ em trong khu phố có hoàn cảnh khó khăn vào mỗi dịp trung thu, khai giảng và năm mới.
Tấm gương sáng về bảo vệ môi trường
Với 11 năm làm vệ sinh không công cho khu phố, năm 2017 cụ Đinh Thị Quý đã vinh dự được UBND Thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai tặng bằng khen với danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Cầm tấm bằng khen trên tay với nụ cười hiền hậu, cụ tâm sự: “Tôi chẳng mong muốn gì ngoài việc người dân có ý thức và đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Như thế thì sự cố gắng suốt 11 năm qua của tôi coi như không uổng công vô ích”.
Những đóng góp của cụ đã được UBND TP. Hà Nội ghi nhận |
Cụ chia sẻ thêm: “Ban đầu mới làm công việc này tôi cũng cảm thấy hơi ngại nhưng với lòng kiên trì vì đường phố sạch đẹp nên làm nhiều tôi cũng quen. Giờ ngày nào mà không mang chổi tre đi quét đường tôi lại thấy khó chịu, bứt rứt. Ban đầu thì con cái cũng không đồng ý để tôi đi quét rác thế này, nhưng sau chúng nó hiểu nên cũng rất ủng hộ. Mỗi khi trời mưa lạnh hay gió rét, các con đều nhắc nhở mặc ấm, giữa ấm để không bị ốm chứ không ngăn cản như trước nữa. Nhiều lúc nghĩ cũng thấy vui lắm”.
Nhờ vào những nỗ lực không mệt mỏi của mình, giờ đây không còn ai trong khu phố có ác cảm với việc làm của cụ Đinh Thị Quý nữa. Nhắc đến cụ, tất cả đều dành tình cảm trân trọng, cảm phục và quý mến. “Những đứa trẻ của khu phố giờ cứ thấy tôi mang kẻng đi gõ là lại tranh nhau đòi gõ hộ. Cả khu phố lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng cười nói của trẻ em chơi đùa trên những con đường sạch sẽ. Nhìn cảnh đó tôi thấy hạnh phúc vô cùng”.
Thấy cụ vui tính và hay chuyện, chúng tôi phong cụ là “người lao công già không nhận lương” thì cụ cười nói: “Tôi tuy chỉ lấy việc dọn rác làm vui nhưng làm cái gì cũng vậy, nếu mình tận tâm với nó thì nó tất sẽ đem lại hạnh phúc cho mình. Nếu mỗi người dân ai cũng có tâm muốn trở thành một người lao công tận tụy thì chắc chắn, môi trường sẽ luôn sạch sẽ chứ không đến mức trở thành một vấn đề gây bức xúc toàn xã hội như hiện nay”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Quân, Tổ trưởng tổ dân phố số 24 cho rằng, cụ Đinh Thị Quý không chỉ là “đại sứ môi trường” của tổ dân phố số 24 mà còn là một người hết sức năng động trong các hoạt động xã hội, hoạt động tập thể. “Cụ Quý vừa là thành viên Ban chấp hành Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, vừa là cán bộ Hội Phụ nữ của tổ. Hoạt động, phong trào nào của tổ cụ cũng tích cực tham gia và có những đóng góp hết sức ý nghĩa. Ở tuổi của cụ đáng lẽ phải nghỉ ngơi, dưỡng già nhưng cụ vẫn luôn nỗ lực với các hoạt động tập thể, thật sự rất đáng kính, đáng trân trọng”
Khánh An – Phạm Thiệu