Bình Định: Dân phản đối xây dựng bãi rác tạm của huyện Hoài Ân
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 21/11/2017
Khu vực bãi rác tạm thời tại thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân nằm trên tuyến đường ĐT 631 |
Đã hơn một tuần nay, hàng trăm người dân hai thôn Thạch Long 1 và Thạch Long 2 đứng đội mưa, dựng lều bạc, phân cắt cử thay phiên nhau túc trực tại bãi rác tạm ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông không cho Công ty TNHH Tân Lập vào thi công xây dựng bãi rác với lý do mà theo một người dân ở thôn Thạch Long 1 cho biết: “Đây là khu vực đầu nguồn hồ Thạch Khê, nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho hàng chục ngàn hộ dân ba xã Ân Tường Đông, Ân Tường Tây và Ân Đức. Nếu UBND huyện Hoài Ân xây dựng bãi rác ở đây sẽ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước hồ Thạch Khê, sinh bệnh tật, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khỏe người dân nhất là đối với trẻ em. Hơn nữa bãi rác tạm nằm gần mặt đường ĐT 631 sẽ gây khó chịu cho người đi đường vì bốc mùi hôi thối. Chúng tôi đã phản đối khi lãnh đạo UBND tỉnh, huyện tiếp xúc cử tri nhưng họ vẫn làm. Chúng tôi không phản đối xây dựng bãi rác mà chỉ yêu cần UBND huyện xây dựng bãi rác tại nơi hợp lý hơn”.
Hàng trăm người dân dựng lều bạc, phân cắt cử thay phiên nhau túc trực tại bãi rác tạm ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông |
Hiện địa bàn huyện Hoài Ân chưa có hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt để giải quyết các vấn đề về môi trường. Thế nên, UBND huyện Hoài Ân có chủ trương xây dựng bãi chôn lấp rác thải rắn tại thôn Diêu Tường, xã Ân Tường Đông. Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng bãi rác này vẫn chưa thực hiện được. UBND huyện Hoài Ân tiếp tục xây dựng Kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng bãi rác tạm của huyện tại thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông trong thời gian một năm với mục đích nhằm giải quyết việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, đảm bảo môi trường trên địa bàn thị trấn Tăng Bạt Hổ, xã Ân Tường Đông trong thời gian huyện đang xem xét chuyển đổi công nghệ để đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (lò đốt CTRSH) tại thôn Diêu Tường, xã Ân Tường Đông.
Diện tích đất khu vực đầu tư xây dựng bãi rác tạm tại khoảnh 6, thuộc tiểu khu 140, thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông có diện tích 2.700m2, hiện trạng là rừng trồng phòng hộ 4-5 tuổi do Ban quản lý rừng phòng hộ Hoài Ân quản lý đã giao khoán cho bà Huỳnh Thị Phụng ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông chăm sóc, bảo vệ rừng. Đến nay, diện tích đất này bà Phụng đã giao lại cho UBND huyện Hoài Ân.
Bãi rác tạm thời tại thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân |
Tại văn bản số 2611 ngày 30/5/2017 UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho UBND huyện Hoài Ân xây dựng bãi rác tạm thời tại thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân như đề xuất của Sở TN&MT với thời hạn một năm kể từ ngày ký văn bản này. Sau khi có buổi đối thoại với các công dân xã Ân Tường Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu có ý kiến kết luận: “Chủ trương xây dựng bãi rác tạm tại xã Ân Tường Đông, đây là vấn đề dân sinh, cần thiết phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt nhân dân. Giao UBND huyện Hoài Ân chủ trì, phối hợp với UBMTTQVN huyện và các đoàn thể của huyện, xã vận động, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, để nhân dân chia sẽ khó khăn chung của huyện, tạo sự đồng thuận chia sẽ nhất trí cao về việc xây dựng bãi rác tạm thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông. Trong quá trình sử dụng bãi rác tạm, đề nghị Sở TN&MT, UBND huyện Hoài Ân chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đảm bảo việc xử lý nghiêm về môi trường, không gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân”.
Hồ Thạch Khê, nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho hàng chục ngàn hộ dân ba xã Ân Tường Đông, Ân Tường Tây và Ân Đức |
Ông Trương Văn Khẩn- Bí thư Đảng ủy xã Ân Tường Đông cho biết thêm: “Khu vực bãi rác tạm tại thôn Thạch Long 1 cách khu dân cư 3 đến 4 km, đường vào khu bãi rác là 700m không ảnh hưởng đến người dân. Khi UBND huyện xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (lò đốt CTRSH) tại thôn Diêu Tường, xã Ân Tường Đông dân đã phải đối, bây giờ xây dựng bãi rác tạm tại thôn Thạch Long 1 dân vẫn tiếp tục phản đối với lý do nơi đầu nguồn nước hồ Thạch Khê sẽ ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe nhân dân”.
Để giải quyết vần đề ô nhiễm môi trường do lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, việc xây dựng bãi rác xử lý chất thải rắn sinh hoạt là nhu cầu tất yếu, hết sức cấp bách và cần thiết. Thế nhưng chọn địa điểm xây dựng bãi rác như thế nào để không làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, đời sống của nhân dân là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.
Mỹ Bình