Ninh Bình: Tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 21/11/2017
Theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, giao Sở TN&MT chủ trì, phối với với các sở, ban, ngành liên quan cùng các huyện, thành phố, đối với công tác phòng ngừa và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó sự cố môi trường: Tổ chức rà soát các cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý, gửi danh sách về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, phối hợp giám sát, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra và quan trắc môi trường đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, hướng dẫn đôn đốc các cơ sở trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về lập và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường đối với các KCN. Lập phương án bảo vệ môi trường trong đó có kế hoạch ứng phó sự cố môi trường đối với CCN, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo quy định tại Thông tư số 35/2015/TT – BTNMT ngày 30/06/2015 và Thông tư số 31/2016/TT – BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Một số CCN sạch đang được đầu tư và xây dựng Ninh Bình |
Ngoài ra, xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, lập kế hoạch và xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố môi trường theo quy định tại Khoản 2 Điều 108 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để đảm bảo sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố môi trường xảy ra.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có đủ năng lực để tổ chức đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh cho các doanh nghiệp và các cán bộ quản lý.
Ninh Bình chú trọng tập trung đến vấn đề bảo vệ môi trường và phòng ngừa sự cố về môi trường |
Đối với công tác tiếp nhận và báo cáo thông tin vụ việc, sự cố môi trường: Trong trường hợp xảy ra vụ việc, sự cố môi trường trên địa bàn, Sở TN&MT là cơ quan đầu mối và có trách nhiệm thông báo, tiếp nhận và báo cáo thông tin sự việc, sự cố môi trường về UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường để kịp thời chỉ đạo thực hiện.
Đối với công tác ứng phó vụ việc, sự cố môi trường: Việc ứng phó vụ việc, sự cố môi trường cần đảm bảo nguyên tắc kịp thời và hiệu quả trên cơ sở phối hợp của các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó. Trong trường hợp cần thiết, Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ huy ứng phó sự cố môi trường tại hiện trường để sẵn sàng cho công tác ứng phó sự cố môi trường. Khi có thông tin liên quan đến sự cố môi trường tại cơ sở, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá nhanh mức độ của sự cố môi trường gây ảnh hưởng tới người và các công trình, thiết bị. Xác định mức báo động, báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan để kịp thời chỉ đạo thực hiện.
Đối với việc xác định nguyên nhân, quan trắc, đánh giá và khắc phục sự cố môi trường: Khi có sự cố môi trường xảy ra, bên cạnh việc tổ chức các hoạt động ứng phó, Sở TN&MT có trách nhiệm triển khai việc điều tra, xác định nguyên nhân sự cố môi trường, phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra. Trường hợp thiệt hại liên tỉnh hoặc xảy ra trên địa bàn rộng thì báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường để cùng tham gia tổ chức điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị quan trắc tại chỗ, lấy mẫu theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngày 01/11/2017, Giám đốc Sở TN&MT Ninh Bình Trịnh Xuân Ba đã ký Quyết định số 277/QĐ – STNMT thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường tại các thời điểm trong ngày (bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ) qua số điện thoại đường dây nóng: 0915.053.044, địa chỉ thư điện tử đường dây nóng: bvmtnb@gmail.com
Anh Tú