Rác thải điện tử: Tái chế - tiềm năng bỏ ngỏ

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 15/11/2017

(TN&MT) - Việc xử lý rác thải điện tử thường tốn chi phí cao và chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, việc ban hành và thực thi các quy định về môi trường...
(TN&MT) - Việc xử lý rác thải điện tử thường tốn chi phí cao và chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, việc ban hành và thực thi các quy định về môi trường còn thiếu và yếu đã tạo điều kiện thuận lợi cho “tội phạm rác thải” gia tăng.
 
Ồ ạt rác tuồn vào Việt Nam
 
Theo báo cáo mới công bố của Liên Hợp Quốc, lượng rác thải điện tử tại châu Á đã tăng 63% trong vòng 5 năm qua, đe dọa nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. 
 
Tại Việt Nam, vì mục đích lợi nhuận, nhiều đối tượng và doanh nghiệp lợi dụng các kẽ hở về luật pháp để phân loại và dán mã rác thải điện tử như những mặt hàng thông thường hoặc giấu trong các container hàng xuất khẩu khác để đánh lừa các cơ quan thực thi pháp luật và vận chuyển bất hợp pháp xuyên biên giới. 

 

Rác thải điện tử ồ ạt tuồn vào Việt Nam. Anh: MH
Rác thải điện tử ồ ạt tuồn vào Việt Nam. Anh: MH
 
Tháng 10 vừa qua, Chi cục Hải quan - Cửa khẩu cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng các lực lượng chức năng đã phát hiện hàng nghìn máy điều hòa nhiệt độ đã qua sử dụng (thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu) được chứa trong 3 container. 
 
Trước đó, vào tháng 6/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 vụ nhập khẩu rác thải điện tử với số lượng lớn. Qua kiểm tra 3 container hàng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu Nguyễn Tân phát hiện bên trong chứa 1.100 bộ máy điều hòa nhiệt độ đã qua sử dụng, thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Lực lượng chức năng cũng phát hiện 1 container 40 feet nhập khẩu từ Nhật Bản về cảng Cát Lái TP. HCM bên trong chứa hàng điện tử đã qua sử dụng, thuộc danh mục cấm nhập khẩu gồm 80 bộ máy điều hòa nhiệt độ, 47 tủ lạnh. Cuối tháng 5/2017, một lô hàng từ Nhật Bản nhập khẩu tại cảng Cát Lái khai báo là máy đánh bóng thép đã qua sử dụng, nhưng bên trong chứa tới 326 cục lạnh, 319 cục nóng điều hòa cũng đã bị phát hiện…
 
Ngoài nguồn rác thải điện tử bị tuồn vào Việt Nam, lượng rác thải trong nước ngày càng nhiều. Báo cáo mới đây của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy, lượng chất thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy photocopy, máy fax...), các bộ sản phẩm điện tử lỗi. Chỉ tính riêng lượng phát thải tivi ở Việt Nam vào năm 2025 có thể lên tới 250.000 tấn.
 
Chứa nhiều độc tố
 
Nghiên cứu của Tổ chức StEP (Solving the E-Waste Problem - Giải quyết Vấn đề Rác thải điện tử) thuộc Liên Hợp Quốc đã chỉ ra, có đến 60 nguyên tố bao gồm các chất chống cháy và những hóa chất độc hại khác trong rác thải từ điện thoại, laptop hay máy tính bảng... Trong đó, các kim loại nặng như: chì và thủy ngân, Asen, Berili, Cadmium cũng như Polyvinyl Clorua có trong rác thải điện tử là những chất (hợp chất) gây tổn hại đến sức khỏe của những người tiếp xúc trực tiếp hoặc xử lý chúng.
 
Đặc biệt, khi cháy ở nhiệt độ thấp, các chất chống cháy họ Brom có trong bảng mạch và vỏ bọc như BRF sẽ sinh ra hợp chất độc hại. Một trong số chúng chính là Dioxin Halogen và Furan, 2 hợp chất được xem là độc hại đứng top vì có thể gây ra ung thư, rối loạn nội tiết, thậm chí là rối loạn đến sinh sản và di truyền... 
 
Báo cáo Y khoa của Đại học Sán Đầu (Trung Quốc) cho thấy, nồng độ chì trong máu của trẻ em sống tại Thành phố Guiyu (Quảng Đông) - thủ phủ rác thải công nghệ, hiện đang đạt mức cảnh báo là 49 % (so với mức an toàn tối đa). 
 
Chưa được xử lý đúng cách
 
Theo GS. TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt nam, việc tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam hiện mới dừng ở khâu tháo dỡ, phân loại (tách nhựa, đồng, nhôm... một cách thủ công). Việc nghiền và phân tách kim loại đang được thực hiện chỉ có thể coi là sơ chế chứ chưa phải là tái chế. Bởi tái chế là phải ra được sản phẩm cuối cùng, trong khi chúng ta đang phải đưa kim loại sau sơ chế sang Trung Quốc để tinh chế thì mới thành nguyên liệu.
 
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Quảng - ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, ở Việt Nam hiện có 15 cơ sở chính quy được cấp phép xử lý chất thải điện tử, công suất từ 0,5 - 3 tấn/ngày nhưng công nghệ mới chỉ dừng ở mức phân nhóm vật liệu và thu hồi một số kim loại thường, có hàm lượng cao như đồng, nhôm. Còn các cơ sở phi chính quy (như các làng nghề) sử dụng công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu, gây hại lớn đến môi trường, chất lượng sản phẩm và lượng nguyên liệu thu hồi thấp.
 
Về phía doanh nghiệp cũng thừa nhận việc tái chế rác thải điện tử đang còn yếu kém. Ông Đào Đức Khánh - Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 (Urenco 10) cho biết: “Chúng tôi chưa có nhiều công nghệ để xử lý chất thải điện tử. Tivi, tủ lạnh, máy điều hòa... đang được xử lý như chất thải công nghiệp - chủ yếu là đốt, chưa phân loại chi tiết đâu là bản mạch, đâu là nhựa, đồng, sắt...”.
 
Điều đáng nói mặc dù, một số hóa chất và kim loại nặng trong rác thải điện tử gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nhưng loại rác thải này cũng chứa nhiều vật liệu có giá trị như: đồng, vàng, bạc… Đây được coi là nguồn tài nguyên cần quản lý đặc biệt để tái chế.
 
Thảo Linh