Phân loại rác thải tại nguồn – Cần thường xuyên, hiệu quả
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 15/11/2017
Xử lý rác: Nơi tích cực, chỗ thờ ơ!
Từ nhiều năm qua, mỗi cuối tuần, người dân phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng lại í ới gọi nhau xách bao, túi, thùng đi “tặng rác” cho tổ Phụ nữ để bán, lập quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo.
Chị Đỗ Thị Thúy Hà - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khối phố Thanh Sơn 1A, phường Thanh Bình chia sẻ: Bà con đã quen với hình ảnh “xe thu gom rác tái chế" của Hội phụ nữ, nên xe đẩy đến đâu, bà con tự mang các loại chai lọ, sách báo cũ, vỏ lon… ra xếp gọn gàng lên xe. Từ 12 năm nay, kể từ khi phong trào thu gom rác thải, phân loại tại nguồn được phát động, chị em trong khu phố hưởng ứng tích cực. Quỹ học bổng “Ước mơ xanh” cũng nhờ thế mỗi năm thêm lớn, góp phần giúp đỡ cho trẻ em nghèo, đồng thời cũng là góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian thu gom, xử lý rác của thành phố, vừa bảo vệ môi trường.
Phân loại rác đã thành nếp chung trong mỗi gia đình ở khu phố Thanh Sơn 1A, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng |
Lúc mới triển khai phong trào phân loại rác thải tại nguồn, thu gom những loại rác có thể tái chế hoặc tái sử dụng, chị em phụ nữ không mấy hưởng ứng, nhưng các thành viên Hội phụ nữ của khu phố, của phường vẫn động viên nhau cứ lặng lẽ thực hiện, rồi chia nhau đi từng nhà hướng dẫn chị em cách phân loại, làm sao để vừa vệ sinh, gọn gàng ngăn nắp trong nhà mà vẫn có phế thải, phế liệu có thể góp được. “Mưa dầm thấm lâu”, nay thì việc phân loại rác không chỉ chị em làm, mà thành nếp chung trong mỗi gia đình, hễ có giấy, bìa, vỏ lon bia, nước ngọt, đồ nhựa hay kim loại không dùng đều được cất giữ riêng, không bỏ chung với rác hữu cơ, thúc ăn thừa… như trước. Cứ 2 tuần một lần, các chị trong tổ phụ nữ lại đẩy xe đi thu gom từng nhà. Mỗi lần thu xong bán cũng được vài trăm ngàn. Chị em hồ hởi lắm. Nay thành thói quen, có thời điểm bận quá, không đi thu gom được, chị em còn gọi điện thoại đến để lấy. Cuối năm chị em nào làm tốt đều được khen thưởng, tặng quà. Tiền ấy, chủ yếu để dành hỗ trợ cho các em, các cháu có hoàn cảnh khó khăn trong tổ nên mọi người đều vui, chị Đỗ Thị Thúy Hà phấn khởi.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Công nghệ Môi trường (Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng), dự án thu gom rác thải tại nguồn được triển khai tại Đà Nẵng từ cách đây 14 năm, thực hiện thí điểm ở phường Nam Dương (quận Hải Châu). Rác thải được người dân phân loại, để riêng, nhưng đến khâu thu gom, vận chuyển, xử lý lại nhập chung làm một vì thời điểm đó thành phố chưa có công nghệ xử lý rác tái chế. Lúc đó, cũng chưa có ai nghĩ đến việc thu gom những loại rác có thể tái chế, tái sử dụng.
Vì thế, mô hình thí điểm về phân loại rác tại nguồn ở phường Nam Dương với kỳ vọng thành công và được nhân rộng toàn quận Hải Châu và sau đó là toàn thành phố sớm chìm vào quên lãng. Nhiều mô hình được hỗ trợ kinh phí, tặng giỏ nhựa đựng rác để phân loại, trong đó, rác thải có thể tái chế hoặc tái sử dụng được bỏ riêng, rác vô cơ không tái chế được bỏ riêng và rác hữu cơ có thể tái chế thành phân hữu cơ vi sinh được bỏ riêng.
Tuy nhiên, do việc thu gom không thường xuyên, việc để rác thành nhiều bao, túi khác nhau cũng gây không ít phiền hà cho sinh hoạt gia đình, nhất là những hộ đông người, diện tích nhà ở chật hẹp… bên cạnh đó, các loại rác thải có thể tái chế không mang lại hiệu quả kinh tế thực chất nên người dân thiếu nhiệt tình để tham gia.
Làm thế nào cho hiệu quả?
Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, mỗi ngày Công ty tiếp nhận, thu gom, vận chuyển và xử lý có khoảng hơn 1.000 tấn rác thải các loại. Trong đó, chỉ một số ít rác được phân loại, làm nguyên liệu composite, sản phẩm tái chế. Lượng rác còn lại hầu hết đều phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Hiện bãi chôn lấp Khánh Sơn đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường vì công nghệ xử lý lạc hậu, tạo ra áp lực lớn đối với việc tìm kiếm vị trí mới để chôn lấp rác thải, xử lý ô nhiễm do nước thải, mùi hôi…
Vì thế, việc triển khai phân loại rác tại nguồn một cách có hệ thống là rất cấp bách trong thời điểm hiện tại nhằm tận dụng, tái chế rác thải hữu ích, tạo thói quen cho cộng đồng khi mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” vào năm 2020 đang cận kề.
Mô hình "Xe thu gom rác tái chế" của hội phụ nữ đang được triển khai hiệu quả tại một số địa phương |
Vừa qua, đại diện lãnh đạo TP. Đà Nẵng và thành phố Yokohama (Nhật Bản) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2017 - 2019, theo đó thành phố Yokohama sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật nghiên cứu thí điểm phân loại rác tại nguồn tại 02 phường thuộc quận Hải Châu. Song hành với hoạt động đó, thành phố Đà Nẵng cũng đang xây dựng Chương trình giảm lượng rác thải sinh hoạt, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2017 - 2050.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu cho biết, từ thành công của một số chi hội phụ nữ trên địa bàn thành phố trong việc phân loại, thu gom rác thải có thể tái chế hoặc tái sử dụng, bán đi để có một khoản tiền nhằm hỗ trợ lại cho cộng đồng, Đà Nẵng sẽ phân loại rác tài nguyên và rác thải. Việc thu gom, xử lý được tiến hành theo vòng khép kín, giải quyết đầu ra cho rác thải tái chế và gắn với hiệu quả kinh tế của người dân.
“Các hộ gia đình tại địa phương sẽ được hướng dẫn phân loại và sẽ được cung cấp bao đựng rác tài nguyên sau khi được phân loại (loại bao sử dụng cho nhiều lần) để tập kết, lưu giữ tại nhà.
Khu dân cư hoặc tổ dân phố tổ chức đến từng hộ gia đình thu gom rác tài nguyên bằng xe đẩy mỗi tuần một lần, sau đó bán cho Xí nghiệp môi trường Hải Châu, rồi bán trực tiếp cho đơn vị thu mua phế liệu trên địa bàn.”- bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu cho biết thêm.
Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, để thực hiện chính sách phân loại rác thải tại nguồn thành công, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục cho mọi người hiểu rõ về cách làm cũng như tác dụng, thì phải cho mọi người dân thấy lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội đem lại cho mỗi người dân, mỗi hộ gia đình.
Thứ hai, nhà nước cần có sự đầu tư thiết bị, vật tư từ những vật dụng đơn giản nhất như túi đựng rác sinh học, thùng rác, ô-tô chở rác tái chế, in tờ bướm tuyên truyền.... Những khoản này không thể dựa vào người dân hay doanh nghiệp, mà phải có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ ba, về cơ sở quản lý, sau khi được người dân phân loại ban đầu, công ty môi trường phân loại lần nữa, từ đó sẽ chuyển đến hệ thống các nhà máy để xử lý theo phương pháp thích hợp. Chỉ có những loại rác thải vô cơ không thể tái chế được chuyển đến bãi chôn lấp đạt tiêu chuẩn, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Các yếu tố trên đều có mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau; phối hợp các yếu tố để đem lại kết quả tốt nhất cho chính sách.
Việc triển khai phân loại rác tại nguồn một cách có hệ thống là rất cấp bách khi bãi rác Khánh Sơn đang quá tải |
Theo các chuyên gia môi trường, phân loại rác thải tại nguồn là một hành động mang lại nhiều lợi ích về mặt môi trường, xã hội, kinh tế. Việc phân loại rác tại nguồn, xem rác thải như là tài nguyên sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác thải đưa đi xử lý, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và quốc gia. Chính vì vậy, mà nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng rác thải, giảm lượng rác thải chôn lấp tại các bãi rác xuống dưới 1%.
Với Đà Nẵng, để thực sự là “Thành phố môi trường” như mục tiêu đề ra, việc phân loại rác thải tại nguồn cần được triển khai rộng khắp trong toàn thành phố với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ chính sách đến đầu tư, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận và thực hiện thường xuyên trong nhân dân. Đây là việc làm thiết thực và ý nghĩa để góp phần xây dựng lối sống văn minh đô thị, xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường.
Bài & ảnh: Lan Anh