Sơn La: Nhiều cơ sở chế biến cà phê vi phạm Luật Bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 13/11/2017

(TN&MT) - Liên quan đến sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do hoạt động sơ chế cà phê khu vực đầu nguồn nước thời gian qua, UBND tỉnh Sơn La vừa giao Sở TN&MT chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến cà phê tập trung.
Cơ sở chế biến nông sản Đỗ Thị Thủy, bản Nà Hôm, xã Chiềng Cọ (Thành phố) chế biến cà phê và xả thẳng nước thải xuống ao xây ngay cạnh suối
Cơ sở chế biến nông sản Đỗ Thị Thủy, bản Nà Hôm, xã Chiềng Cọ (Thành phố) chế biến cà phê và xả thẳng nước thải xuống ao xây ngay cạnh suối

Theo thống kê, trên địa bàn các xã khu vực đầu nguồn nước cấp cho thàn hphố Sơn La có 15 cơ sở chế biến cà phê; trong đó, có 6 cơ sở có quy mô công nghiệp, 9 cơ sở nhỏ lẻ. Đoàn đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản làm việc, tiến hành giám sát đối với 6 cơ sở trên. Đồng thời, làm việc với UBND các xã: Chiềng Cọ, Chiềng Đen – Thành phố Sơn La và các xã Bon Phặng, Muổi Nọi huyện Thuận Châu để điều tra bổ sung cơ sở chế biến cà phê và đề nghị phối hợp giám sát.

Ao đất lót bạt chứa nước thải sơ chế cà phê của Cơ sở chế biến nông sản Vương Bá Trung, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu) không đảm bảo đang sủi bọt do bị thẩm thấu nước xuống lòng đất
Ao đất lót bạt chứa nước thải sơ chế cà phê của Cơ sở chế biến nông sản Vương Bá Trung, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu) không đảm bảo đang sủi bọt do bị thẩm thấu nước xuống lòng đất

Kết quả kiểm tra cho thấy: Có 4/6 cơ sở cung cấp số liệu về sản xuất thực tế không chính xác, đa số cung cấp số liệu thấp hơn thực tế. Cả 6 cơ sở đều chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt và xác nhận. 6 cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. 4 cơ sở không có khả năng lưu giữ nước thải và nước thải có nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. 2/6 cơ sở đang lưu giữ lượng nước thải tại cơ sở sản xuất. 2 cơ sở có nguy cơ nước thải chưa xử lý thẳng xuống nguồn nước ngầm.

Trước tình trạng này, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở nhanh chóng khắc phục, sửa chữa hệ thống hồ chứa, bơm nước thải sang các hồ có khả năng thấm cao vào hồ chứa lót đáy, đảm bảo chống thấm. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có giải pháp quyết liệt với các cơ sở vi phạm.

Với cơ sở, nếu tiếp tục được sản xuất phải nghiêm túc chấp hành yêu cầu của đoàn kiểm tra; đã thi công và lót đáy hồ chứa và đủ khả năng chứa toàn bộ nước thải sản xuất và không có khả năng ô nhiễm nguồn nước; có cam kết thực hiện nghiêm túc các giải pháp và được đoàn kiểm tra công nhận, phải ký khoản tiền bảo lãnh về hoạt động sản xuất không gây ô nhiễm nguồn nước. Tổ chức tuyên truyền, vận động chủ cơ sở chấp hành nghiêm pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La trong việc khắc phục xử lý sự cố ô nhiễm môi trường.

Nguyễn Nga