Vì sao cây chết, nước giếng bị nhiễm mặn?

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 13/11/2017

Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận cho biết, đã xác định được nguyên nhân cây chết, nước giếng nhiễm mặn, đất bị ngập úng tại khu vực xung quanh bãi xỉ tại khu vực sân xe chùa Linh Sơn Tự, thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.

Theo đó, kết quả phân tích mẫu đất kết hợp với ghi nhận tại hiện trường cho phép lý giải nguyên nhân cây trôm của 5 hộ dân, với diện tích 4,63ha bị trụi lá, khô cành; một số cây còn lại tuy vẫn ra lá non nhưng bộ rễ bị hư thối (rễ cây khi nhổ lên có màu trắng đục và bốc mùi khó chịu), một số cây khác tuy vẫn đầy đủ lá xanh nhưng bộ rễ đã chết, không còn ra mủ... là do bị ngập úng cục bộ.

Lý do gây ngập úng, do trong năm 2016 lượng mưa tại khu vực này tăng đột biến so với các năm từ 2012 - 2015, trong khi điều kiện tiêu thoát nước rất kém. Hệ thống cống thoát nước bề mặt ngang qua tuyến đường sắt Bắc - Nam không được duy tu bảo dưỡng tốt, cây cối mọc nhiều phía trước miệng cống làm cản trở dòng chảy, giảm năng lực thoát nước.

Trước đó nhiều người dân cho biết nhiều diện tích cây trộm bị héo, rụng lá và chết
Trước đó nhiều người dân cho biết nhiều diện tích cây trộm bị héo, rụng lá và chết

Bên cạnh đó, tuyến kênh thoát lũ ngoại lai ở phía Bắc bãi xỉ nên nước mưa từ trên sườn núi cao đổ xuống không có đường tiêu thoát, bị thấm toàn bộ xuống đất làm gia tăng dòng chảy ngầm và mực nước ngầm tầng nông. Sự hình thành bãi thải xỉ làm thay đổi địa hình tự nhiên, thay đổi chế độ dòng chảy bề mặt và dòng chảy ngầm ngang qua khu bãi xỉ, dẫn đến dồn đọng nước tập trung về khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ.

Theo kết quả khảo sát thực tế kết hợp phân tích bản đồ địa hình tỷ lệ 1/2000 đã xác định được khu vực bị ngập úng cục bộ với 13,2ha. Trong khu vực này, nước thường tồn đọng lại thành từng cụm nhỏ trên bề mặt, mực nước trong các giếng đào đã dâng lên xấp xỉ gần bằng với mặt đất tự nhiên và phần lớn diện tích cây trôm bị thiệt hại đều nằm trong vùng này.

Việc nhiễm mặn đất và nguồn nước ở khu vực xung quanh bãi xỉ là do tác động của con người. Kết quả phân tích thấy có sự suy giảm rõ rệt nồng độ clorua trong nước ngầm từ khu vực cách bãi xỉ 37m (ven đường mòn dọc theo đê phía Tây bãi xỉ - nơi có những đống đất nhiễm mặn được đổ bừa bãi) ra khu vực xung quanh, càng xa bãi xỉ thì nồng độ clorua càng thấp dần, chứng tỏ có sự lan truyền mặn từ các đống đất đổ bị nhiễm mặn ra xung quanh.

Rễ cây khi nhổ lên có màu trắng đục và bốc mùi hôi thối khó chịu
Rễ cây khi nhổ lên có màu trắng đục và bốc mùi hôi thối khó chịu

“Quan sát thực tế cho thấy, dọc theo các tuyến đường mòn phía Tây và phía Bắc bãi xỉ có những đống đất cát có lẫn san hô. Hiện tượng đổ đất ở đây được ghi nhận từ năm 2016 do quá trình thi công các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Kết quả phân tích 18 mẫu đất cho thấy các mẫu đất đổ đống có giá trị pH từ 6,04 – 9,05, độ mặn từ 0,22 - 1,43 ‰...

Các đống đất này có nguồn gốc từ phía ven biển đưa lên (trong thành phần có một số mảnh san hô) mang theo một hàm lượng muối nhất định trong đó. Khi gặp mưa, độ mặn trong đất bị rửa trôi theo nước mưa, một phần chảy tràn trên bề mặt xuống khu vực trũng thấp phía tây bãi xỉ, một phần thấm xuống đất (do đặc điểm địa chất ở đây nền đất rất dễ thấm nước) đi vào tầng nước ngầm mạch nông, từ đó gây nhiễm mặn cho khu vực xung quanh”, báo cáo kết luận nêu rõ.

Với kết luận trên, Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương và đề nghị TCty Phát điện 3 thực hiện các giải pháp để hạn chế ngập úng, ngăn ngừa việc nhiễm mặn nước dưới đất, nước mặt trong khu vực; triển khai kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại của người dân và đề xuất biện pháp hỗ trợ để sớm ổn định đời sống, sản xuất.

Theo Nông nghiệp VN