Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai phòng chống mưa bão
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 03/11/2017
(TN&MT) - Để ứng phó với cơn bão số 12 và mưa lớn có thể kéo dài trong vài ngày sau bão, ngày 3-11, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR- VT) đã tổ chức họp khẩn triển khai các phương án tránh trú bão, neo đậu tàu thuyền, phòng chống sạt lở núi và bảo đảm an toàn cho người dân.
SẴN SÀNG CÁC PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ SAU BÃO
Theo dự báo bão số 12 dự kiến sẽ tiến vào khu vực miền Đông Nam Bộ trong đó có khả năng ảnh hưởng tới BR-VT, sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh và Tỉnh ủy, sáng ngày 3-11, các huyện Long Điền, TP. Vũng Tàu và các phường, xã ven biển đã tổ chức họp khẩn triển khai các giải pháp phòng chống bão.
Cụ thể, sáng 3-11, đồng chí Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT& TKCN) huyện Long Điền đã chủ trì cuộc họp với các phòng, ban, xã, thị trấn nhằm triển khai công tác ứng phó trong và sau bão số 12. Đồng chí Nguyễn Bá Hùng đã chỉ đạo các xã, thị trấn thông báo với người dân, chủ các phương tiện tàu thuyền để họ chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời; Rà soát các hộ dân ở vùng trũng, vùng ven biển, các hộ chưa có nhà kiên cố và lập phương án sơ tán khi cần; Tích lũy lương thực,thực phẩm, nước uống, chuẩn bị phương tiện liên lạc kịp thời và các phương án bảo đảm việc ứng cứu, xử trí kịp thời các trường hợp cấp cứu hàng loạt, giảm thấp nhất thiệt hại về người do lụt, bão gây ra… Đồng thời, các địa phương cũng phải chủ động thông báo phương án- địa điểm di dời, sơ tán và nâng cao ý thức chủ động của người dân trong công tác ứng phó thiên tai.
Tại TP. Vũng Tàu, Phòng Kinh tế phối hợp với Đồn Biên phòng Bến Đá và UBND xã Long Sơn sắp xếp tàu thuyền tránh, trú bão; hướng dẫn các lồng bè nuôi trồng hải sản trên sông neo đậu và kéo vào nơi an toàn; kiểm tra công tác bảo đảm lương thực, thực phẩm nước uống tại các đại lý sẵn sàng cứu trợ nhân dân…
Trong khi đó, theo Công ty Điện lực BR-VT để ứng phó với tình trạng mưa lớn và gió mạnh có thể xảy ra sau khi bão số 12 đi qua, Công ty Điện lực BR-VT vẫn tiếp tục yêu cầu chi nhánh, phân xưởng, phòng, ban chuẩn bị phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng, cắt điện ở những khu vực nguy hiểm để hạn chế xảy ra tai nạn cho người dân và thiết bị trên lưới điện; kiểm tra các vị trí xung yếu trên lưới điện, đặc biệt là khu vực bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở để có phương án xử lý kịp thời. Trước đó, Công ty cũng thực hiện gia cố các công trình kiến trúc, nhà xưởng; vận động nhân dân có nhà ở, công trình nằm gần hành lang an toàn lưới điện thực hiện chằng chống mái tôn, chặt tỉa cây xanh…
Công ty CP Cấp nước BR-VT cũng thực hiện kiểm tra, rà soát các đường ống dẫn nước; gia cố lại những đoạn đường ống truyền tải yếu; tổ chức ứng trực ở các nhà máy cấp nước nhằm bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân kể cả khi mưa to kéo dài sau bão.
Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trước, trong và sau bão, tất cả các đơn vị khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện túc trực 24/24 và tổ chức tiếp nhận nạn nhân cấp cứu do mưa bão; di dời bệnh nhân nội trú, trang thiết bị y tế đến khu vực an toàn. Tất cả các chốt cấp cứu tại thôn ấp phải túc trực để sơ cấp cứu nạn nhân mưa bão. Công ty Baripharco chuẩn bị tại kho dược 5 cơ số thuốc phòng chống bão. Các đơn vị điều trị phải chuẩn bị sẵn 1 cơ số thuốc tại chỗ. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh dự trù 10 cơ số thuốc chống dịch tả, lỵ, thương hàn và dự trù cơ số hóa chất khử trùng, tẩy uế phòng chống dịch bệnh, sử dụng tại các đơn vị y tế trong toàn tỉnh. Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Lê Lợi dự trữ ít nhất 20 đơn vị máu (nhất là máu O). Các TTYT tuyến huyện có giường bệnh chuẩn bị ngân hàng máu sống tại đơn vị trong tư thế sẵn sàng huy động để sử dụng trong trường hợp sau bão, mưa to kéo dài. Các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ y tế, nhiên liệu, xe cứu thương để sử dụng trong công tác điều trị, cấp cứu tại chỗ, cấp cứu ngoại viện đều phải được kiểm tra, đảm bảo hoạt động tốt…
VẪN GIỮ LỆNH “CẤM BIẾN”
Tin từ Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, ngày 4-11, khi bão số 12 đi qua biển vẫn còn động mạnh, có khả năng gây ra lốc xoáy, mưa lớn, do đó, chủ trương của tỉnh BR-VT vẫn giữ nguyên lệnh cấm tàu thuyền ra khơi trong điều kiện thời tiết nguy hiểm.
Đại tá Đào Quang Hiển, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh cho biết, hiện lực lượng Biên phòng đã kêu gọi được 3.307 tàu vào các cảng, bến. Ngoài ra, BĐBP tỉnh cũng đã liên lạc với toàn bộ 2.335 tàu còn đang đánh bắt xa bờ di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, BĐBP tỉnh vẫn chỉ đạo các đơn vị không cho các phương tiện, đặc biệt là tàu cá xuất bến; chờ hết thời tiết nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 12 mới được hoạt động trở lại.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ngành Du lịch đã chỉ đạo, Ban quản lý các KDL các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác cấp cứu thủy nạn trên dọc tuyến biển, yêu cầu các đơn vị du lịch có kinh doanh dịch vụ tắm biển, các KDL dọc biểnkhông cho du khách tắm biển,tham gia các hoạt động vui chơi trên biển và có phương án sơ tán để bảo đảm an toàn cho du khách khi thời tiết xấu xảy ra.
Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Phòng Kinh doanh Hương Phong-Hồ Cốc resort (huyện Xuyên Mộc) cho biết: Hiện còn khoảng 20 khách đang lưu trú tại khách sạn. Khách sạn đã nhắc nhở, khuyến cáo du khách không tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí trên biển. Chúng tôi tiếp tục theo dõi diễn biến của bão nếu bão vào khách sạn đã chủ động có các phương án để bảo đảm an toàn cho du khách. Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý các KDL TP.Vũng Tàu cho biết: Ban Quản lý các KDL đã thông báo tới KDL, khách sạn, nhà hàng kiên quyết không cho du khách xuống bãi tắm, hồ bơi khi mưa lớn, gió giật và có phương án sơ tán du khách, tài sản, vật dụng kịp thời; thu dọn ghế bố, ô dù gom vào khu vực an toàn; tăng cường lực lượng cấp cứu thủy nạn dọc tuyến biển, chủ động tham gia cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố.
ĐỀ PHÒNG MƯA TO, SẠT LỞ NÚI
Có mặt tại khu vực cảng Bến Đình chiều ngày 3-11, 213 chiếc tàu có công suất từ 20-90CV của địa phương và gần 500 tàu của các tỉnh khác đánh bắt hải sản ở khu vực Cần Giờ cũng đã về neo đậu an toàn tại cảng. Ngoài ra, 131 tàu có công suất trên 500CV của địa phương đang đánh bắt xa bờ đã được thông báo tìm nơi trú ẩn an toàn. Anh Nguyễn Chí Bảo, ngư dân cho biết: “Chúng tôi đánh bắt ở khu vực Cần Giờ. Mấy ngày qua nghe thông tin về cơn bão số 12 trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đã chủ động đưa ghe tàu về neo đậu tại cảng Bến Đình tránh trú bão”.
Công tác bảo đảm an toàn nhà cửa cũng được người dân chủ động thực hiện. Anh Nguyễn Sỹ Tùng (số 251/7, Lê Lợi, phường Thắng Nhì) cho biết: “Sau cơn bão số 9 năm 2006, người dân chúng tôi không dám thờ ơ với việc bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Ngay khi biết thông tin cơn bão số 12 ảnh hưởng đến BR-VT, tôi và người dân khu vực này đã chủ động xem xét lại nhà cửa, ghe tàu để chằng chống và gia cố các vị trí xuống cấp, không bảo đảm an toàn. Trên mái nhà và khu vực nhà sàn nơi neo đậu ghe tàu, chúng tôi đã dùng những bao cát để chằng chống, neo giữ cẩn thận từng chiếc ghe, gia cố lại cửa nẻo…”.
Nắm được tin cơn bão số 12 có thể ảnh hưởng đến BR-VT, người trồng hoa trên địa bàn tỉnh cũng có những biện pháp đối phó. Ông Nguyễn Văn Nam, khu phố Kim Sơn, phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa cho biết: “Tôi đang trồng 2000 chậu cúc đại đóa. Đáng lẽ 1 tuần nữa mới đến thời điểm phun thuốc trị nấm, tuy nhiên lo ngại bão vô sẽ gây mưa lớn, tăng độ ẩm khiến hoa nhiễm nấm hại nên sáng nay tôi đã phải phun thuốc để phòng ngừa. Bên cạnh đó, tôi cũng di chuyển một số chậu hoa sang khu kín gió, tránh bị gãy đổ, giập nát do mưa gió”. Ông Lê Đức Hãn, khu phố Hải Dinh, phường Kim Dinh đang trồng 1000 chậu hoa hồng lửa. Ông Hãn cho biết:“Bão đổ bộ ảnh hưởng nhiều đến thời vụ canh tác vườn hoa của tôi. Đáng lẽ từ hôm qua đã phải tỉa cành, hoa theo kế hoạch. Tuy nhiên, lúc mới tỉa cây hoa còn yếu, bão vô gây mưa lớn gây hư hại cây. Do đó, thay vì tỉa cây, tôi phun thuốc trị nấm, chờ bão tan mới tiếp tục công việc cắt, tỉa hoa.
Ông Võ Văn Quyền, Chủ tịch UBND phường Thắng Nhì – TP. Vũng Tàu cho biết, sau khi bão đi qua, phường yêu cầu các phòng theo dõi, cập nhật thông tin về các thiệt hại liên quan đến người và tài sản để địa phương có chính sách hỗ trợ cho các trường hợp bị thiệt hại gặp khó khăn. Tại các khu vực dưới chân núi Lớn, phường cử lực lượng theo dõi tình trạng xói lở do mưa nhiều và sơ tán người dân đến khu vực an toàn khi cần thiết.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo ngày 4-11, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 14 và suy yếu dần thành ATNĐ. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. BR-VT sẽ có mưa to trong vài ngày sau bão. Cũng theo nguồn tin từ Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh dự báo mức định triều có thể tiếp tục lên nhanh vào ngày 6 và 7-11 với mức nước có thể đạt tới 4,35m. Cần đề phòng có khả năng gây ngập úng vùng trũng thấp ven biển trong khu vực trong tỉnh như: Phước Thuận, Bông Trang (huyện Xuyên Mộc); Láng Dài, Lộc An (huyện Đất Đỏ); Tân Hải (huyện Tân Thành)… Do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. |
Bài, ảnh: Yến Nhi