Tổng kết Dự án SPI-NAMA – hợp phần tại TP.HCM

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 26/10/2017

(TN&MT) - Ngày 26/10 tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở TN&MT TP.HCM và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đồng tổ chức Hội thảo...

 

(TN&MT) - Ngày 26/10 tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở TN&MT TP.HCM và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đồng tổ chức Hội thảo tổng kết hợp phần tại TP.HCM của Dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (Dự án SPI-NAMA).

Ông Nguyễn Văn Tuệ – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Nguyễn Văn Tuệ – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu khai mạc Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuệ – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Bộ TN&MT cho biết: Dự án SPI-NAMA do Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với JICA nhằm xây dựng, thực hiện và phổ biến các chính sách, công cụ quản lý Nhà nước cấp Trung ương và địa phương đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bao gồm: Hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định (MRV) và kiểm kê khí nhà kính.

Qua đó, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu, nội dung của Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới cũng như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, Dự án SPI-NAMA đã bắt đầu hoạt động từ quý III năm 2014. Cục Biến đổi khí hậu là cơ quan được Bộ TN&MT giao làm cơ quan chủ trì thực hiện toàn bộ Dự án. Được sự cho phép của UBND TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM được giao làm cơ quan phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu và JICA thực hiện hợp phần tại TP.HCM. Đến nay, Dự án SPI-NAMA đã đạt được những kết quả quan trọng.

Ở cấp Trung ương, một trong những hoạt động quan trọng được sự hỗ trợ của Dự án SPI-NAMA là xây dựng Nghị định của Chính phủ về lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Nghị định sẽ quy định lộ trình và phương thức để Việt Nam đạt được nhiều mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thuộc thỏa thuận Paris về BĐKH.

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM chia sẽ những kết quả đạt được từ Dự án SPI-NAMA – hợp phần tại TP.HCM
Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM chia sẽ những kết quả đạt được từ Dự án SPI-NAMA – hợp phần tại TP.HCM

Trong hợp phần của Dự án SPI-NAMA, JICA đã hợp tác với TP.HCM nâng cao nhận thức và năng lực về giám sát phát thải khí nhà kính trên phạm vi Thành phố, xây dựng một bản Hướng dẫn xây dựng kiểm kê khí nhà kính tổng hợp, đồng thời giúp tăng cường năng lực của Thành phố trong công tác lượng hóa và kiểm tra các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các giải pháp về giảm thiểu tác động của BĐKH.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuệ, việc hoàn thành và ban hành quy định về kiểm kê khí nhà kính và MRV cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính không những là tiền đề để TP.HCM xác định mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn Thành phố mà còn đóng góp vào mục tiêu chung cắt giảm chung của quốc gia.

Đồng thời, giúp cho các địa phương khác học tập kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. ông Nguyễn Văn Tuệ hy vọng, kết quả hợp phần trên địa bàn Thành phố sẽ sớm được TP.HCM thể chế hóa thành quy định về kiểm kê khí nhà kính và MRV cấp Thành phố.

Ông Naoki Kakioka – Đại diện cấp cao JICA – Văn phòng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ông Naoki Kakioka – Đại diện cấp cao JICA – Văn phòng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Hợp phần Dự án SPI-NAMA tại TP.HCM được bắt đầu từ tháng 9/2015 đến cuối năm 2017, với các hoạt động chính, bao gồm: Thu thập số liệu, tính toán phát thải khí nhà kính năm 2013, 2014 cho TP.HCM; tổ chức các khóa tập huấn về BĐKH, hướng dẫn kỹ thuật kiểm kê phát thải khí nhà kính và hoạt động MRV tại Thành phố.

Bên cạnh đó, xây dựng 2 Bộ Tài liệu: Tài liệu hướng dẫn quy trình Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định (MRV) cho các biện pháp giảm nhẹ khí nhà kính và Tài liệu hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính, với mục tiêu thực hiện việc thể chế hóa công tác kiểm kê khí nhà kính và định lượng kết quả những hoạt động giảm nhẹ tác động của BĐKH ở Thành phố.

Ngoài ra, tổ chức các Hội thảo Tham vấn Dự án SPI-NAMA với sự tham gia của các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan của Thành phố để góp ý hoàn thiện Bộ Tài liệu nêu trên; đề xuất Khung chính sách kiểm kê khí nhà kính và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Thành phố.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, hoạt động kiểm kê khí nhà kính và MRV là lĩnh vực còn rất mới đối với trong nước. Vì vậy, các hoạt này cần phải từng bước được nâng cao nhận thức, năng lực và tổ chức triển khai. Dự án SPI-NAMA đã giúp TP.HCM bước đầu tiếp cận vấn đề quản lý khí nhà kính, xây dựng chính sách tạo động lực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và giảm thiểu BĐKH.

Để phát huy và kế thừa hiệu quả các kết quả của Dự án SPI-NAMA, Sở TN&MT TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM cho chủ trương thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ 2 năm một lần vào năm chẵn, bắt đầu tư năm 2016 và đã được chấp thuận. Sở TN&MT đang tiếp tục kiến nghị xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH đến năm 2030.

“Sở TN&MT TP.HCM cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan của Thành phố tiếp tục triển khai thí điểm các hoạt động kiểm kê phát thải khí nhà kính cho TP.HCM và hoạt động MRV trên địa bàn Thành phố trong những năm tiếp theo.

Và chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ TP.HCM trong quá trình thực hiện như: chia sẻ kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm, tập huấn nhân lực. Nhân đây, Sở TN&MT TP.HCM kiến nghị Bộ TN&MT và JICA sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ TP.HCM trong thời gian tới” - ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm.

Đại diện JICA cho biết: TP.HCM là một trong những Thành phố trên thết giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của BĐKH. Năm 2016, UBND TP.HCM đã phê duyệt Kế hoạch hành động BĐKH và Dự án hợp tác với JICA, đã giúp Thành phố đạt được mục tiêu của Kế hoạch, thông qua hỗ trợ các phương pháp thực tiễn trong giám sát và cải tiến Kế hoạch.      

Nhân dịp này, JICA cũng đề nghị TP.HCM sẽ chia sẻ kinh nghiệm cũng như bài học thực tiễn từ Dự án SPI-NAMA tại Thành phố với các địa phương khác, góp phần tăng cường sự tham gia của các bên liên quan nằm ngoài khu vực Nhà nước trong hoạt động ứng phó với BĐKH như đã được thông qua trong bản Hiệp định Paris về BĐKH.

Tường Tú