Hà Nội: Cấp bách triển khai các giải pháp quan trắc môi trường không khí
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 26/10/2017
Đề xuất đưa 20 trạm quan trắc không khí tự động vào hoạt động
Thấy rõ những bất cập trong quan trắc môi trường không khí của Hà Nội giai đoạn năm 1999-2011, từ giai đoạn 2012 đến nay, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở TN&MT chủ trì dự án quy hoạch mạng lưới điểm/trạm quan trắc không khí giai đoạn 2011-2020. Cụ thể năm 2012, mạng lưới quan trắc đã được phê duyệt trên địa bàn Hà Nội mở rộng với hai loại hình: quan trắc định kỳ và quan trắc cố định tự động.
Việc rà soát mạng lưới và tiến hành thí nghiệm dựa trên những quy định hiện hành của Luật, văn bản dưới luật về lĩnh vực môi trường; đặc biệt là kế hoạch chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ đô.
Thực tế, Dự án cung cấp số liệu quan trắc không khí một cách chính xác, 24/24h, xây dựng năng lực quản lý, giám sát chất lượng môi trường phù hợp với yêu cầu quản lý của Hà Nội mở rộng.
Trạm tự động quan trắc môi trường không khí |
Sau khi rà soát, Dự án đã đề xuất 20 trạm quan trắc tự động, trong đó có 2 trạm cũ cần nâng cấp (trạm Phạm Văn Đồng và trạm Thượng Đình – Nguyễn Trãi), bổ sung 16 trạm theo các loại hình tại các khu vực trọng yếu như: Ba Vì, Hương Sơn – Mỹ Đức, Cầu Giấy – Phạm Hùng, Pháp Vân – Cầu Giẽ, Thái Hà – Tây Sơn, đầu Đông Nam Văn Quán –Hà Đông, cuối Đông Nam nút giao Láng Hòa Lạc, đường 70, ngã tư Đức Giang, Long Biên. Đồng thời, 10 loại hình quan trắc được phân bổ tại những điểm tập trung đông người như: sân bay, nhà ga xe lửa, chung cư đô thị...
Ngoài các trạm quan trắc cố định sẽ có 2 trạm di động và các trạm quan trắc online cảm biến thay thế cho các điểm quan trắc định kỳ trước đây.
Đến nay, Sở TN&MT đã lắp được 2 trạm quan trắc tự động cố định và 8 trạm online cảm biến để thử nghiệm quan trắc và đánh giá, làm cơ sở cho việc quy hoạch hệ thống quan trắc tự động và trạm online cảm biến theo lộ trình 2020, 2030.
Cần cải thiện đồng bộ từ quản lý đến hạ tầng
Theo các chuyên gia và nhà quản lý, TP Hà Nội cần sớm phê duyệt dự án rà soát tổng thể mạng lưới quan trắc tự động để sớm thực hiện lộ trình theo quy hoạch. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách phù hợp trong việc hợp tác với các nhà khoa học, các doanh nghiệp để phối hợp thực hiện triển khai hiệu quả.
Bên cạnh đó, đơn vị chủ trì và quản lý là Sở TN&MT cần có kế hoạch kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hợp lý. Cần xây dựng trung tâm điều hành mạng lưới quan trắc với đủ các phòng chức năng, tuyển chọn, đào tạo con người có chuyên môn, nghiệp vụ tốt để vào thực hiện lĩnh vực quan trắc và mô hình hóa môi trường và tổ chức các lớp ngắn hạn nâng cao phương thức quản lý và quan trắc môi trường không khí.
Song song với đó, Sở TN&MT cần lập kế hoạch xây dựng nhiệm vụ/ đề tài: “nghiên cứu ứng dụng mô hình hóa dự báo ngay về chỉ số chất lượng không khí” để cảnh báo mức độ ô nhiễm đến cộng đồng trên các phương tiện truyền thông càng sớm càng tốt. Các chỉ số ô nhiễm không khí cộng đồng theo các cấp đánh giá: tốt, trung bình, kém, rất, và rất xấu để cảnh báo.
Theo một số nhà khoa học, mặc dù trạm cảm biến online có giá thành thấp hơn khoảng 8 lần so với các trạm tự động cố định, nhưng độ chính xác và tuổi thọ của các trạm online chưa được đánh giá. Vì vậy, Sở TN&MT cần đánh giá chính xác các trạm này liệu có sai số hay không, cần tìm ra một phương thức hiệu chỉnh số đo của trạm online theo số đo của trạm cố định tự động. Điều này là vô cùng quan trọng bởi việc quyết định số lượng cần thiết để lắp đặt bổ sung các trạm cảm biến online tại các vị trí thích hợp trên địa bàn TP.
Giảm thiểu ô nhiễm không khí một cách tổng thể là vấn đề nan giải, trước mắt và lâu dài. Bên cạnh nỗ lực của TP trong nâng cao chất lượng quan trắc môi trường không khí, sự chung tay của các nhà quản lý, doanh nghiệp, các nhà khoa học và cộng đồng là vô cùng cần thiết để nâng cao chất lượng không khí Thủ đô, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước.
Phương Linh