Cao Lộc - Lạng Sơn: Dân xã Hồng Phong tố Công ty Giang Sơn "bức tử" môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 24/10/2017
(TN&MT) - Đã nhiều năm nay, các hộ dân xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn rất bức xúc về việc Công ty Cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Giang Sơn ngang nhiên xả nước thải chưa qua xử lý ra suối gây ô nhiễm môi trường, khai thác đá nổ mìn gây chấn động nứt nhà dân. Người dân cho biết họ đã kiến nghị rất nhiều, nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm không được cải thiện mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Hậu quả, người dân phải gánh chịu, môi trường bị bức tử…
Người dân tố nước bã thải xi măng ở trạm trộn bê tông của Công ty Giang Sơn xả thẳng ra suối gây ô nhiễm. |
Dân bất bình lo sợ
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Danh nhà ở thôn Tềnh Chè, xã Hồng Phong cho biết: “Nhà tôi sống gần suối luôn phải chứng kiến cảnh con suối này dầy đặc cặn bã bê tông của Công ty Giang Sơn xả ra. Nhiều đoạn suối cặn bê tông dầy đặc sệt, lắng đọng cao hơn cả mét so với lòng suối, gây ô nhiễm, hủy hoại dòng suối, vì mùa mưa con suối này là nguồn cung cấp nước chính dẫn về kênh đập Tềnh Chè phục vụ nước tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp cho nhân dân trong xã. Nhân dân thôn Tềnh Chè nhiều lần đã mời chính quyền xã xuống để xử lý việc Công ty Giang Sơn xả thải ra môi trường. Xã xuống lập biên bản xong rồi đâu vẫn hoàn đấy. Tình trạng xả nước thải ô nhiễm ra môi trường bao nhiêu năm nay của công ty không được chấm dứt mà ngày càng ô nhiễm trầm trọng hơn”.
Ngoài ông Ngô Văn Danh, nhiều người dân khác ở thôn Tềnh Chè cũng rất bức xúc về việc nước xả thải gây ô nhiễm ở suối của Công ty Giang Sơn. Nước bã thải bê tông của công ty này chảy ra suối đến đâu là biết ngay, trắng xóa và đặc quánh dày hàng mét đến đấy. Điều mà nhiều người dân lo lắng nhất nữa là mỏ đá của Công ty Giang Sơn khai thác dựng đứng, không cắt tầng, mỗi lần công ty nổ mìn khai thác đá là bụi mù mịt, nhà cửa rung lắc như động đất, gây nứt nhà cửa, khiến cuộc sống của nhân dân bất an.
Mỏ đá của công ty Giang Sơn khai thác theo kiểu vách đứng, không cắt tầng. |
Trao đổi với phóng viên, bà Lương Thị Nhớ, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Tềnh Chè cho biết: “Cả một dòng suối dài hàng km xuống tận chân đập Tềnh Chè mà bã thải xi măng đặc sệt cả lòng suối dầy sâu cả mét. Có lần tôi dẫn nhà báo về quay phim chụp ảnh thử lội xuống suối kiểm tra, không ngờ bã bùn xi măng quá dầy khiến cả người tôi bị thụt sâu xuống, bao nhiêu người xúm lại kéo mãi mới nhấc người lên được. Còn tại khu vực đầu nguồn của dòng suối công ty này làm cống ngầm và chiếm dụng bề mặt dòng suối làm bãi tập kết đá. Đoạn suối tiếp giáp ngoài phía ngoài công ty thì đơn vị này kè 2 bên lại biến thành bể nước thải và vô tư xả thải ra suối. Người dân địa phương chúng tôi rất bức xúc và đặt câu hỏi công ty này làm như vậy liệu có cơ quan chức năng nào cho phép không mà vẫn ngang nhiên tồn tại?”.
Coi thường dân đến bao giờ?
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Quyền, Trưởng thôn Tềnh Chè, xã Hồng Phong cho biết: Trong các buổi tiếp xúc cử tri nhân dân đều kiến nghị về tình trạng Công ty Giang Sơn xả thải ra suối gây ô nhiễm suối. Xã xuống kiểm tra, lập biên bản nhiều lần và yêu cầu công ty phải nạo vét bùn thải. Tuy nhiên, công ty cũng chỉ nạo vét theo kiểu đối phó, đồng thời vẫn xả cặn bã bê tông ra suối bình thường. Và sau một thời gian bùn thải lại lấp đầy lòng suối. Chưa hết, công ty này khai thác đá theo vách dựng đứng, không cắt tầng, gây bụi bặm, nứt nhà cửa của nhân dân xung quanh…
Còn ông Hoàng Văn Huấn, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Phong xác nhận: Việc người dân phản ánh trạm trộn bê tông của Công ty Giang Sơn xả thải ra suối, xây kè 2 bên bờ suối chiếm lòng suối làm bể nước thải là có thật. Nhiều lần chính quyền xã đã xuống kiểm tra và lập biên bản, yêu cầu công ty phải khắc phục và xử lý nạo vét bùn thải. Tuy nhiên, thẩm quyền của xã chỉ có hạn, sau mỗi lần kiểm tra xã lại báo cáo và kiến nghị lên các cơ quan chức năng cấp trên. Bên cạnh đó việc nổ mìn khai thác đá của công ty này cũng làm nứt nhà dân, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân và xã cũng nhiều lần xuống giải quyết. Sau mỗi lần như vậy Công ty Giang Sơn lại đứng ra tự giải quyết và thương lượng với người dân.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận: Việc doanh nghiệp hoạt động nhiều năm xả thải ra môi trường, doanh nghiệp cố tình bức hại môi trường là có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, cần phải xử lý nghiêm. Nếu nhiều lần tái phạm, có thể xem xét khởi tố hình sự. Đã đến lúc các cơ quan chức năng của huyện Cao Lộc và tỉnh Lạng Sơn cần phải vào cuộc, kiểm tra làm rõ những vấn đề nêu trên để bảo vệ con suối nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho nhân dân trong xã Hồng Phong.
Bài & ảnh: Hà Thuý