Vụ cá chết ở Lăng Cô (Thừa Thiên Huế): Thông số pH cao hơn mức bình thường

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 23/10/2017

(TN&MT) - Các mẫu nước được lấy từ những lồng cá nuôi ở thị trấn Lăng Cô có thông số pH cao hơn giá trị giới hạn của thông số chất lượng nước quy định. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài thủy sản...
Cá lồng nuôi chết hàng loạt tại đầm Lập An- thị trấn Lăng Cô
Cá lồng nuôi chết hàng loạt tại đầm Lập An- thị trấn Lăng Cô

Thông số pH tăng cao

Liên quan đến sự việc cá lồng chết hàng loạt tại khu vực đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong thời gian qua mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã thông tin, ngày 23/10, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế (CCBVMT, Sở TN&MT) cho biết, đơn vị đã có báo cáo sơ bộ về chất lượng nước khu vực đầm Lăng Cô.

Do hiện nay chưa có quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước đầm phá, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạm thời so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển.

Theo đó, kết quả đo nhanh cho thấy, tất cả các mẫu nước (kể cả các vị tri lồng nuôi đo nhanh ở tầng mặt, giữa và đáy) trên khu vực đầm Lăng Cô đều có hàm lượng oxy hòa tan trong nước lớn hơn 5,0, đảm bảo giá trị giới hạn của thông số chất lượng nước phù hợp với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh.

Tuy nhiên, tại các mẫu đo nhanh có thông số pH đo được dao động từ 8,9-9,1, cao hơn giá trị giới hạn của thông số chất lượng nước quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (từ 6,5-8,5). Do vậy, sự sống và phát triển của thủy sản trong đầm Lăng Cô có thể bị ảnh hưởng bởi sự biến động tăng cao của chỉ số pH so với bình thường.

Cá chết là cá có giá trị thương phẩm cao như cá bớp, cá vẩu, cá hồng đỏ...
Cá chết là cá có giá trị thương phẩm cao như cá bớp, cá vẩu, cá hồng đỏ...

“Đây chỉ là kết quả bước đầu, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở NN&PTNT kiểm tra lượng thủy sản chết ở trong đầm có xuất phát từ nguyên nhân nhiễm bệnh hay không, đồng thời nghiên cứu sự ảnh hưởng của pH ở giá trị cao đối với đời sống thủy sản để có cơ sở nhận định nguyên nhân về hiện tượng cá chết...”- ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng CCBVMT tỉnh Thừa Thiên Huế nói.

Cũng theo ông Hùng, cần tăng cường tần suất quan trắc chất lượng nước trong đầm để có sự theo dõi về diễn biến độ pH, đồng thời có cơ sở khoa học để chứng minh sự ảnh hưởng của pH cao đối với đời sống thủy sản...

Bảo vệ môi trường

Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thông tin, đơn vị vừa có văn bản gửi Ban Quản lý Dự án hầm đường bộ Hải Vân về việc tăng cường thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân (đoạn qua thị trấn Lăng Cô).

Trao đổi với PV, ông Lê Bá Phúc- Phó Giám đốc sở TN&MT cho biết, hoạt động thi công của Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân có khả năng gây ảnh hưởng đến chất lượng nước đầm Lăng Cô.

Người dân thị trấn Lăng Cô vẫn đang rất lo lắng
Người dân thị trấn Lăng Cô vẫn đang rất lo lắng

Vì thế, Sở TN&MT yêu cầu Ban Quản lý Dự án hầm đường bộ Hải Vân thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công đã cam kết theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đảm bảo chất thải phát sinh được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.

“Trước đó Ban quản lý Dự án có gửi báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường trong quá trình thi công của dự án về Sở. Nhưng quá trình triển khai thực hiện quan trắc môi trường chưa có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh...”- ông Phúc thông tin.

Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh thực hiện việc giám sát các công trình đang thi công trên địa bàn khu kinh tế có nguồn thải ảnh hưởng đến chất lượng nước đầm Lăng Cô, yêu cầu chủ dự án thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tránh để chất thải chưa qua xử lý thải vào nguồn nước trong đầm Lăng Cô...

Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường trước đó đã phản ánh, từ đầu tháng 10 đến nay, cá lồng bất ngờ chết hàng loạt tại khu vực cửa biển đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến người dân đứng ngồi không yên, thiệt hại nặng nề...

Người dân vẫn đang nghi ngờ việc thi công đường công vụ gần đó đã thải chất ô nhiễm làm cá chết...
Người dân vẫn đang nghi ngờ việc thi công đường công vụ gần đó đã thải chất ô nhiễm làm cá chết...

Có mặt tại hiện trường, PV nhận thấy cá chết trắng xóa khắp mặt nước, bốc mùi, nổi lờ đờ trên và bên trong lồng. Cá chết ở đây là các loại cá có giá trị thương phẩm cao như: cá bớp, cá vẩu, cá hồng đỏ... có giá bán từ 170- 180 nghìn/kg.

Anh Bùi Khánh Công (tổ dân phố An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô) cho biết, cá lồng nhà anh xuất hiện tình trạng nổi đỏ, lở loét ở bụng, bỏ ănvà bị nổ mắt rồi chết dần. “Hơn 2.000 con cá nhỏ mới thả nuôi chết hết rồi, trong khi cá to sắp thu hoạch cũng đang dần chết nữa. Giờ phải làm sao đây...”- anh Công buồn bã nói.

Người dân vẫn đang nghi ngờ trong quá trình thi công đường công vụ trên đầm Lập An phục vụ thi công cầu vào hầm Hải Vân (giai đoạn 2), đơn vị thi công đã sử dụng thuốc nổ, chất xika và những chất này chảy ra đầm Lập An. Sau đó, khi thủy triều lên thì các chất này đi vào các lồng cá khiến cá chết...

Sau khi xảy ra tình trạng trên, các hộ dân đã sử dụng các loại thuốc “đặc trị” để rửa sạch nguồn nước. Biện pháp này ban đầu đã có hiệu quả, số lượng cá chết hiện đã giảm dần nhưng vẫn còn. Nguyên nhân sự việc vẫn đang được các cơ quan chức năng có liên quan điều tra làm rõ.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin.

Bài, ảnh:Văn Dinh