Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên): Ô nhiễm bủa vây
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 19/10/2017
Trăm ngả gây ô nhiễm
Khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với diện tích 1.200ha (không bao gồm 2.500ha diện tích đất mặt nước).
Với dân số sinh sống quang vùng hồ khoảng 42.000 người và lượng khách du lịch dao động trong khoảng 500.000 đến 600.000 lượt/năm, hệ số phát thải chất thải rắn sinh hoạt là 0,5kg/người/ngày, tính ra mỗi năm, lượng rác thải ra khu vực xung quanh hồ khoảng 100.000 tấn/năm. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan du lịch, nhưng hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải chưa đáp ứng được.
Việc thu gom chất thải sinh hoạt trên địa bàn chủ yếu do các xã tự tổ chức thực hiện. Toàn vùng đã có 2 bãi rác (bãi rác Đá Mài và bãi rác Bình Thuận), tuy vậy, 2 bãi rác này lại chủ yếu phục vụ xử lý rác của trung tâm thị trấn Đại Từ và thành phố Thái Nguyên.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch cùng các ngành nông nghiệp đang đẩy Hồ Núi Cốc trước những hiểm họa ô nhiễm. Ảnh: MH |
Không những thế, thống kê cho thấy, xung quang khu vực hồ có khoảng 15 trang trại chăn nuôi gia súc đang hoạt động. Đa số các trang trại đều có hệ thống xử lý chất thải không đạt yêu cầu. Đồng thời, trong khu vực lòng hồ có đơn vị đang tiến hành nạo vét và tận thu khoáng sản đi kèm. Mặc dù, quy trình và công nghệ đã được các cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt, tuy vậy, trong quá trình hoạt động không tránh khỏi những tác động ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan hồ.
Cùng với đó, phía thượng nguồn hồ Núi Cốc đang tồn tại một số đơn vị khai tháng khoáng sản với quy mô vừa và lớn như: mỏ kẽm Côi Kỳ, mỏ sắt Ký Phú, mỏ đa kim Núi Pháo… nguồn nước thải nếu không được xử lý triệt để từ các hoạt động khai thác khoáng sản trên sẽ theo các sông suối và chảy về hồ. Hiện, UBND tỉnh Thái Nguyên đang quan tâm tới vấn đề này. Ngoài ra, trong tổng số 28 đơn vị đang kinh doanh lưu trú du lịch, hiện có 6 đơn vị đã thực hiện các thủ tục về môi trường…
Cấp bách bảo vệ
Theo ông Phạm Đức Toàn, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc: Trước hết, phải thực hiện đồng bộ các phương án, biện pháp bảo vệ hệ sinh thái. Hằng năm, duy trì trồng cây trên các đảo, khu vực ven hồ để chống sạt lở, tạo ra cảnh quan góp phần bảo vệ tài nguyên hệ sinh thái. Để bảo vệ môi trường thời gian tới, cần phải đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, rác thải theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Hệ thống thu gom này phải được kết nối liên hoàn trong toàn vùng. Bảo đảm 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ và cộng đồng dân cư trong khu vực có hệ thống thu gom nước thải tập trung và xử lý đạt chuẩn môi trường theo quy định. Đến năm 2030, việc thu gom xử lý chất thải rắn đạt 100% và chuyển dịch các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi vùng hồ và phụ cận.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, để bảo đảm môi trường của hồ Núi Cốc thời gian tới cần phải xây dựng các tiêu chí về môi trường và tuyên truyền giáo dục cho du khách tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường nước, hệ sinh thái hồ, bảo đảm chất lượng nguồn nước từ đầu nguồn. Xây dựng phương châm phòng ngừa ô nhiễm ngay tại đầu nguồn thải. Đồng thời, đối với việc quản lý xả thải của phương tiện trên lòng hồ cần công bố công khai các chỉ tiêu, quy định và ký cam kế bảo vệ môi trường đối với chủ phương tiện.
Ngoài ra, trong công tác quy hoạch để phát triển phải bảo đảm tính khoa học để không làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan di sản, tránh tình trạng quy hoạch thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho quản lý di sản nói chung và môi trường nói riêng. Đồng thời, phải phát triển sinh kế cho người dân góp phần bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Thái Bình