Quảng Nam: Ba nhà máy ô nhiễm bủa vây khu dân cư
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 16/10/2017
Con mương thoát nước thải của trạm than gây ô nhiễm |
“Nghẹt thở” vì ô nhiễm
Theo phản ánh của người dân, ba nhà máy gồm: nhà máy gạch tuynel Chu Lai (thuộc Công ty TNHH MTV Tâm Thu), nhà máy bê tông Chu Lai (thuộc Công ty CP bê tông Hòa Cầm - Intimex) và trạm than Chu Lai (thuộc Công ty than miền Trung) hoạt động với tần suất dày đặc, liên tục xả khí thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống. Xe quá tải trọng ra vào công ty làm rơi vãi nguyên vật liệu gây bụi mù mịt, hỏng cả tuyến đường bê tông. Điều đáng nói là cả 3 nhà máy đều nằm giữa lòng khu dân cư thôn Hòa Mỹ (xã Tam Nghĩa), nơi có hơn 100 hộ dân sinh sống, cách nhà dân chỉ một bức tường.
Nhà bà Nguyễn Thị Thu Huyền (tổ trưởng tổ dân cư số 1, thôn Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam) nằm ngay trước cổng trạm than Chu Lai nên hứng chịu ô nhiễm nặng nề nhất. Bà Huyền cho biết, thời gian gần đây nhà máy nâng công suất hoạt động nên lượng than sản xuất ra tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Bụi than bay khắp nơi, bám vào thức ăn, nước uống làm cho nhiều người bị viêm da, viêm mũi. Bên cạnh đó, nước thải từ trạm than chảy ra môi trường làm trâu bò uống vào bị chết. Các loại xe tải trọng lớn vào ra trạm than này cả ngày lẫn đêm, làm hư hỏng đường sá, bụi bay mù mịt…
Một bên là mương thoát nước thải của nhà máy bê tông, một bên là 2 ống khói của nhà máy gạch khiến người dân không chịu nổi ô nhiễm |
“Than bụi bay dính trên chén, đĩa, xoong nồi; đồ đạt phơi ở ngoài đem vô phải giũ mới mặc được. Cháu con của tôi bị viêm da, mấy đứa hàng xóm thì tránh xa khu vực này, sợ ngứa, viêm da. Còn viêm họng, viêm mũi dị ứng thì ở đây đa số. Nước thải của trạm ra thải ra cũng khủng khiếp, chảy xuống đến xóm dưới, đào đất xuống mấy tấc cũng còn đen. Vì nước chảy ra tích tụ lại thấm xuống lòng đất. Nói chung chúng tôi chịu ô nhiễm toàn bộ từ nhà máy gạch, bê tông đến than”- bà Huyền bức xúc.
Đây là thực tế đang diễn ra tại thôn Hòa Mỹ từ nhiều năm nay. Trong đơn kiến nghị của người dân cho biết, Nhà máy gạch Tuynel Chu Lai sau khi được Doanh nghiệp Tâm Thu tiếp quản đã nâng công suất lên gấp nhiều lần. Theo đó, “núi đất” mà doanh nghiệp này dự trữ để sản xuất gạch cũng cao dần.
Con đường đen ngòm bụi than |
Bà Châu Thị Xê, năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng hằng ngày đều đặn 4 lần kéo nước ra để tưới đường cho đỡ bụi. Bà Châu Thị Xê bức xúc: Dân ở sát tường nhà máy gạch, khói bụi bay tứ phía dân chúng tôi không chịu nổi. Một là di dời các nhà máy này đi, hai là di dời dân chúng tôi đi chứ ở đây lâu dân bị ung thư hết”.
Dân không còn tin vào chính quyền
Các nhà máy này nằm liền kề trong khu dân cư, gây ô nhiễm đến mức bà con nghẹt thở thế nhưng kết quả quan trắc môi trường lúc nào cũng không vượt ngưỡng khiến người dân không còn tin ở ngành chức năng.
Núi than được phủ bạt sơ sài khiến bụi bay vào nhà dân |
Trao đổi với PV, một lãnh đạo xã Tam Nghĩa thừa nhận, vị trí 3 nhà máy hoạt động hiện nay đều là của các doanh nghiệp khác ngưng hoạt động, chuyển nhượng lại mặt bằng. Cả 3 nhà máy này nằm sát khu dân cư thôn Hòa Mỹ với hơn 100 hộ dân sinh sống. Các nhà máy đều nằm cách nhà dân chỉ 1 bức tường.
Lãnh đạo xã Tam Nghĩa cũng cho biết, trong các buổi đối thoại với người dân địa phương, đại diện lãnh đạo 3 nhà máy này đã hứa sẽ khắc phục nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, báo cáo của Phòng TN&MT huyện Núi Thành về kiểm tra, giải quyết kiến nghị của nhân dân thôn Hòa Mỹ chủ yếu “nhắc nhở” qua loa khiến người dân càng thêm bất bình. Ô nhiễm vẫn cứ xảy ra khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, bệnh tật người già và trẻ em ngày càng nhiều.
Đoàn xe vào các nhà máy chở hàng gây ô nhiễm cho người dân |
Ông Trương Văn Trung- Phó Chủ tịch huyện Núi Thành cho hay, đây không phải là lần đầu tiên người dân thôn Hòa Mỹ gởi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền. Đã nhiều lần bà con chặn xe doanh nghiệp, đề nghị di dời cả 3 nhà máy ra khỏi khu dân cư. Thế nhưng “cái khó” của địa phương là đã mời gọi đầu tư, cho doanh nghiệp thuê đất đến 50 năm. Nếu di dời nhà máy thì phải bố trí đất phù hợp, hỗ trợ di dời, điều này vượt khả năng của huyện. Còn việc đề nghị đóng cửa các nhà máy này cũng khó, vì kết quả quan trắc môi trường đều chưa vượt ngưỡng. Huyện cũng yêu cầu các nhà máy này làm đường, tưới nước… nhưng ô nhiễm vẫn không giảm.
“Về giải pháp lâu dài, một là dời dân, hai là dời nhà máy. Nhưng cái này quá sức của huyện. Hiện nay đang giải phóng mặt bằng thêm KCN Nam Chu Lai, sau này làm việc với tỉnh rồi tính toán. Giờ làm liền là khó”- ông Trung nói.
Bài, ảnh:Lan Anh