Lý Sơn: Xâm hại môi trường biển để lấy cát trồng hành, tỏi

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 10/10/2017

(TN&MT) - Hiện nay, nỗi lo lớn nhất của người trồng hành, tỏi ở Lý Sơn chính là nguồn cát trắng phục vụ sản xuất đang cạn kiệt đến mức báo động. Để có cát người dân phải phải sắm bè ra biển cách bờ chừng vài trăm mét để hút cát. Việc này đang ảnh ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái khu bảo tồn biển, gây thêm nguy cơ sạt lở vùng ven bờ.

Cạn kiệt cát trồng tỏi

Với những điều kiện đặc trưng về thổ nhưỡng, khí hậu, cùng với sự quý hiếm của giống cây, hành, tỏi Lý Sơn có được hương vị độc đáo không lẫn được với nơi nào. Hành, tỏi trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân huyện đảo. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, diện tích trồng hành, tỏi ở Lý Sơn đã bị giảm nhanh chóng. Nguyên nhân là vì cát trắng đang bị khai thác quá mức đến mức cạn kiệt.

Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn chia sẻ: “Năm 2009, tỏi Lý Sơn chính thức được công nhận là thương hiệu quốc gia. Sản phẩm của bà con làm ra rộng đường tiêu thụ hơn, nhưng chuyện trồng tỏi ở Lý Sơn vẫn còn nhiều trắc trở. Người dân ở đây rất muốn mở rộng diện tích trồng tỏi vừa để giữ lại nghề của cha ông, mang thương hiệu tỏi Lý Sơn ra thị trường, nâng cao thu nhập nhưng thiếu đất, thiếu cát”.

Nguồn cát trắng khan hiếm làm cho chi phí tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng hành tỏi của người dân
Nguồn cát trắng khan hiếm làm cho chi phí tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng hành tỏi của người dân

Theo người dân Lý Sơn, để trồng được 2 loại cây hành, tỏi có chất lượng thơm ngon nổi tiếng lâu nay, người dân đảo Lý Sơn không thể thiếu loại cát biển pha vôi rất đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây. Theo đó, cùng với lớp đất thịt ở phía dưới, cứ sau 2-3 vụ trồng, tương ứng với thời gian khoảng 1 năm là nông dân phải cào hết lớp cát cũ năm trước, sau đó phủ lên bề mặt một lớp cát mới.

Bà Nguyễn Thị Lành, thôn Tây, xã An Hải cho biết: “Nếu không thay lớp cát mới mà vẫn giữ nguyên lớp cát cũ, thì cây hành, tỏi sẽ không phát triển và chất lượng thơm ngon riêng biệt của nó giảm đi nhiều”.

Huyện đảo Lý Sơn có khoảng 375 ha đất nông nghiệp, trong đó 300 ha đất phục vụ sản xuất hành, tỏi, mỗi năm cần khoảng 1 triệu m3 cát. Hàng chục năm về trước, khi nguồn cát trắng trên đảo còn dồi dào và dễ khai thác, nông dân chỉ việc ra bờ biển mang về để cải tạo đất. Do việc lấy cát dễ như thế nên người dân không mấy ý thức trong việc sử dụng hợp lý nguồn cát này. Càng ngày cát trắng càng trở nên khan hiếm.

Để có cát, những năm gần đây, một số người dân Lý Sơn đã phải đầu tư từ 200-250 triệu đồng sắm bè, máy rồi đưa ra vùng biển ven bờ đảo hút lấy và đưa vào bờ sử dụng, hoặc bán cho người khác. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cát biển gần bờ cũng không còn nên những chủ bè phải kéo bè ra cách bờ từ 2 - 3 km để hút cát ở độ sâu gần 30 m.

Việc sử dụng cát trắng từ biển để trồng hành, tỏi ở Lý Sơn đang đe dọa đến môi trường Khu bảo tồn biển
Việc sử dụng cát trắng từ biển để trồng hành, tỏi ở Lý Sơn đang đe dọa đến môi trường Khu bảo tồn biển

Cần giải pháp bền vững

Vụ mùa năm nay, người dân trồng hành, tỏi trên huyện đảo hết sức phấn khởi khi giá hành tím vừa thu hoạch có giá cao kỷ lục. Thế nhưng, dù lạc quan đến mấy người nông dân cũng không khỏi lo lắng, khi nguồn cát để trồng hành, tỏi đang bị cạn kiệt.

“Hiện một xe cát được bán với giá gần cả triệu đồng, mỗi sào ít nhất phải tới 2 xe cát. Nếu không cát thì không thể trồng được loại hành, tỏi đặc trưng của Lý Sơn. Biết hút cát là ảnh hưởng đến môi trường và tăng thêm nguy cơ sạt lở bờ biển nhưng biết làm sao được”- ông Phạm Văn Sơn, ở thôn Đông, xã An Vĩnh chia sẻ.

Ông Lê Hoài Ân - Trưởng Phòng TN&MT huyện Lý Sơn cho biết, hiện trên đảo có tất cả khoảng 7 bè hoạt động, trung bình mỗi ngày sẽ lấy đi hơn 200m3 cát ở vùng biển gần bờ của đảo. Việc lấy cát đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái biển, gây thêm nguy cơ sạt lở vùng biển ven bờ. Tuy nhiên, không thể cấm người dân lấy cát, vì nếu không có cát thì hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn sẽ đình trệ. Do đó, với chức năng quản lý môi trường, phòng chỉ có thể nhắc nhở người dân không được hút cát ở khu vực gần bờ, nhằm tránh nguy cơ sạt lở.

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở Khoa học & Công nghệ và huyện Lý Sơn phối hợp nghiên cứu mô hình trồng tỏi không cần sử dụng cát trắng thay thế cách làm truyền thống nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn.

“Để có nguồn cát cải tạo đất trồng hành, tỏi, huyện đã đề xuất với tỉnh cần sớm quy hoạch khu vực khai thác cát trên biển, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển nông nghiệp bền vững.”- bà Phạm Thị Hương nói.

Người trồng hành, tỏi ở Lý Sơn mong muốn tìm được giải pháp để thay thế cát trắng, giúp cho nghề trồng hành tỏi ở Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phát triển bền vững.

Bài & ảnh: Lan Anh