COP 23: Kì vọng nâng mức cam kết giảm phát thải của quốc gia

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 05/10/2017

(TN&MT) - Ngày 5/10, tại Hà Nội, Nhóm công tác về biến đổi khí hậu (CCWG) đã tổ chức hội thảo quốc tế “Hướng tới COP23: Tham vọng lớn hơn cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C hoặc 1,5 độ C”. Hội thảo nhằm cập nhật lộ trình rà soát Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) và Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP), đồng thời trao đổi về các đóng góp cần thiết của các tổ chức xã hội dân sự vào quá trình triển khai Thỏa thuận Paris tại Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục BĐKH Phạm Văn tấn phát biểu tại hội thảo
Phó Cục trưởng Cục BĐKH Phạm Văn Tấn phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo diễn ra trước thời điểm Hội nghị "Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu" lần thứ 23 (COP 23) năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 6 - 18/11/2017. Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ TN&MT), đến nay, đã có 166 nước phê duyệt Thỏa thuận Paris. Các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự thực hiện (NDC) từ 2021 trở đi. Từ nay đến 2020, các bên tập trung rà soát, so sánh mức độ cam kết của các quốc gia với nhau, chuẩn bị đánh giá nỗ lực toàn cầu tại COP 24 vào năm 2018.

Một trong những kì vọng vào năm 2018 là nâng được mức cam kết đóng góp giảm phát thải của tất cả các quốc gia trên thế giới, nhằm giữ mức tăng nhiệt độ Trái đất dưới 2 độ C hoặc 1,5 độ C. Bởi nếu hiện thực hóa tất cả các NDC, mức tăng nhiệt độ Trái đất đến cuối thế kỉ này vẫn vượt quá 2 độ C.

bà Vũ Minh Hải, Trưởng nhóm CCWG phát biểu tại hội thảo
Bà Vũ Minh Hải, Trưởng nhóm CCWG phát biểu tại Hội thảo

Ông Tấn cũng thông tin, COP 23 là hội nghị hết sức quan trọng. Trong bối cảnh thiên tai ngày càng gia tăng và gây thiệt hại nghiêm trọng, tình hình quốc tế lại có nhiều trở ngại liên quan đến nỗ lực ứng phó BĐKH, hội nghị kỳ vọng có thể duy trì, phát huy tinh thần hợp tác, nỗ lực của tất cả các quốc gia và có bước đột phá trong thảo luận. Từ đó, cụ thể hóa việc triển khai các nội dung chi tiết hơn của Thỏa thuận Paris và Công ước khung LHQ về BĐKH, những vấn đề trong quá trình đánh giá nỗ lực toàn cầu.

Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đầu tiên phê duyệt Thỏa thuận Paris. Chính phủ cũng tổ chức nhiều hoạt động để triển khai Thỏa thuận. Trong tháng 7, tháng 8 vừa qua, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị Triển khai Thỏa thuận Paris tại 3 miền với sự tham gia của đại diện 63 tỉnh, thành. Qua đó, thống nhất và làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong triển khai các cam kết của Việt Nam đã nêu trong NDC. Tại COP 23, Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm cũng như khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai với bạn bè quốc tế.

Đại diện các tổ chức quốc tế tham dự hội thảo
Đại diện các tổ chức quốc tế tham dự hội thảo

Tại hội thảo, bà Vũ Minh Hải, Trưởng nhóm CCWG và Quản lý chương trình về Nâng cao năng lực ứng phó của Oxfam tại Việt Nam chia sẻ các Bản tuyên bố lập trường của CCWWG về các vấn đề đồng lợi ích, giảm nhẹ BĐKH, kế hoạch thích ứng quốc gia. Theo kịch bản đồng lợi ích, thiết kế các chương trình lồng ghép cả thích ứng và giảm thiểu sẽ giúp đem lại những đồng lợi ích về môi trường và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Bản tuyên bố cũng đề xuất, quá trình rà soát và đánh giá cần có sự tham gia của mọi thành phần, thúc đẩy các sáng kiến lồng ghép thích ứng - giảm thiểu, phát triển lấy con người làm trung tâm trong Kế hoạch Thích ứng Quốc gia; Thiết lập các quỹ thực hiện và tập trung hơn vào hoạt động giám sát và đánh giá (M&E). Bên cạnh đó, ưu tiên xây dựng năng lực cho cơ quan quản lý cấp địa phương.

Trong quá trình cập nhật đánh giá, các tổ chức phi chính phủ có thể cung cấp các kết quả nghiên cứu liên quan hoặc hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu mới, góp ý về phương pháp, nội dung và kết quả phản biện về các lợi ích/tác động KT-XH của các đóng góp… Các đại biểu tham gia hội thảo đã có buổi trao đổi, thảo luận về những vướng mắc trong quá trình triển khai Thỏa thuận Paris, lộ trình cập nhật NDC của Việt Nam, những giaiar pahsp nhằm giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C…

Khánh Ly