Chương trình Việt Nam Tái chế: Kết nối hành động doanh nghiệp - người dân

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 05/10/2017

(TN&MT) - Việt Nam Tái Chế là chương trình thu hồi và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử bị lỗi hoặc đã qua sử dụng nhằm mục đích bảo đảm quy trình tái chế rác thải điện tử an toàn và thân thiện với môi trường. Chương trình khởi động tại Việt Nam từ 1/2015. Để biết rõ hơn về những kết quả đã đạt được phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Monina De Vera, Giám đốc phụ trách thu hồi sản phẩm của Công ty HP khu vực Châu Á – TBD, sáng lập viên chương trình Việt Nam Tái chế.
Bà Monina De Vera, Giám đốc phụ trách thu hồi sản phẩm của Công ty HP khu vực Châu Á – TBD, sáng lập viên chương trình Việt Nam Tái chế.
Bà Monina De Vera, Giám đốc phụ trách thu hồi sản phẩm của Công ty HP khu vực Châu Á – TBD, sáng lập viên chương trình Việt Nam Tái chế.

PV: Thưa bà, ở Việt Nam, Chương trình này được thực hiện như thế nào?

Bà Monina De Vera: Để đảm bảo gia tăng lượng rác thải điện tử được đưa vào tái chế, Chương trình đã lựa chọn, đào tạo và kiểm tra các cơ sở xử lý được cấp phép tái chế rác thải điện tử và thiết lập một quy trình chung cho tất cả các vật liệu được đưa vàotái chế. Vai trò của các nhà sản xuất trong việc thu gom rác thải điện tử cũng đã được Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh trong Quyết định 16, có hiệu lực từ đầu tháng 7/2016. Theo đó, các nhà sản xuất có trách nhiệm thi hành giải pháp thu gom các thiết bị điện, điện tử đã qua sử dụng hoặc bị hỏng của họ.

Như vậy, các thiết bị điện, điện tử như, laptop, điện thoại, ti vi, đầu đĩa, máy ảnh… sau khi không thể sử dụng sẽ được chuyển đến trung tâm xử lý chất thải độc hại để phân loại, tổ chức tháo dỡ và  bóc tách các linh kiện điện tử theo từng mục đích có thể tái sử dụng. Những linh kiện không còn giá trị sử dụng sẽ được đưa đi phân hủy trong một quy trình khép kín, không gây ô nhiễm môi trường.

Chương trình Việt Nam Tái Chế hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện của người tiêu dùng. Bên cạnh việc thu gom miễn phí rác thải điện - điện tử, Chương trình còn giáo dục người dân ý thức về những tác hại nguy hiểm của rác thải điện tử, từ đó, họ tự nguyện mang các thiết bị không còn giá trị sử dụng đến các điểm thu gom, hình thành những thói quen thu gom xử lý rác thải điện tử một cách khoa học… Ngoài ra, Chương trình cũng nhằm mục đích hỗ trợ cho các nhà sản xuất sản phẩm điện tử nâng cao trách nhiệm trong việc thu nhận, xử lý và tái chế các thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp hết niên hạn sử dụng.

PV: Bà có thể chia sẻ những kết quả nổi bật của chương trình Việt Nam Tái chế đã làm được trong hơn 2 năm qua?

Bà Monina De Vera: Sau hơn 2 năm, chương trình Việt Nam Tái chế đã thành lập được 10 điểm thu gom rác thải điện tử cố định tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Việt Nam Tái Chế đã thu hút cộng đồng bằng cách tổ chức hoặc tham gia vào các sự kiện như Ngày hội Tái chế, thiết lập các Điểm thu gom rác thải điện tử, Chiến dịch thu gom rác thải điện tử tại từng hộ gia đình... Đồng thời, chương trình cũng mở rộng hoạt động thêm trên trang Fanpage mang tên Việt Nam Tái chế, được cập nhật liên tục và kêu gọi mọi người tái sử dụng/giảm/tái chế rác thải điện tử đúng cách; thường xuyên thực hiện các hoạt động tuyên truyền sâu rộng thông qua các phương tiện truyền thông chính thống và thuyết trình tại nhiều sự kiện khác nhau cho đối tượng khán giả là các doanh nghiệp.

Người dân sôi nổi hưởng ứng thu gom rác
Người dân sôi nổi hưởng ứng thu gom rác

PV: Theo bà, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục phát huy cũng như đảm bảo việc tái chế rác thải điện tử hiệu quả?

Bà Monina De Vera: Hiện nay, Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng khi chủ động và quyết liệt xử lý vấn đề sản phẩm điện tử thải bỏ. Tuy vậy, để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được Việt Nam ban hành chính sách hướng dẫn cụ thể cho việc triển khai hoạt động tái chế để từ đó có nhiều nhà sản xuất tham gia vào chương trình này; chính quyền các cấp địa phương cần tăng cường vai trò và sự phối hợp với các công ty đang triển khai việc thu hồi, tái chế rác thải điện tử trên lãnh thổ Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 10 tấn rác thải điện tử được thu gom và xử lý; Chương trình đã triển khai 4 đợt thu gom rác thải tới tận hộ gia đình tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với trên 10.000 hộ đã được thu hồi; trang web Fanpage Vietnam “Việt Nam Tái chế” đã có hơn 8.000 người quân tâm, theo dõi và ủng hộ...

Hiện chương trình mới chỉ tiếp cận được trên 10.000 hộ tương đương khoảng hơn 4 vạn dân, trong khi theo thống kê dân số Việt Nam là trên 90 triệu dân. Vì vậy để thuyết phục người dân lựa chọn một giải pháp tái chế chuyên nghiệp cho sản phẩm điện tử thải bỏ cần nỗ lực hơn nữa trong việc giáo dục và truyền thông.

Chương trình “Việt Nam Tái chế” đang rất cần sự thừa nhận và ủng hộ tích cực từ tất cả chúng ta, bao gồm nhà sản xuất, cơ quan chức năng và người tiêu dùng.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Huy An (thực hiện)