Thừa Thiên Huế: Cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 02/10/2017

(TN&MT) - Theo kịch bản BĐKH do Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố, trong đó có kịch bản BĐKH cho Thừa Thiên Huế. Về nhiệt độ, đến năm 2020 tăng 0,5°C so với thập niên 1980-1999. Về nước biển dâng đến năm 2020 dâng cao 9cm và làm ngập khoảng 300 ha. Mực nước biển dâng đến cuối thế kỷ 21 khu vực Trung Trung Bộ trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế theo kịch bản đến năm 2050 dâng lên 25cm và đến 70cm vào cuối thế kỷ.
Trồng rừng ngập mặn nhằm chống xói lở và biển xâm nhập
Trồng rừng ngập mặn nhằm chống xói lở và biển xâm nhập

Đe dọa sinh kế

Hiện tượng nước biển dâng sẽ tác động đến các công trình xây dựng, trong đó có hệ thống đê điều, giao thông, cảng cá, nhà cửa, sinh kế người dân ven biển, ven sông và bảo tồn đa dạng sinh học. Dự báo, tình trạng BĐKH sẽ còn tác động xấu trong nhiều năm tiếp theo với mức độ càng lớn hơn.

Theo dự báo, đến năm 2020, cường độ và tần suất bão, lũ và các loại thiên tai như lốc tố, trượt đất, sạt lở bờ sông, bờ biển tăng mạnh gây thiệt hại hằng năm khoảng 10% GDP của Thừa Thiên Huế. Trong đó, tác động lớn nhất đe dọa sự phát triển bền vững của tỉnh này là nước biển dâng do BĐKH. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu mực nước biển dâng 0,5m thì diện tích bị ngập ven biển và đầm phá của Thừa Thiên Huế mất khoảng 5,2% đến 5,6% diện tích toàn tỉnh, số người bị ảnh hưởng gần 9.000 người; gây thiệt hại cho tỉnh khoảng 33% GDP, bao gồm 7,92% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp, 0,92% giá trị công nghiệp và 22% giá trị ngành du lịch. Nếu nước dâng 1m thì diện tích ngập chiếm tỷ lệ 6,34%- 7,1% diện tích toàn tỉnh với 27.230 người bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, một số diện tích đất nông nghiệp cũng phải chuyển mục đích sử dụng sang làm nhà ở, các công trình công cộng để phục vụ cho việc di dân, tái định cư cho người dân vùng bị ngập, sạt lở, vùng có nguy cơ cao…

Thừa Thiên Huế có đến hơn 70% dân số sống ở nông thôn liên quan đến nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và tài nguyên nước. Trong khi đó, nông nghiệp, thủy sản là ngành bị tác động mạnh mẽ nhất bởi BĐKH. Thừa Thiên Huế có diện tích trồng lúa phần lớn tập trung ở vùng đồng bằng thấp trũng của các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy và Phú Lộc với diện tích gieo trồng khoảng 56 - 58 ngàn ha, trong đó có khoảng 40 ngàn ha đang được sử dụng để trồng lúa và cây hàng năm như lạc, ngô, rau màu. Đây là vùng đất thấp trũng với cao độ từ -0,5m đến +3m, hệ thống đê bao thấp, nằm sát dọc theo hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và cửa biển Thuận An - Tư Hiền.

Biển xâm thực vào vùng dân cư
Biển xâm thực vào vùng dân cư

Sản xuất ngư nghiệp cũng là ngành dễ bị tổn thương do BĐKH thể hiện qua các loại hình thiên tai. Nhiều tuyến đê biển, phương tiện, ngư cụ bị phá hủy do những đợt sóng dữ. Mưa bão làm cho hoạt động đánh bắt thủy hải sản bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân. Lượng mưa biến động tăng ảnh hưởng đến độ mặn, ngọt của nước, làm phá vỡ hệ sinh thái đặc trưng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, suy giảm nguồn lợi thủy sản nước lợ cũng như ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản của cộng đồng ven đầm phá.

Cùng với cửa biển Thuận An (Phú Vang), cửa Tư Hiền (Phú Lộc) cũng được mở vào cơn lũ năm 1999 đã trở thành hai địa điểm tiếp biến, giao thoa giữa hệ sinh thái (HST) đầm phá và HST ven biển, giúp cho nguồn sinh vật phong phú, đa dạng, là nơi vào ra của tàu thuyền. Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng đến môi trường, khu vực địa lý, thủy văn thay đổi (nước biển vào, các dòng sông đổ về) làm ngọt hoặc mặn hóa nguồn nước, kéo theo đó là sự thích nghi hoặc loại bỏ các loài trong hệ đầm phá đã làm hạn chế nguồn lợi thủy sinh. Nhiều loài động vật trên cạn có giá trị buộc phải di cư, một số loài thực vật, loài cá biến mất do thay đổi môi trường, dòng nước,thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thuỷ quyển, sinh quyển, các địa quyển...

Trong khi đó, địa hình các xã trên địa bàn huyện Phú Vang khá phức tạp. Một bên là biển, một bên là phá, khoảng cách có đoạn chưa đầy 1km, do đó dọc hai bên bờ biển đang chịu ảnh hưởng của sạt lở và nước biển dâng. Chỉ tính riêng trong vòng 5-7 năm trở lại đây, nước biển lấn sâu bình quân 3-5m, có đoạn sâu nhất trên 10m. Đặc biệt khu vực có người dân định cư ven biển như các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Thị trấn Thuận An, Vinh Xuân, Vinh An, Vinh Thanh hàng năm phải di dời một số lượng lớn những hộ nằm trong vùng sạt lở. Toàn huyện Phú Vang đã di dời và định cư 470 hộ, trong đó có gần 100 hộ di dời do sạt lở.

Biện pháp ứng phó

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thừa Thiên Huế tập trung nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại những vùng có nguy cơ cao, trong đó tập trung chuyển đổi các vùng ô đầm sâu trũng đang sản xuất hai vụ lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản hoặc chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cho phù hợp, tránh điều kiện bất lợi của thiên tai.

Nhân dân ngăn chặn nạn xâm thực bờ biển tại xã Hải Dương, Thừa Thiên Huế
Nhân dân ngăn chặn nạn xâm thực bờ biển tại xã Hải Dương, Thừa Thiên Huế

Dự báo biến động của thời tiết khí hậu để bố trí thời vụ sản xuất hợp lý, tránh những điều kiện bất lợi, chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sản xuất cho từng giai đoạn của từng loại cây trồng.

Đặc biệt, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để né tránh tác động của BĐKH, tạo năng suất, chất lượng cao và bảo vệ môi trường. Đối với mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các lĩnh vực công nghệ thường được ứng dụng là tạo giống bằng công nghệ nuôi cấy mô (hoa, cây ăn quả), lai tạo giống cây năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Cùng với đó là có phương pháp canh tác hữu cơ bảo đảm sạch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng vật liệu mới che phủ để chống cỏ dại, giữ ẩm đất, có thể tự phân hủy khi cây lớn, sử dụng các phế liệu nông nghiệp như trấu, mùn cưa… làm giá để trồng cây, đảm bảo vô trùng, thoáng khí, giữ ẩm tốt.

Tự động hoá, cơ giới hoá trong các quá trình sản xuất, vận chuyển sản phẩm, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản và đặc biệt là kỹ thuật trồng cây trong nhà kính từ đơn giản đến hiện đại (có hệ thống điều khiển tự động, hoặc bán tự động đối với các yếu tố: nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, phân bón, nước tưới) nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên.

Bến neo đậu tàu thuyền xã Phú Hải, huyện Phú Vang
Bến neo đậu tàu thuyền xã Phú Hải, huyện Phú Vang

Nghiên cứu, khảo nghiệm các giống cây trồng có khả năng chịu úng, mặn, hạn, rét... để bố trí sản xuất trên các diện tích bị ảnh hưởng nhằm đem lại năng suất cao và ổn định.

Xây dựng và thực hiện các chương trình dự án trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng rừng trên vùng cát nội đồng, ven biển, đặc biệt cần quan tâm đến khôi phục và mở rộng diện tích rừng ngập mặn ven biển và đầm phá để hạn chế và giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, cải tạo hệ sinh thái của một số tiểu vùng (cát nội đồng).

Trong lĩnh vực thủy lợi và tài nguyên nước, phòng chống thiên tai, quy hoạch phát triển đê sông, đê bao, hệ thống tưới tiêu, đặc biệt là nâng cao các đê kè ven sông,nhằm bảo vệ và khai thác hiệu quả diện tích canh tác. Đánh giá, quy hoạch tài nguyên nước có xét đến tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu nước tăng cao.

Trong lĩnh vực thủy sản, hoàn nguyên các vùng nuôi đầm phá, vùng nuôi kém hiệu quả. Tập trung cho vùng nuôi cao triều, nuôi trên cát. Những vùng nuôi nhạy cảm bởi biến đổi thời tiết, xây dựng các mô hình nuôi lồng, nuôi đăng chắn đơn giản.

Khuyến khích những tổ chức, cá nhân khi có đủ nguồn lực mới tham gia hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (sản xuất giống, nuôi thâm canh...). Quản lý các hoạt động đánh bắt xa bờ. Một số cơ sở chế biến thủy hải sản trong vùng ven bờ luôn có phương án chủ động về nguồn nguyên liệu và gắn kết với các vùng nuôi trồng thủy sản và các đội tàu đánh bắt.

Hoàn thành việc di dời, sắp xếp và ổn định đời sống của nhân dân trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Phối hợp nhịp nhàng các lực lượng cứu hộ, cứu nạn để chủ động đối phó các tình huống cấp bách xảy ra, tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị để phát triển nguồn nhân lực phục vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với các sự cố. Nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống đê biển, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hồ chứa nước lớn, các hồ chưa có tầm quan trọng đặc biệt. Đồng thời, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn cho ngư dân trên biển, hoàn thành 100% việc xây dựng các vị trí neo đậu tàu thuyền tránh trú bão theo quy hoạch được phê duyệt.

Đức Bình - Quốc Toàn