Thừa Thiên Huế: Biển xâm thực đe dọa gần 700 hộ dân Vinh Hải
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 24/09/2017
Tình trạng xâm thực biển đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân nơi đây |
Biển “liếm” rừng phòng hộ, hàng trăm hộ dân lo lắng
Vinh Hải là xã ven biển thường xuyên hứng chịu nhiều thiên tai, bão lụt, nhất là tình trạng xâm thực bờ biển. Trung bình mỗi năm, nơi đây nước biển ăn sâu vào đất liền từ 10 – 15m, đe dọa trực tiếp đến hàng trăm hộ dân ven biển. Đặc biệt, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa qua đã khiến bờ biển nơi đây bị sạt lở càng thêm nghiêm trọng, rừng phòng hộ ven biển cũng có nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi. Cuộc sống của người dân nơi đây đã khốn khó nay lại càng khó khăn.
Nói về tình trạng xâm thực biển đang diễn ra hằng ngày trên mảnh đất mình sinh sống, ông Phan Văn Vui (trú ở thôn 3, xã Vinh Hải) không giấu được nổi lo lắng trên khuôn mặt cho biết: “Hơn 15 năm trước, vợ chồng tôi ra đây dựng nhà ở làm ăn sinh sống. Khi đó, bờ biển cách nhà cả cây số. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, tình trạng xâm thực diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Tính đến thời điểm hiện tại, bờ biển chỉ cách nhà tôi chưa đầy 30m.
Rừng cây phi lao trồng dọc biển sau mỗi mùa bão lại thu hẹp dần |
Đặc biệt, vào cuối năm 2016 do ảnh hưởng của thiên tai đã khiến nơi đây bị xâm thực càng nghiêm trọng. Mùa mưa bão đang đến gần, với tốc độ nhanh chóng như hiện nay thì việc nước biển biển xâm thực và cuốn trôi nhà dân là hoàn toàn có thể xảy ra”.
Theo người dân cho biết, trước đây dọc biển có rừng cây phi lao phòng hộ rất rộng lớn. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của thiên tai, đã làm diện tích rừng phòng hộ ven biển nơi đây thu hẹp đáng kể. Nghiêm trong hơn, việc biển xâm thực đã khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp nơi đây bị nhiễm mặn, khiến người dân không thể canh tác, trồng lúa như trước đây.
Để bảo vệ đất đai hoa mầu, người dân đã mua bao cát về làm đê tạm bợ |
Vừa chỉ tay vào hàng phi lao, ông Nguyễn Công (xã Vinh Hải) nghẹn ngào: “Cứ mỗi mùa mưa bão đi qua, rừng phi lao phòng hộ mà ông bà chúng tôi trồng trước đây lại hẹp dần. Chú xem! Giờ hàng phi lao bị thu hẹp chỉ còn hơn chục mét! Con đường dọc bờ biển mà nhà nước làm cho dân chúng tôi đi lại trước sau gì cũng bị sóng biển cuốn mất”. Ông Công cho biết thêm, do biển xâm thực sâu vào đất liền khiến nhiều diện tích đất trồng lúa của người dân bị nhiễm mặn nên không trồng trọt gì được. Cả làng chỉ trông cậy vào đồng ruộng này để khỏi đi mua gạo ăn hàng ngày, nay như vậy đã khiến người dân nơi đây rất lo lắng.
Mong có đê chắn sóng để người dân yên tâm bám biển
Tình trạng xâm thực biển đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Mong ước của người dân nơi đây là có được một con đê chắn sóng vững chắc dọc chiều dài bờ biển Vinh Hải, như vậy người dân nơi đây ổn định cuộc sống, yên tâm bám biển.
Tình trạng xâm thực biển đang diễn ra ngày càng phức tạp |
Anh Vũ Văn Hòa thổ lộ: “Là người dân sinh sống ở đây đã lâu, tôi mong muốn các cấp, các ngành có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Chúng tôi lo ngại cho ngôi nhà của mình. Mong rằng, có con đê chắn sóng dọc ven biển Vinh Hải để người dân chúng tôi ổn định cuộc sống, giữ nhà, đất đai, hoa mầu để yên tâm bám biển”.
Trao đổi với ông Nguyễn Hữu- quyền Chủ tịch UBND xã Vinh Hải, ông Hữu cho biết, tình trạng xâm thực bờ biển tại địa phương đã xảy ra từ lâu và ngày càng một nghiêm trọng. Trong 15 năm trở lại đây, mỗi năm xã Vinh Hải bị biển xâm thực hơn 10m sâu vào đất liền gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gần 700 hộ dân tại đây.
Mong muốn của người dân là có một con đê vững chắc để yên tâm bám biển |
“Năm 2014-2015, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí kè đê biển tạm thời với chiều dài 110m, nhưng đến cuối năm 2016, tình hình xâm thực ngày càng phức tạp, nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Tại thôn 4 sóng đánh mạnh làm trổ cửa biển dài 35m và toàn tuyến tiếp tục bị xâm thực mạnh vào đất liền.
Trước tình hình đó, xã đã xin hỗ trợ 3,5 tỷ đồng để xử lý 300m đê biển xung yếu. Sau cơn bão số 10 vừa qua, tình hình sạt lở càng trở nên nghiêm trọng hơn, kè bao cát ở nhiều đoạn có nguy cơ bị sóng đánh vỡ. Vì vậy, kính đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ xây đê kiên cố hóa để người dân an tâm sinh sống và bám biển”- ông Hữu trao đổi.
Bài & ảnh:Đức Linh