Doanh nghiệp phải chuyển đổi công nghệ
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 19/09/2017
Xung quanh vấn đề này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn Tiến sĩ Lê Hoàng Lan, Phó Viện trưởng Viện sinh thái và Môi trường - đơn vị đã phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) tiến hành khảo sát, đánh giá tác động của Sửa đổi, bổ sung Kigali tới Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Hoàng Lan, Phó Viện trưởng Viện sinh thái và Môi trường |
PV: Trong điều kiện Việt Nam là một nước đang phát triển, việc sử dụng các chất thay thế HFC và quá trình chuyển đổi công nghệ từ các chất HFC sang các chất làm lạnh thân thiện khí hậu sẽ có ảnh hưởng gì, thưa Tiến sĩ?
TS. Lê Hoàng Lan: Đối tượng chịu tác động chủ yếu từ hoạt động loại trừ các chất HFC theo Sửa đổi, bổ sung Kigali là các đơn vị làm lạnh và điều hòa không khí đang sử dụng HCFC và HFC. Việt Nam đang đối mặt với việc gia tăng dân số và phát triển kinh tế dẫn tới gia tăng nhu cầu về điện lạnh và điều hòa không khí. Bởi vậy, việc giảm dần sản xuất và tiêu thụ các chất HFC thúc đẩy các cải tiến đáng kể về hiệu suất năng lượng của thiết bị, giúp tiết kiệm chi phí và các lợi ích về môi trường.
So với các giải pháp giảm thiểu BĐKH khác, việc kiểm soát HFC nhìn chung có hiệu quả về chi phí và trong nhiều trường hợp có thể dễ thực hiện hơn. Như vậy, tham gia Sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ hỗ trợ đắc lực cho thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế khi tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH cũng như triển khai Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh.
Nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng các chất thay thế cho HFC ở các nước đang phát triển có nhiều khó khăn, đặc biệt, kinh phí cho việc chuyển đổi từ các chất HFC sang các chất làm lạnh thân thiện khí hậu hơn là một thách thức lớn khi chưa có giải pháp rõ ràng về công nghệ vàhỗ trợnguồn lực tài chính để chuyển đổi. Tuy vậy, nếu tính toán đầy đủ chi phí vòng đời, bao gồm cả chi phí khắc phục hậu quả phát thải khí nhà kính do sử dụng các chất HFC, khó khăn này có thể được giảm nhẹ hoặc thậm chí được dỡ bỏ.
Qua khảo sát thu thập thông tin trong tháng 7/2017 đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, có đến 55% số doanh nghiệp khảo sát sẵn sàng chuyển đổi công nghệ theo quy định, 33% đồng ý chuyển đổi nếu được hỗ trợ về kinh phí và tư vấn kỹ thuật. Điều đó cho thấy, việc việc loại trừ dần việc sản xuất, tiêu thụ (kể cả nhập khẩu) các chất HFC không phải là quá sức với các doanh nghiệp. Sự tham gia và ủng hộ của giới doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công của việc thực hiện Thỏa thuận Kigali ở Việt Nam.
PV: Khi Việt Nam tham gia Sửa đổi, bổ sung Kigali, những tác động về mặt kinh tế đối với các doanh nghiệp có sử dụng HFC tại Việt Nam là gì, thưa Tiến sĩ?
TS. Lê Hoàng Lan: Việc thay thế môi chất lạnh mới cần số tiền đầu tư rất lớn lên đến hàng trăm nghìn USD để chuyển đổi sang công nghệ hoàn toàn mới. Ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, bao gồm chi phí quảng bá sản phẩm mới, chi phí đào tạo đào tạo kỹ thuật viên bảo dưỡng, sẽ dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đây là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam và nhiều doanh nghiệp chưa ước tính được chi phí này.
Hướng dẫn chuyển giao công nghệ thiết bị lạnh HC 290 thay thế HCFC 22 |
Tuy vậy, việc sử dụng môi chất lạnh thân thiện với khí hậu sẽ đem lại lợi ích kinh tế do tăng hiệu quả sử dụng năng lượng lên 10% - 20% và có thể còn cao hơn khi áp dụng các công nghệ tốt nhất hiện có. Nghiên cứu phân tích hiệu quả kinh tế khi đầu tư mới thiết bị lạnh NH3 cho ngành chế biến thủy sản đã chỉ ra, mỗi năm hoạt động, băng chuyền cấp đông NH3 công suất 500 kg/giờ giúp tiết kiệm được 72.000 kwh so với băng chuyền cấp đông HCFC22 và giảm chi phí điện hàng năm từ 42.120 USD (khi sử dụng HCFC22) xuống còn 36.360 USD (khi sử dụng NH3). Nếu đầu tư băng chuyền cấp đông NH3 loại tiết kiệm điện sẽ giúp tiết kiệm 27.683 USD chi phí đầu tư và chi phí vận hành quy về giá trị năm 2015 do chi phí vận hành thấp và không phải chuyển đổi qua bước trung gian từ HCFC22 sang HFC. Các kết quả tương tự cũng được chỉ ra khi tính toán cho trường hợp tủ đông, máy đá và kho lạnh trong ngành chế biến thủy sản.
Việt Nam không sản xuất các chất HFC. Các chất HFC được nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng ở Việt Nam. Cần lưu ý là Việt Nam sẽ không thể mua bán các chất HFC với các nước đã phê chuẩn từ ngày 1/1/2033, do Nghị đinh thư cấm buôn bán với nước không phê chuẩn. Nếu hầu hết các nước sản xuất hóa chất phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali, ngành công nghiệp sử dụng HFC của Việt Nam sẽ bị tổn hại nặng do nguồn cung bị cắt vào năm 2033. Kết quả khảo sát trong tháng 7/2017 cho thấy, các nhà nhập khẩu môi chất lạnh lớn ở Việt Nam cho rằng, việc nhập khẩu loại môi chất lạnh mới phụ thuộc vào thị trường cung cấp và nhu cầu thực tế, vì vậy, họ sẵn sàng thực hiện theo quy định chung về việc loại trừ dần các chất HFC.
Ngoài ra, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát đồng thuận là việc chuyển đổi công nghệ, thay thế môi chất lạnh thân thiện khí hậu hy vọng sẽ đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước phát triển, nơi sẽ thực thi Sửa đổi, bổ sung Kigali cấm nhập khẩu các sản phẩm có liên quan đến sử dụng các chất HFC.
PV: Các doanh nghiệp cần chuẩn bị như thế nào để tiếp cận các hỗ trợ tài chính từ Quỹ Đa phương, thưa Tiến sĩ?
TS. Lê Hoàng Lan: Về giải quyết thách thức tài chính, một trong những nội dung quan trọng của Sửa đổi, bổ sung Kigali là cơ chế tài chính - Quỹ Đa phương cung cấp hỗ trợ cho các nước đang phát triển. Thực hiện theo lộ trình, Chính phủ Việt Nam sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế hỗ trợ về giá đối với công nghệ sử dụng chất thay thế cho HFC, kết hợp tối đa hóa lợi ích khí hậu khi giảm dần các chất HFC với khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho từng giai đoạn, từng ngành cụ thể.
Về phía doanh nghiệp, để huy động được hỗ trợ tài chính của quốc tế cần nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc đảm bảo thay thế HFC đúng lộ trình và áp dụng các công nghệ thân thiện với khí hậu bền vững nhằm khai thác hiệu quả nguồn đầu tư kinh phí từ các Quỹ Đa phương và các hỗ trợ tài chính liên quan từ các nguồn tài trợ quốc tế khác.
PV:Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Khánh Ly (thực hiện)