Bà Rịa – Vũng Tàu: Tập trung xử lý nước thải y tế ở các tuyến cơ sở

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 10/09/2017

(TN&MT) -  Hiện nay,  hầu hết trạm y tế trên địa bàn tỉnh này vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải nên nước thải ở các cơ sở  y tế này...

 

(TN&MT) -  Hiện nay,  hầu hết trạm y tế trên địa bàn tỉnh này vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải nên nước thải ở các cơ sở  y tế này vẫn đang được thải trực tiếp ra môi trường.

Phát  sinh “mầm bệnh” từ cơ sở khám chữa bệnh

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, trong nước thải y tế ngoài những yếu tố ô nhiễm thông thường còn có những chất bẩn khoáng và chất hữu cơ đặc thù, vi khuẩn gây bệnh, các dung môi hóa học, dư lượng thuốc kháng sinh và có thể có các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh. Nếu xử lý nước thải y tế không tốt sẽ có nhiều nguy cơ Phát  sinh “mầm bệnh”, bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đối với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, hệ thống xử lý nước thải ở các Bệnh viện, Trung tâm y tế tuyến huyện (tuyến trên) đã được đầu tư và đang hoạt động ổn định; đầu ra của nước thải sau xử lý đều đạt tiêu chuẩn theo Quy chuẩn Quốc gia về nước thải y tế QCVN 28:2010/BTNMT của Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Thăm khám sức khỏe cho người dân tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ)
Thăm khám sức khỏe cho người dân tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ)

Tuy nhiên, đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã (Trạm y tế) và phòng khám đa khoa khu vực thì chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế.  Điều này, không những làm tăng nguy cơ phát sinh “mầm bệnh” mà còn gây  khó khăn cho ngành y tế đồi với việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Cũng theo Sở  Y tế, đến nay, các trạm y tế tuyến xã đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại theo chuẩn như: máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm, ghế nha và triển khai điều trị đông tây y phối hợp. Hầu hết các trạm y tế đều có giường bệnh và có bác sỹ nên lượng người tới khám và điều trị khá đông. Theo đó, một ngày, mỗi trạm y tế phát sinh từ 1m3 nước thải y tế trở lên, nhưng vẫn đang được xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người dân.

Nhanh chóng đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế

Ông Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Trước thực trạng trên, Sở Y tế đã phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát việc đầu tư xử lý nước thải cho các Trạm Y tế. Ngày 10/11/2016  Sở Y tế đã có tờ trình số 3392/TTr-SYT về việc xin chủ trương cho phép đầu tư các trạm xử lý nước thải cho các trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực toàn tỉnh từ nguồn kinh phí không thường xuyên năm 2017. Ngày 29/6/2017, Sở Y tế đã có công văn số 2074/SYT-KHTC gửi Sở Tài chính xin đầu tư ưu tiên đầu tư trạm xử lý nước thải cho trạm y  tế và phòng khám khu vực có số lượt khám trên 30 lượt/1 ngày. Hiện nay, Sở Tài chính đang thẩm định trình để UBND tỉnh.

Trạm Y tế phường 4 (TP. Vũng Tàu)
Trạm Y tế phường 4 (TP. Vũng Tàu)

Ông Phạm Minh An cũng cho biết thêm, căn cứ trên nhu cầu thực tế để đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế cho 80 trạm y tế và 4 phòng khám đa khoa khu vực. Theo đó, trước mắt, ưu tiên đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế cho 21 trạm y tế và 4 phòng khám khu vực có đông bệnh nhân, với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng (giai đoạn 1, thực hiện trong năm 2018). Công suất hệ thống xử lý nước thải cho các trạm y tế là 2m3/ngày đêm và các phòng khám đa khoa khu vực là 4m3/ngày đêm. Sau đó, sẽ đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế cho 59 trạm y tế còn lại với tổng kinh phí hơn 38 tỷ đồng (giai đoạn 2, thực hiện trong năm 2019).

Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết:  UBND tỉnh đã đồng ý với chủ trương đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế cho các trạm y tế và phòng khám khu vực trên địa bàn tỉnh. Giao Sở Y tế là đấu mối, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án trong năm 2017. Đồng thời, cần xây dựng phương án quản lý, sử dụng và vận hành hệ thống xử lý nước thải hiệu quả sau khi hoàn thành việc đầu tư...

                                                                     Linh Nga