Những dòng kênh "chết" giữa lòng phố
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 31/08/2017
Một đặc điểm chung của các dòng kênh ở Đà Nẵng là nằm giữa các khu dân cư, nguồn nước thải, nước mưa, bùn đều thải xuống lòng kênh, nhưng lâu năm không được nạo vét nên đáy kênh bị ô nhiễm nặng, lượng khí mê tan rất cao. Theo quan sát, hầu hết các dòng kênh đều bẩn, có mùi hôi. Theo ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng: Nhiều năm qua, cá tại một số dòng kênh đã chết do ô nhiễm nguồn nước như kênh Đa Cô, Phần Lăng…
Do nguồn nước thải, nước mưa, bùn đều thải xuống lòng kênh, nhưng lâu năm không được nạo vét nên đáy kênh bị ô nhiễm nặng, lượng khí mê tan rất cao |
Tại dòng kênh Yên Thế - Bắc Sơn nối dài xuống hồ Trung Nghĩa, nước đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc. Ở phía hạ nguồn dẫn vào hồ chứa nước Trung Nghĩa, nhiều rác thải, bao ni-lông, thỉnh thoảng có một vài con cá chết nổi lềnh bềnh. Tại tuyến kênh Đa Cô, tình trạng cũng tương tự. Nước dưới kênh đen ngòm từ đầu kênh đến cuối kênh. Nhiều người dân sinh sống hai bên tuyến kênh Đa Cô cho biết, có những lúc mùi hôi bốc lên nồng nặc. Tình trạng này diễn ra từ lâu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Trước đó, tại Kênh Đa Cô (quận Liên Chiểu), cá chết hàng loạt, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người dân sống cạnh kênh Đa Cô cho biết, cá rô phi nổi trắng ngay tại một cửa xả, mùi hôi bốc lênh nồng nặc. Ngay sau đó, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đã tiến hành xử lý hiện trường. Ghi nhận của chúng tôi, dọc kênh Đa Cô nước đen ngòm. Nhiều cửa xả nước thải chảy ra trào bọt trắng xóa. Dưới dòng kênh (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng xuống khu vực Nhà máy Coca Cô la) nhiều con cá rô phi lừ đừ.
Ghi nhận của chúng tôi, ngoài Kênh Đa Cô ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều tuyến kênh hở khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng lâm vào tình trạng như vậy, đặc biệt là kênh Khe Cạn, Phần Lăng. Thực tế tại Kênh Phần Lăng (quận Thanh Khê) cho thấy, dọc tuyến kênh này ô nhiễm nặng. Trong đó, nặng nhất chính là hạ nguồn (đoạn từ đường Cù Chính Lan đến cầu Vượt Ngã ba Huế). Anh Dũng (ngụ đường Cù Chính Lan) cho biết, đoạn hạ nguồn kênh Phần Lăng luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng. Dưới dòng kênh, nước đen ngòm, đặc quánh, nhiều rác. Cuộc sống, việc kinh doanh buôn bán của người dân gặp nhiều khó khăn do ô nhiễm.
Tại tuyến kênh Khe Cạn cũng không khá hơn. Đây là phần nối tiếp từ kênh Phần Lăng, qua hồ Bàu Trảng nên ô nhiễm khá nặng từ nhiều năm nay. Nhiều người dân cho biết, những lúc nắng nóng, mùi hôi càng nặng hơn. Đặc biệt, những ngày gần đây, khi thời tiết nắng và nóng kéo dài, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. “Chúng tôi mong muốn thành phố xây nhanh tuyến kênh này để cuộc sống của dân không bị đảo lộn như nhiều năm qua…”, một người dân lo lắng.
Hiện tại, để giải quyết tạm thời ô nhiễm, Công ty Thoát và Xử lý nước thải tiến hành xử lý bằng việc phun chế phẩm, vớt rác tại các dòng kênh |
Để hạn chế ô nhiễm, công ty tiến hành dọn dẹp vệ sinh, phun chế phẩm để khử mùi. Ngoài ra, ngành môi trường phối hợp với các địa phương tiến hành nạo vét, khơi thông tại các tuyến cống rãnh, các dòng kênh… Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện nay, tại tuyến kênh Phần Lăng, thành phố đã đầu tư xây dựng hệ thống cống bao, khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ giảm bớt ô nhiễm cho tuyến kênh này.
Đối với tuyến kênh Khe Cạn, thành phố cũng đang triển khai làm cống hộp. Các tuyến kênh còn lại, thành phố sẽ đầu tư xây dựng cống bao trong thời gian tới. “Khi đã đầu tư hệ thống thu gom đưa về trạm xử lý nước thải Phú Lộc để xử lý thì tình trạng ô nhiễm như hiện nay sẽ giảm”, ông Mai Mã cho biết thêm.
Bài & ảnh: Xuân Lam