Trung tâm Quan trắc TN&MT tỉnh Sóc Trăng: Không phớt lờ những chế phẩm sinh học hữu ích trong BVMT

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 09/08/2017

  (TN&MT) – Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, Ths Diệp Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở...

 

(TN&MT) – Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, Ths Diệp Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng khẳng định: Trung tâm không phớt lờ những chế phẩm sinh học hữu ích trong công tác bảo vệ môi trường.

Gần đây, 2 chế phẩm sinh học - vi sinh vật xử lý hầm cầu vệ sinh (chế phẩm dạng bột, và chế phẩm dạng lỏng) với nhãn hiệu là ST BACILLI 1 và ST BACILLI 2 đã bị Công ty CP Chứng nhận và Giám định Vinacert ra quyết định đình chỉ hiệu lực giấy chứng nhận mà trước đó chính công ty này đã cấp giấy chứng nhận 2 chế phẩm này cho Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, gây khó khăn cho công tác xử lý ô nhiễm trên địa bàn tỉnh và xử lý ô nhiễm nguồn nước từ rơm rạ tại sông Xẽo Chích, xã Vĩnh Quới, TX. Ngã Năm. Bên cạnh đó, 2 sản phẩm vi sinh xử lý ô nhiễm hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản cũng có nguy cơ không được đưa vào thử nghiệm vì những lý do trên.

Ngày 9/8/2017, trao đổi với phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này, Ths Diệp Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng khẳng định Trung tâm không phớt lờ những chế phẩm sinh học hữu ích trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo Ths Diệp Tuấn Anh cho biết: Trong thời gian qua, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (gọi tắt là Trung tâm) luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các viên chức, người lao động tại đơn vị tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng các mô hình ứng dụng. Và nỗ lực nghiên cứu khoa học ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của tập thể đơn vị đã mang lại kết quả, cụ thể là tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ IX năm 2014-2015, tập thể viên chức Trung tâm có 02 giải pháp đạt giải nhì, đó là giải pháp “sản xuất chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường ST Bacilli” và giải pháp “Ứng dụng công nghệ yếm khí nhiều bậc trong xử lý nước thải cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ”.

Đây là thành quả và là niềm hãnh diện của người lao động tại Trung tâm, đồng thời tập thể người lao động tại Trung tâm cũng nhận thức rõ đây chỉ mới là kết quả nghiên cứu bước đầu. Bởi để có thể thương mại hóa sản phẩm, được cấp phép lưu hành thì cần phải đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, và tiến hành các thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật.

Không có khả năng đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị máy móc, nguồn nhân lực...

Liên quan đến việc Công ty CP Giám định và Chứng nhận Vinacert đình chỉ công nhận chế phẩm sinh học - vi sinh vật xử lý hầm cầu về sinh (chế phẩm dạng bột, và chế phẩm dạng lỏng) với nhãn hiệu là ST BACILLI 1 và ST BACILLI 2 phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn TCVN 7304-1:2003 và TCVN 7304-2:2003:   Thời gian qua, Trung tâm đã nghiên cứu thành công 02 chế phẩm sinh học dùng để xử lý hầm cầu vệ sinh và đã được Công ty cổ phần chứng nhận và giám định Vinacert chứng nhận chế phẩm sinh học - Vi sinh vật xử lý hầm cầu về sinh ST BACILLI 1 (chế phẩm dạng bột) và chế phẩm sinh học - Vi sinh vật xử lý hầm cầu về sinh ST BACILLI 2, (chế phẩm dạng lỏng), phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn TCVN 7304-1:2003 và TCVN 7304-2:2003, vào tháng 1/2016.

Theo Nghị định số 60/2016/NĐ-CP, ngày 1/7/2016, chế phẩm sinh học xử lý hầm cầu vệ sinh của Trung tâm muốn được  lưu hành thì phải được khảo nghiệm dưới sự giám sát của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, và nộp hồ sơ về Tổng cục Môi trường để xem xét đánh giá cấp giấy phép lưu hành.

Cũng theo Ths Ths Diệp Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng: Cuối năm 2016, theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm đã tiến hành những thủ tục để đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, do là đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính 100% và với thời gian hoạt động chưa lâu (từ năm 2008 đến nay), nguồn vốn tài chính tích lũy còn hạn chế. Nên việc đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị máy móc, nguồn nhân lực cho sản xuất và kinh doanh chế phẩm sinh học xử lý hầm cầu vệ sinh ST Bacilli 1 ST Bacilli 2, và đầu tư khảo nghiệm chế phẩm, nộp hồ sơ đăng ký lưu hành về cơ quan chức năng là vượt quá khả năng của đơn vị trong giai đoạn hiện nay; hơn nữa trong điều kiện sản phẩm vi sinh xử lý hầm cầu hiện nay rất đa dạng, việc cạnh tranh rất lớn. Do vậy, Trung tâm còn cân nhắc về hiệu quả kinh tế trong đầu tư sản xuất sản phẩm này nên chưa thể thực hiện được.

Với những lý do ở trên, nên trong Kế hoạch hoạt động năm 2017 của Trung tâm xây dựng và ban hành ngày 7/02/2017 không có dự kiến tiếp tục đầu tư sản xuất sản phẩm và cũng không bố trí nguồn lực cho nội dung này.

Thời gian gần đây, Trung tâm đã không tổ chức sản xuất chế phẩm sinh học xử lý hầm cầu vệ sinh ST Bacilli 1 và ST Bacilli 2 nên không có chế phẩm mẫu, không có hồ sơ về quá trình sản xuất, không có chế phẩm lưu hành trên thị trường (do sản phẩm chưa được phép lưu hành). Vì vậy, Trung tâm không có cơ sở để mời Công ty CP Chứng nhận và Giám định Vinacert đánh giá giám sát theo quy định tại điều 5 mục d thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật.

Từ những lý do trên nên, nên ngày 21/7/2017, hai chế phẩm sinh học xử lý hầm cầu vệ sinh ST Bacilli 1 và ST Bacilli 2 bị đình chỉ hiệu lực chứng nhận theo quyết định số 1991/QĐ-VICB, ngày 21/7/2017 của Công ty cổ phần chứng nhận và giám định Vinacert.

Trong thời gian tới, nếu điều kiện cho phép, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu việc đưa sản phẩm này vào sản xuất.

Việc trước đây Trung tâm có đưa sản phẩm để xử lý môi trường nước thải tại khu Công nghiệp An Nghiệp và tuyến kênh Lục Bà Tham xã Vĩnh Quới, TX. Ngã Năm mà báo Một Thế giới đề cập để kinh doanh là chưa đúng theo quy định vì đây là sản phẩm chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép lưu hành, vì vậy Trung tâm đã chủ động ngưng thực hiện việc này.

Về chế phẩm vi sinh phục vụ xử lý ô nhiễm hữu cơ môi trường ao nuôi thủy sản, Ths Diệp Tuấn Anh – Phó Giám đốc Trung Tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho rằng, sản phẩm này đã được Giám đốc Trung tâm công bố tiêu chuẩn chất lượng cơ sở dùng để phục vụ xử lý ô nhiễm hữu cơ.

Để triển khai đưa sản phẩm này vào nuôi trồng thủy sản, ngày 05/01/2017 Giám đốc Trung tâm đã có Công văn số 02b/CV-TTQTTNMT gởi Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn để xin ý kiến, và đã được Tổng cục Thủy sản trả lời tại văn bản số 612/TCTS-NTTS là chế phẩm có loài vi khuẩn Bacillus subtilis không cần khảo nghiệm nhưng để sản phẩm được lưu hành thì Trung tâm phải lập hồ sơ đăng ký tại khoản 2 điều 1 thông tư số 50/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2014.

Do nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực thuộc chức năng của ngành nông nghiệp, nên trong thời gian tới, Trung tâm sẽ trao đổi với tác giả theo hướng sẽ phối hợp hoặc chuyển giao công nghệ cho đơn vị có chức năng trong lĩnh vực nông nghiệp để lập thủ tục xin cấp phép lưu hành (nếu đủ điều kiện) và đưa vào phục vụ sản xuất.

Không thể lấy chế phẩm vi sinh xử lý hầm cầu để xử lý nguồn nước mặt 

 Liên quan đến việc xử lý ô nhiễm nước mặt tại sông Xẻo Chích, xã Vĩnh Quới, TX. Ngã Năm, Ths Diệp Tuấn Anh cho rằng, ngày 3/8/2017, Trung tâm có nhận Công văn số 11/ĐN.TNMT ngày 3/8/2017 của Phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Ngã Năm về việc xử lý môi trường nước bị ô nhiễm trên sông thuộc địa bàn xã Vĩnh Quới, TX. Ngã Năm. Sau khi nhận được văn bản trên, Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật xuống địa phương để khảo sát tình hình nhằm có giải pháp cùng địa phương khắc phục. Bước đầu xác định do việc thu hoạch lúa tập trung trong thời điểm mưa nhiều, nên một lượng rơm rạ trên đồng bị phân hủy theo nước chảy xuống kênh gây ô nhiễm nguồn nước. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt tại đoạn kênh này giải pháp sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý hầm cầu để xử lý nguồn nước mặt là không khả thi, nên Trung tâm đã trao đổi với địa phương khuyến cáo người dân về tình hình ô nhiễm nguồn nước mặt trên địa bàn để chủ động ứng phó hạn chế thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản, đồng thời có giải pháp kỹ thuật canh tác cho phù hợp, để hạn chế và khắc phục ô nhiễm môi trường từ rơm rạ trong thời gian tới.

Lê Hùng (thực hiện)