Cục viễn thám quốc gia: Tập trung đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về viễn thám
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 03/08/2017
Đến năm 2025, ngành viễn thám phấn đấu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị viễn thám trên vệ tinh, phát triển công nghệ phần cứng, phần mềm xử lý dữ liệu viễn thám, mở rộng và thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng viễn thám.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về viễn thám
Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám là yêu cầu cấp thiết. Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý và phát triển công nghệ viễn thám, Cục đã và đang thực hiện một số nhiệm vụ: xây dựng trình Chính phủ ban hành các Thông tư, Nghị định, Quyết định về hoạt động viễn thám; quy chế về quản lý, trao đổi và cung cấp thông tin viễn thám, về sử dụng chung các cơ sở viễn thám liên ngành; các tiêu chuẩn về viễn thám, bao gồm các quy trình, quy phạm xử lý và sử dụng tư liệu viễn thám vào các lĩnh vực chuyên ngành.
Đoàn công tác của Cục Viễn thám quốc gia làm việc với Sở TN&MT tỉnh Hải Dương |
Năm 2017, Cục đã trình Bộ trưởng ký ban hành các văn bản quy phạm phát luật về viễn thám: Thông tư số 08/2017/TT-BTNMT ngày 6/6/2017 của Bộ TN&MT quy định quy trình đo khống chế ảnh viễn thám; Thông tư số 09/2017/TT-BTNMT ngày 6/6/2017 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc quy định kỹ thuật xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia; Thông tư số 10/2017/TT-BTNMT ngày 6/6/2017 của Bộ TN&MT quy định quy trình thành lập bản đồ chuyên đề bằng ảnh viễn thám tỷ lệ 1:5.000, 1:10.000, 1:500.000, 1:1.000.000.
Bên cạnh đó, Cục đã hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật về phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám, nhằm đảm bảo đầu tư đồng bộ, thống nhất, an toàn an ninh công nghệ.
Học viên của khóa đào tạo chụp ảnh lưu niệm cùng ban lãnh đạo
|
Đẩy mạnh quản lý Nhà nước về viễn thám tại địa phương
Qua rà soát và tổng hợp tình hình quản lý Nhà nước về viễn thám cho thấy, hầu hết các địa phương hiện còn đang lúng túng trong việc ứng dụng công nghệ viễn thám. Do đó, Cục cần chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong các hoạt động quản lý Nhà nước về TN&MT ở địa phương; tiếp tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực viễn thám, trong đó, cần hướng dẫn và quy định rõ trách nhiệm trong ứng dụng và công tác quản lý Nhà nước về viễn thám tại địa phương; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật về phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám phù hợp với từng lĩnh vực TN&MT đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước của địa phương về viễn thám; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bổ sung kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, khai thác, sử dụng công nghệ viễn thám trong giám sát, quản lý TN&MT cho cán bộ chuyên môn của các Sở; hỗ trợ địa phương trong xây dựng kế hoạch, đề án, dự án về viễn thám trong địa bàn…
Cũng trong thời gian qua, Cục đã đẩy mạnh chỉ đạo các địa phương hoạt động và phát triển viễn thám theo tinh thần Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28/8/2014. Đến nay, đa số các Sở TN&MT của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có bộ phận phụ trách lĩnh vực viễn thám, bước đầu, được lồng ghép trong Phòng Đo đạc và Bản đồ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về viễn thám tại địa phương.
Năm 2017, công tác thanh tra, kiểm tra bắt đầu được chú trọng, Cục đã tổ chức được các đoàn công tác tiến hành kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về viễn thám và tình hình ứng dụng công nghệ viễn thám một số địa phương.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
Tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao về viễn thám, có am hiểu chuyên sâu về công nghệ vệ tinh viễn thám, hệ thống hạ tầng viễn thám,... là điều kiện tiên quyết đối với sự phát triển của ngành viễn thám, trước hết cần tập trung trang bị cho các cán bộ quản lý, kỹ thuật những thông tin, kiến thức cơ bản và thiết thực về công nghệ viễn thám phục vụ cho hoạt động tác nghiệp thường xuyên. Việc đào tạo, bồi dưỡng cần phải đảm bảo tính khoa học giữa khối kiến thức khoa học cơ bản với khối kiến thức chuyên ngành, chú trọng đến tính ứng dụng, tính đặc thù riêng biệt của công nghệ viễn thám phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng ngành, từng địa phương. Đồng thời, cập nhật những kiến thức mới, đảm bảo cơ cấu hợp lý trong kiến thức chuyên ngành tương ứng với trình độ chung của các nước trong khu vực, phấn đấu đạt trình độ quốc tế. Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đầu tư, xây dựng, phát triển cơ sở đào tạo; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực và đổi mới cơ chế, chính sách đãi ngộ, khuyến khích học tập, nghiên cứu về lĩnh vực viễn thám.
Cùng với đó, Cục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ, triển khai theo các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu quốc gia, các chương trình, đề tài và nhiệm vụ khoa học cấp Bộ, các dự án điều tra cơ bản và một số nhiệm vụ đột xuất. Các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Nhà nước và cấp Bộ TN&MT tạo ra các quy trình công nghệ mới phục vụ phát triển lĩnh vực viễn thám trên phạm vi cả nước, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng - an ninh…
Xác định việc hội nhập quốc tế về viễn thám tạo điều kiện cho lĩnh vực viễn thám tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và các đối tác quốc tế trên thế giới về tri thức, công nghệ, thông tin khoa học, trang thiết bị, tài liệu và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế sẽ giúp nâng cao trình độ khoa học, giao lưu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, tăng cường học hỏi kinh nghiệm và thông tin của các nước đi trước, tăng cường khả năng tiếp cận, tiếp thu kiến thức tiên tiến trong công nghệ viễn thám thời kỳ hiện đại, đáp ứng yêu cầu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ về viễn thám, đưa công nghệ viễn thám của Việt Nam tương ứng với trình độ chung của các nước trong khu vực và trên quốc tế.
Phát triển ứng dụng công nghệ viễn thám
Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TN&MT, Cục đã chủ trì thực hiện Dự án “Quy hoạch tổng thể lĩnh vực viễn thám giai đoạn 2015 - 2025”, trong đó định hướng giai đoạn 2015 đến 2025, sẽ mở rộng ứng dụng công nghệ viễn thám trong nhiều lĩnh vực, trên phạm vi cả nước như: Quản lý thống nhất biển - hải đảo; tài nguyên nước; khí tượng - thủy văn; địa chất - khoáng sản; điều tra quản lý tài nguyên rừng; điều tra, quản lý đất đai; đo đạc - bản đồ; nông nghiệp; thủy sản; giám sát và giảm nhẹ thiên tai; giám sát và bảo vệ môi trường; nghiên cứu khoa học; quy hoạch đô thị và thiết kế các công trình kinh tế - kĩ thuật lớn; phục vụ các nhiệm vụ an ninh - quốc phòng.
Hiện nay, Cục đã đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ mới và ứng dụng công nghệ viễn thám trong nhiều lĩnh vực, trên phạm vi cả nước như: “Giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng”. “Hiện chỉnh BĐĐH quốc gia tỷ lệ 1:50.000 bằng ảnh viễn thám: “Khu vực Biên giới Việt - Trung, Tây Bắc và Khu vực Nghệ An - Thanh Hóa”. “Xây dựng Cơ sở Dữ liệu viễn thám Quốc gia”. “Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia giai đoạn 2015 - 2025”. “Sử dụng công nghệ Viễn thám và GIS xây dựng cơ sở dữ liệu thành lập bản đồ diễn biến vùng ô nhiễm, vùng nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị nhằm đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ ô nhiễm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”. “Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám. “Kiểm kê quốc gia khí nhà kính năm 2016 trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) phục vụ xây dựng các Báo cáo quốc gia và đóng góp của Việt Nam cho Công ước khí hậu”…
Đồng thời, Cục Viễn thám quốc gia đã chủ động tiến hành làm việc với các Bộ, ngành, tỉnh, thành trong cả nước nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng viễn thám tại địa phương. Để thực hiện Dự án “Quy hoạch tổng thể lĩnh vực viễn thám giai đoạn 2015 - 2025”, Cục đã cử các đoàn công tác đi khảo sát tại các Bộ, ngành, địa phương nhằm hiện thực hóa việc phát triển đồng bộ viễn thám.
Có thể nói, những năm qua, Cục Viễn thám quốc gia đã khẳng định được được vai trò quan trọng, không thể thiếu trong công tác quản lý Nhà nước về TN&MT, từng bước nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý và phát triển công nghệ viễn thám đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cục Viễn thám quốc gia được thành lập trên cơ sở Trung tâm Viễn thám quốc gia trực thuộc Bộ TN&MT. Tiền thân từ Trung tâm Viễn thám thuộc Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước (1980 - 1993), thuộc Tổng cục Địa chính (1994 - 2002) và trực thuộc Bộ TN&MT từ năm 2003 đến nay. Tại Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT, viễn thám được xác định là 1 trong 9 lĩnh vực thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT. Cục Viễn thám quốc gia là tổ chức trực thuộc Bộ TN&MT có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước về viễn thám; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về viễn thám theo quy định của pháp luật. |
NGUYỄN QUỐC KHÁNH
Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia