Quảng Bình: Giải pháp nào cho vấn đề thoát nước đô thị bền vững

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 30/07/2017

Trong những năm qua, lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải đã được tỉnh Quảng Bình quan tâm đầu tư với các dự án thoát nước và vệ sinh môi trường theo quy mô...

Trong những năm qua, lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải đã được tỉnh Quảng Bình quan tâm đầu tư với các dự án thoát nước và vệ sinh môi trường theo quy mô khác nhau. Tuy nhiên, trận mưa lụt lịch sử xảy ra vào tháng 10/2016 và những ngày mưa bão trong tháng 7/2017 gần đây, nhiều vấn đề bất cập đã lộ diện khi nhiều công trình đã xuống cấp, khả năng tiêu thoát kém. Các công trình nằm trong các khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh nói chung, tập trung nhiều ở TP Đồng Hới - nơi đông dân cư và có tốc độ đô thị hoá nhanh.

Đã đến lúc nhìn lại

Thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là những nội dung quan trọng trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Tại các khu vực đang đối mặt với tình trạng hạ tầng thấp kém, môi trường bị ô nhiễm, bệnh tật lây lan, úng ngập hay lụt lội, người ta lại càng thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này. Đối với các khu đô thị, điểm dân cư mới, chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có thoát nước mưa, nước thải, góp phần quyết định tính hấp dẫn đối với khách hàng, cũng như sự phát triển bền vững của khu đô thị đó về lâu dài.

Là một thành phố giáp biển, Đồng Hới trong những năm trước chưa từng xảy ra tình trạng ngập cục bộ và ngập sâu. Trong đợt mưa lớn hồi tháng 10/2016, toàn bộ 16 xã, phường của thành phố trong tình trạng ngập lụt, trong đó có một số địa phương bị ngập nặng như: Lộc Ninh, Thuận Đức, Đồng Sơn, Đức Ninh… người dân phải sơ tán. Tại phường Đồng Sơn, 70 căn nhà thuộc tổ dân phố 9 bị ngập, có nhà ngập sâu đến mái, các trục đường giao thông trong thành phố đều ngập sâu đến mức kỷ lục, có nơi ngập trên 0,5m. Theo nhận định, hơn 40 năm rồi mới thấy Đồng Hới bị ngập lụt nặng và kéo dài như vậy.

TP Đồng Hới thất thủ, ngập lụt cục bộ trong tháng 10/2016.
TP Đồng Hới thất thủ, ngập lụt cục bộ trong tháng 10/2016.

Và những ngày trong tháng 7/2017 vừa qua, khi tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng của bão số 2 và bão số 4 nên có hiện tượng mưa to và mưa rất to; tuy không xảy ra hiện tượng ngập lụt cục bộ nhưng hiện trạng ứ nước, chậm tiêu thoát nước mưa là có xảy ra.

Nhìn nhận ban đầu, lý do TP Đồng Hới bị ngập sâu và lâu như vậy chính bởi thời điểm mưa lớn, kéo dài trùng với triều cường dâng và cửa sông Nhật Lệ nước dâng cao nên các tuyến kênh, mương thoát nước không tiêu thoát được.

Nhưng thực tế, qua thời gian, lòng cống thường xuyên bị bồi lắng, thu hẹp bởi đất đá, cát sỏi, lá cây trôi theo dòng nước; cộng thêm vào đó là lượng chất thải, rác thải của những hộ gia đình, người dân kém ý thức hàng ngày đổ xuống các mương, cống cũng khiến cho việc tiêu thoát nước kém.

Hiện trạng ứ nước, chậm tiêu thoát vẫn đang xảy ra tại đô thị hạt nhân của Quảng Bình.
Hiện trạng ứ nước, chậm tiêu thoát vẫn đang xảy ra tại đô thị hạt nhân của Quảng Bình.

Trong khi đó, các biện pháp phòng, chống ngập lụt, khắc phục ô nhiễm môi trường, nạo vét khơi thông dòng chảy của các chủ đầu tư, đơn vị thi công, chính quyền địa phương được triển khai một cách hình thức, không theo quy chuẩn, dẫn tới gây ứ nghẽn dòng chảy. Mặt khác, khó khăn trong công tác chống ngập là hệ thống thoát nước của thành phố vừa vận hành vừa cải tạo nên ảnh hưởng đến hiệu quả thoát nước. Đặc biệt, khi quy hoạch xây dựng các công trình, dự án ở phía hạ lưu cốt nền thường cao hơn phía thượng lưu nên gây ứ đọng nước, ngập lụt trên diện rộng ở nhiều khu vực. Bên cạnh đó, những năm qua, hoạt động san gạt đất nền tạo mặt bằng của một số dự án trên đồi cao cũng là tác nhân gây xói lở, sạt trượt đất đá, cát sỏi xuống các khu dân cư ở phía dưới.

Phương thức tổ chức thoát nước

Từ việc xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt trên diện rộng ở TP Đồng Hới, cũng như các đô thị trên địa bàn sau trận mưa lịch sử tháng 10/2016. Ngày 19/12/2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 42/2016/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh.

Trước hết, thành phố cần rà soát, đánh giá khả năng thoát nước của hệ thống hiện trạng và đề xuất các giải pháp chiến lược, lâu dài, phân kỳ đầu tư, huy động nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện. Việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phải theo quy hoạch, kế hoạch của lĩnh vực thoát nước. Khu vực ven biển Đông và khu vực trung tâm thành phố nên sử dụng thoát nước kết hợp với tỷ lệ thu gom phù hợp đối với từng khu vực.

Ứ nghẽn dòng chảy, nước không thoát kịp mà trào ngược khỏi miệng cống.
Ứ nghẽn dòng chảy, nước không thoát kịp mà trào ngược khỏi miệng cống.

Để giảm áp lực cho hệ thống thoát nước của thành phố, tại các khu vực có diện tích thoát nước lớn cần phải có giải pháp giảm lưu lượng. Chẳng hạn, khu vực sân bay cần khẩn trương khơi thông kênh rạch hiện trạng, nạo vét, mở rộng và bổ sung các hồ điều tiết để trữ, giảm lưu lượng cho hệ thống thoát nước thành phố.

Công tác quy hoạch cần mở rộng các hành lang thoát lũ, tăng cường hồ điều tiết để tăng khả năng khả năng chứa nước, tăng cường mảnh xanh đô thị để tăng hệ số thấm, giảm lưu lượng và tạo cảnh quan đô thị. Khi lựa chọn cao độ nền phải xét đến yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Ngoài ra, việc xây dựng các trạm bơm chống ngập tại các vị trí tụ thủy tại khu vực trung tâm là giải pháp căn cơ, lâu dài. Đồng thời xây dựng quy trình vận hành các hồ điều tiết trên cơ sở mùa mưa xả sớm, tận dụng tối đa khả năng điều tiết, ưu tiên công tác chống ngập úng đô thị.

Đối với các cống đã xuống cấp, không đảm bảo khẩu độ thoát nước cần được thay thế, tu sửa. Nghiên cứu giải pháp hố ga thu nước mặt đường kết hợp ngăn mùi phù hợp với điều kiện địa phương. Nghiên cứu tái sử dụng nước sau xử lý tại các trạm xử lý nước thải để tưới cây, rửa đường nhằm tiết kiệm chi phí.

Theo Báo Xây dựng