Tây Ninh: Quyết liệt bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 20/07/2017

(TN&MT) - Ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Tây Ninh đã và đang có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có lúc, có nơi còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông, suối; vấn đề xả rác thải sinh hoạt trong địa bàn dân cư vừa gây mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường ít nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Còn khó khăn, vướng mắc

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn và hệ thống kênh kết nối hồ Dầu Tiếng chịu tác động từ nước thải của 3.858 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh, trong đó có 181 cơ sở trong các khu, cụm công nghiệp (KCN) và 3.665 cơ sở ngoài KCN. Cấp tỉnh quản lý 314 cơ sở, cấp huyện quản lý 3.351 cơ sở, trong đó có 143 nguồn thải với lưu lượng nước thải của mỗi nguồn trên 50 m3/ngày.đêm, tổng lưu lượng nước thải ước tính từ 150.000 – 160.000 m3/ngày.

Để quản lý, bảo vệ nguồn nước sông, suối, từ năm 2013, UBND tỉnh Tây Ninh đã có Văn bản chỉ đạo các nguồn nước thải phải được xử lý đạt cột A ra môi trường và đạt Quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT. UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã chỉ đạo xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các cơ sở có nguồn thải lớn như chế biến khoai mì, cao su, mía đường và các KCN đều đã vận hành xử lý nước thải đạt cột A theo quy định.

Tây Ninh đảm bảo các KCN đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường
Tây Ninh đảm bảo các KCN đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường

Từ chỉ đạo trên, ngành TN&MT Tây Ninh đã thực hiện và tham mưu thực hiện nhiều biện pháp như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải, ký kết liên tịch với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện giám sát chất thải của các cơ sở xả ra môi trường; cung cấp số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin để người dân biết và cung cấp thông tin đến chính quyền và ngành chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Cùng với đó, bắt buộc các cơ sở có nước thải từ 1.000 m3/ngày trở lên phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động liên tục và truyền số liệu về Sở TN&MT Tây Ninh để giám sát kịp thời. Theo Đề án đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020, Sở TN&MT đã triển khai lắp đặt 2/8 trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục tại các vị trí thường xảy ra ô nhiêm do tiếp nhận các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông. Hàng ngày, Sở TN&MT còn tổ chức tổ chức lấy mẫu ở 7 điểm khác nhau trong mùa khô.

Bà Nguyễn Thị Hiếu – Giám đốc Sở TN&MT Tây Ninh nhận định: Những biện pháp trên đã góp phần giảm thiểu xã thải nước không đạt chuẩn ra môi trưởng, bảo vệ nguồn nước sông, suối trên địa bàn. Tuy nhiên, cũng không chủ quan, vì thực tế ý thức bảo vệ môi trường của một phận, tổ chức, cá nhân chưa đầy đủ, không loại trừ vì lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, cũng còn có cơ sở lợi dụng xả thải không đạt chuẩn ra nguồn sông, suối không phát hiện kịp thời.

Về tình hình thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, qua thống kê đến tháng 8/2016 trên địa bàn toàn tỉnh, chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị phát sinh trung bình khoảng trên 173 tấn/ngày, khối lượng được xử lý trên 123 tấn/ngày, đạt tỷ lệ gần 80%; khu vực nông khoảng 160 tấn/ngày, khối lượng được xử lý gần 62 tấn/ngày, đạt tỷ lệ gần 39%; chất thải công nghiệp khoảng 134 tấn/ngày, khối lượng được thu gom và xử lý đạt tỷ lệ 100 %.

Theo bà Nguyễn Thị Hiếu, mặt dù công tác quản lý, xử lý chất thải rắn thời gian qua đã được quan tâm nhưng chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải. Ngoài ra, việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu xử lý, nhà máy xử lý chất thải rắn còn gặp nhiều khó khăn; còn có công trình xử lý chất thải rắn đã được xây dựng và vận hành nhưng cơ sở vật chất, năng lực và hiệu suất xử lý chưa đạt yêu cầu.

Chính vì vậy, hiệu quả đạt được trong công tác quản lý, xử lý chất thải có những hạn chế nhất định, đồng thời việc xử lý chất thải rắn chưa đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đã gây những tác động tới môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội. Từ tình hình trên, UBND tỉnh Tây Ninh đã có chủ trương xã hội hóa việc thu gom rác thải sinh hoạt, quá trình thu hút đầu tư UBND tỉnh đã chú trọng việc khai thác xử lý chất thải rắn hạn chế tối đa tỷ lệ chôn lấp.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, Ngành TNMT đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Qua đó, đã kiềm chế, hạn chế mức tối đa trong ô nhiểm môi trường; tình trạng ô nhiểm nguồn nước sông, suối đã từng bước được cải thiện; việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân.

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Sở TN&MT Tây Ninh đã chủ trì và phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức thanh, kiểm tra về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường 1.329 cơ sở, đã phát hiện 91 vụ việc vi phạm, xử phạt hành chính 91 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 8 tỷ đồng, tạm đình chỉ hoạt động sản xuất 02 cơ sở để khắc phục ô nhiễm đạt quy định mới được hoạt động, các cơ sở sở vi phạm chưa đến mức đình chỉ phải khắc phục ngay tình trạng xả chất thải gây ô nhiễm.

Sở TN&MT Tây Ninh thường xuyên kiểm tra các cơ sở có nguồn thải lớn
Sở TN&MT Tây Ninh thường xuyên kiểm tra các cơ sở có nguồn thải lớn

Bà Nguyễn Thị Hiếu cho biết: Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian tới, ngành TNMT Tây Ninh sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 1552/KH-UBND ngày 12/6/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn; tham mưu UBND tỉnh phân định trách nhiệm từng Sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, cấp xã phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, chủ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện, phân định trách nhiệm, phối hợp để tổ chức đồng bộ trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt quan tâm thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải nhằm bảo vệ môi trường an toàn, bền vững hơn; duy trì ký kết với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội trong việc huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần chuyển đổi hành vi theo hướng thân thiện với môi trường, hình thành ý thức bảo vệ môi trường của tổ chức, từng người dân và cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp và Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và chuyên đề các nguồn thải hiện có, tiếp tục điều tra bổ sung nguồn thải phát sinh và phân loại theo mức độ gây ô nhiễm để thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát phù hợp; tiếp tục cung cấp các số điện thoại đường dân nóng và vận động các tổ chức, cá nhân tham gia giám sát, phát hiện các nguồn thải gây ô nhiễm và thông báo đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng các cấp để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh.

Mặt khác, tiếp tục nâng cao năng lực quan trắc môi trường, triển khai thực hiện Kế hoạch đến năm 2020 lắp đặt đủ 08 trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục tại các vị trí thường xảy ra ô nhiễm do tiếp nhận các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông và 02 trạm không khí tại các đô thị đông dân cư để theo dõi, quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả.

Ngành TN&MT Tây Ninh cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường, trong đó tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của khoa học và công nghệ và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Chính phủ các nước về bảo vệ môi trường; thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả năng lượng, tài nguyên; nghiên cứu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến về bảo vệ môi trường...

Tường Tú