Hải Phòng: Xử lý thành công ô nhiễm nước bằng công nghệ Nhật Bản
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 18/07/2017
Chiều ngày 17/7/2017 vừa qua, tại Hội trường quận ủy quận Kiến An (TP. Hải Phòng), Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Sở Xây dựng và UBND quận Kiến An (TP. Hải Phòng) tổ chức họp báo công bố kết quả xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ Hạnh Phúc bằng công nghệ thiên nhiên Bakture của Nhật Bản.
Trước đó, ngày 17/5/2017, tại Hải Phòng, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, UBND thành phố Hải Phòng và Tập đoàn Seibu Steel đã phối hợp tổ chức chương trình tiếp nhận, giới thiệu và ứng dụng công nghệ xử lý ô nhiễm nước hồ bằng bột Bakture do Tập đoàn Seibu Steel Nhật Bản và Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) tài trợ để xử lý ô nhiễm nước hồ Hạnh Phúc, quận Kiến An.
Chuyên gia Nhật Bản trình bày về công nghệ Bakture tại buổi họp báo chiều ngày 17/7 vừa qua |
Đây là lần đầu tiên, chương trình xử lý ô nhiễm nguồn nước bằng bột Bakture được Nhật Bản tài trợ thực hiện tại Việt Nam. Được biết, bột Bakture được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, bằng công nghệ riêng biệt với nguyên liệu chủ yếu là đá núi lửa dạng tổ ong, xốp. Bột Bakture giúp thúc đẩy quá trình tự làm sạch của môi trường thông qua phát huy tối đa năng lực phân giải các chất bẩn, độc hại … bởi các vi sinh vật có lợi sẵn có trong môi trường. Sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế tại Nhật Bản và được tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) công nhận về công dụng làm sạch môi trường.
Theo các tài liệu công bố tại buổi họp báo, thời điểm trước khi tiến hành thực hiện dự án làm sạch nước hồ Hạnh Phúc, các thông số môi trường tại đây đều vượt rất cao so với quy chuẩn Việt Nam (QCVN08 – MT:2015/BTNMT) như: TSS (126,5 mg/l), COD (93 mg/l), BOD5 (49,7 mg/l). Nước hồ đục và bốc mùi khó chịu.
Tuy nhiên, chỉ sau một ngày bột Bakture được phun vào hồ Hạnh Phúc (ngày 17/5/2017), các thông số đo được vào ngày 18/5 đã giảm đáng kể so với lúc chưa phun, các thông số như TSS giảm xấp xỉ 40%, COD giảm xấp xỉ 30%, BOD5 giảm xấp xỉ 25%. Trong vòng nửa tháng, các thông số COD, BOD5, Nitơ tổng, đều đạt QCVN cột B2. Riêng thông số TSS đã đạt đến cột B1 của QCVN. Nước giảm mùi đáng kể và độ trong của nước tăng lên nhiều.
Khoảng gần 2 tháng sau khi bắt đầu xử lý, các thông số môi trường đã hầu như đạt yêu cầu theo cột B2 và đang tiến tới cột B1 của QCVN. Thông số TSS đã gần đạt đến cột A2 (nước dành cho sinh hoạt). Nitơ tổng và phosphat cũng đã gần đạt yêu cầu cho nước sinh hoạt. Mức độ ô nhiễm giảm đi rõ rệt. Độ trong suốt đạt đến 60 – 67 cm. Nước hầu như không bốc mùi hôi và khó chịu. Theo tính toán của các chuyên gia Nhật Bản, dự kiến 3 tháng sau khi áp dụng công nghệ này, các thông số môi trường có thể đáp ứng hoàn toàn cột B2 và thậm chí là cả cột B1 của QCVN.
Chuyên gia Nhật tiến hành xử lý nước hồ Hạnh Phúc ngày 17/5/2017 (ảnh tư liệu) |
Phát biểu tại buổi họp báo, TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam đánh giá rất cao công nghệ xử lý ô nhiễm bằng bột Bakture của Nhật Bản. TSKH Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh: “Trước thực trạng ô nhiễm môi trường nước ngày càng nghiêm trọng, chúng ta hiện nay đã áp dụng nhiều phương pháp xử lý khác nhau. Đa phần các phương pháp xử lý đều phát huy hiệu quả tốt nhưng cũng có không ít công nghệ chưa hiệu quả hoặc vẫn có những mặt này, mặt kia. Phương pháp xử lý nước ô nhiễm bằng công nghệ thiên nhiên Bakture là một công nghệ hiện đại, hoạt động trên nguyên lý kích thích các vi sinh vật và thanh lọc bằng vòng tuần hoàn sinh thái trong tự nhiên. Qua thử nghiệm và theo dõi bằng dự án xử lý nước hồ Hạnh Phúc, chúng tôi ghi nhận những hiệu quả rất rõ rệt”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt – đơn vị tài trợ để xử lý ô nhiễm nước hồ Hạnh Phúc cho biết thêm: “Bản chất của công nghệ này là dùng bột Bakture để làm chất xúc tác, kích thích sự phát triển của vi sinh vật hiếu khí và hiếm khí hoạt động và phân giải các chất độc hại trong nước. Vì thế, nó không kén môi trường mà có thể áp dụng ở nhiều môi trường ô nhiễm khác nhau như: sông ngòi, ao đầm, nước thải công nghiệp, xử lý nước thải ... Theo những kết quả thu được khi áp dụng ở Nhật Bản thì công nghệ này chưa từng thất bại ở bất cứ mẫu nước ô nhiễm thử nghiệm nào. Vì thế thời gian tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất áp dụng phương pháp này để xử lý thử nghiệm một phần nước hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và một phần vùng biển ô nhiễm ở 4 tỉnh miền Trung trong sự cố Formosa”.
Phạm Thiệu