Đổi mới công nghệ xử lý rác thải

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 12/07/2017

Xử lý chất thải rắn bằng công nghệ chôn lấp không chỉ tốn nhiều diện tích đất đai mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự cố môi trường. Để khắc phục hạn chế này, vấn đề đổi mới công nghệ xử lý rác thải đang được các cấp, các ngành và doanh nghiệp quan tâm…

Mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 5.515 tấn chất thải rắn sinh hoạt và 646 tấn chất thải rắn công nghiệp thông thường. Mặc dù vậy, thành phố mới chỉ xử lý được 5.300 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 405 tấn chất thải rắn công nghiệp. Trong đó, 90% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đang xử lý bằng công nghệ chôn lấp; khối lượng còn lại xử lý bằng công nghệ đốt, tái chế, chế biến thành phân bón hữu cơ.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, ưu điểm của công nghệ chôn lấp là suất đầu tư, chi phí xử lý thấp, thời gian xây dựng công trình ngắn… Nhưng nhược điểm lớn nhất của công nghệ này là cần nhiều đất đai để xây dựng khu xử lý và khoảng cách cách ly vệ sinh… Ngoài việc khó mở rộng diện tích, công nghệ chôn lấp còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự cố môi trường liên quan an toàn hồ chứa nước rác. Quá trình vận hành các khu chôn lấp xuất hiện nhiều bất cập trong nghiệm thu, thanh toán... gây ra tình trạng phát sinh khối lượng rác và nước rác cần xử lý... Trước những hạn chế nêu trên, Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020: Tăng tỷ lệ xử lý chất thải rắn bằng công nghệ hiện đại, đồng thời giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống còn 30%...

Cần đổi mới công nghệ xử lý rác thải
Cần đổi mới công nghệ xử lý rác thải

Hiện nay, Việt Nam có 3 công nghệ xử lý rác được Bộ Xây dựng xác định suất đầu tư: Công nghệ chế biến rác thành phân vi sinh, viên nhiên liệu và đốt; trong đó, công nghệ đốt được cơ quan chuyên ngành đánh giá là hiệu quả bền vững và thân thiện môi trường. Tuy nhiên, công trình áp dụng công nghệ đốt có suất đầu tư cao: 620 triệu đồng/tấn đối với công nghệ đốt thu hồi nhiệt và 1,7 tỷ đồng/tấn đối với công nghệ đốt phát điện. Theo tính toán của các tổ chức tư vấn quốc tế, giá thành xử lý 1 tấn chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường bằng công nghệ đốt có chi phí khoảng 39 USD, trong khi ở Việt Nam là dưới 20 USD. Đây chính là rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.

Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai Nguyễn Ngọc Oanh chia sẻ: Đầu tư xây dựng công trình xử lý rác thải doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn liên quan công tác thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Sau 8 năm, tính từ thời điểm có quyết định thu hồi đất, đến tháng 10-2015, doanh nghiệp mới được cơ quan có thẩm quyền bàn giao mốc giới tại thực địa. Khi triển khai dự án, doanh nghiệp bị người dân cản trở thi công...

Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long Tô Thanh Tùng cho rằng: Việt Nam muốn giảm chi phí xử lý, điều kiện tiên quyết là phải phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Với chất lượng rác như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn công nghệ xử lý, bảo đảm lợi nhuận đầu tư, hiệu quả môi trường.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An, các sở, ngành liên quan đang quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thành phố giao, phấn đấu trong quý III-2017, khởi công xây dựng nhà máy xử lý chất thải ứng dụng công nghệ cao tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), công suất 4.000 tấn rác/ngày-đêm. Dự kiến trong quý I-2018, Sở Xây dựng sẽ hoàn thành nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố lộ trình ưu tiên áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, hiện đại nhằm giảm khối lượng rác tồn đọng phải chôn lấp. Để thu hút các nguồn lực đầu tư công trình xử lý chất thải ứng dụng công nghệ cao, UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các sở chuyên ngành quyết liệt vào cuộc rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định “gây khó” cho doanh nghiệp…

Theo HNMO