Kiến trúc xanh - Xu hướng tất yếu

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 15/06/2017

(TN&MT) - Trong bối cảnh hệ sinh thái đang bị tàn phá nghiêm trọng và có nguy cơ bị hủy diệt một phần hoặc hoàn toàn do biến đổi khí hậu gây ra, sử dụng kiến trúc xanh là xu hướng tất yếu của tương lai.

Trong những ngày nắng nóng cao điểm này, những ngôi nhà được phủ xanh bề mặt trở nên vô cùng giá trị cho người sử dụng. Giữa những bề mặt bê tông khô khan là những lá cây xanh mát. Đây chính là lớp không khí tĩnh có tác dụng tách nhiệt thứ hai cho công trình.

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM... rất ít có công trình đạt chuẩn “xanh”, tức là mật độ xây dựng chỉ chiếm 25 - 30% trong khi không gian xanh phải chiếm ít nhất từ 70% diện tích trở lên. Tuy vậy, bản chất kiến trúc xanh đã dần được biểu hiện cao hơn, tính chuyên nghiệp thể hiện không chỉ trong việc trồng cây tạo màu xanh mà có độ phong phú, tinh tường trong cách xử lý không gian, màu sắc, vật liệu...

Trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia được dự báo sẽ phải chịu nhiều thách thức trước vấn đề biến đổi khí hậu, giữa không gian đô thị nắng nóng và bụi bặm, sự thoát hơi nước và bóng cây từ những kiến trúc xanh sẽ làm giảm đi một lượng nhiệt đáng kể. Không những vậy, lớp thực vật xanh còn làm giảm lượng ánh sáng của tia cực tím chiếu vào vật liệu xây dựng. Lớp cây xanh càng phủ dày, hiệu quả bảo vệ công trình càng cao.

Sử dụng kiến trúc xanh là xu hướng tất yếu của tương lai. Ảnh: MH
Sử dụng kiến trúc xanh là xu hướng tất yếu của tương lai. Ảnh: MH

Vì vậy, kiến trúc xanh được cả thế giới coi là hoạt động hiệu quả nhất của ngành xây dựng để ứng phó với biến đổi khí hậu, bởi toàn bộ ngành xây dựng phát thải khoảng 30 - 40% lượng phát thải khí CO2 - một trong các nguyên nhân gây hiệu ứng khí nhà kính. Trong kiến trúc xanh, vai trò hiệu quả năng lượng, giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch được coi trọng hàng đầu, tiếp sau đó là việc bảo tồn, khôi phục hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, gần 100 quốc gia đã biến hoạt động này thành phong trào quốc gia, chương trình hành động quốc gia...

Có thể dễ dàng nhận ra những lợi ích mà kiến trúc xanh đem lại như thúc đẩy, bảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống của con người, đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng không khí, nước, giảm chất thải rắn và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo các chuyên gia của Hội đồng xanh thế giới, nếu so sánh với một công trình thương mại thông thường, công trình xanh sẽ sử dụng ít hơn 26% năng lượng nhờ sử dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo, chi phí bảo trì ít hơn 13% và lượng phát thải khí nhà kính ít hơn 33%.

Về lợi ích kinh tế bao gồm giảm chi phí trong quá trình sử dụng công trình. Cụ thể, giảm đáng kể hóa đơn chi phí vận hành bao gồm điện, nước, rác thải... và khả năng thu hồi số tiền đầu tư xây dựng nhanh hơn. Giá thành tài sản lúc này cũng tăng đáng kể so với một công trình xây dựng không mang tính bền vững, sự lựa chọn khách hàng bao giờ cũng nghiêng về công trình xanh.

Lợi ích xã hội của kiến trúc xanh càng thể hiện rõ rệt. Kiến trúc xanh sẽ tạo môi trường thân thiện cho người sử dụng ở nhiều khía cạnh, bao gồm chất lượng không khí trong nhà rất tốt, tối ưu hóa sự thoải mái mọi công năng trong công trình. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, các yếu tố thiết kế của kiến trúc xanh làm giảm sự xuất hiện của các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp, triệu chứng dị ứng và hen suyễn.

Để công trình xanh được áp dụng phổ biến, kiến trúc sư Ngô Doãn Đức cho rằng, chúng ta cần tận dụng tốt cơ hội để tạo ra những tác động tích cực tới cộng đồng về kiến trúc xanh hướng tới sự phát triển bền vững. Chúng ta cần sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt, khuyến khích phong trào kiến trúc xanh đến mọi nhà, cấp, ngành. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích như giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng, ưu tiên cấp phép xây dựng những công trình xanh. Đồng thời, việc tổ chức các cuộc thi, giải thưởng về kiến trúc xanh sẽ giúp Việt Nam có nhiều công trình xanh hơn, thay đổi môi trường sống tốt hơn, xã hội phát triển bền vững hơn.

Giải Kiến trúc xanh 2017 được phát động từ ngày 10/5, Ban Giám khảo (2 giám khảo Việt Nam và 5 giám khảo quốc tế) sẽ chấm giải vào tháng 11/2017. Lễ tổng kết và công bố giải thưởng dự kiến diễn ra vào tháng 12/2017.

Chủ đề của kỳ giải 2017 tập trung vào 2 nội dung chính là “Kiến trúc xanh” và “Công trình, dự án có đóng góp tích cực cho xã hội”, Ban Tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng cho hạng mục Sinh viên kiến trúc và 10 giải dành cho hạng mục Kiến trúc sư trẻ với tổng giá trị giải thưởng khoảng 1 tỷ đồng.

Vũ Vân