Góp ý dự thảo Luật bảo vệ rừng để phát huy tri thức truyền thống

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 01/06/2017

(TN&MT) – Hội thảo Quốc gia góp ý dự thảo số 5 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi về công nhận, kế thừa và phát huy tri thức truyền thống và luật tục như một chiến lược quản lý rừng bền vững do RECOFTC phối hợp với VIFORA, PanNature và CSDM tổ chức vừa qua, tại Hà Nội.

Hội thảo chia sẻ và thảo luận các vấn đề liên quan đến tri thức truyền thống, luật tục và kinh nghiệm thực tiễn của cộng đồng người dân và phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) trong quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, đóng góp ý kiến cho các quy định về công nhận, kế thừa và phát huy tri thức truyền thống, luật tục của cộng đồng người dân và phụ nữ DTTS trong quản lý, bảo vệ rừng trong dự thảo 5 của Luật Bảo vệ tài nguyên rừng (BVPTR) sửa đổi.

Theo số liệu của Ủy ban Dân tộc, tại thời điểm tháng 7/2015, có hơn 13,34 triệu người là DTTS (thuộc 53 nhóm người DTTS). Hầu hết cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng rừng núi. Đối với họ, rừng mang giá trịnh về mặt sinh kế, các giá trị văn hóa, xã hội, môi trường, tâm linh, tín ngưỡng và an ninh quốc phòng.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu là người dân tộc Tày, Thái, Nùng, Ka Tu, Ba Na… đến từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên
Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu là người dân tộc Tày, Thái, Nùng, Ka Tu, Ba Na… đến từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên

Các khu rừng này được quản lý bởi luật tục cũng đã hình thành từ rất lâu trong đời sống các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Các tri thức truyền thống và luật tục này xuất phát từ sự am hiểu thiên nhiên, am hiểu tác hại của sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, dù đã sống với rừng hàng ngàn năm, sự cân bằng sinh thái ở miền núi vẫn được người dân duy trì.

Đặc biệt, phụ nữ DTTS có vai trò quan trọng trong bảo vệ và phát triển rừng. Họ là người giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền dạy tri thức bản địa cho thế hệ sau cũng như phổ biến những kiến thức kinh nghiệm mới. Bởi vậy, Nhà nước cần quan tâm hơn đến quyền lợi người dân tham gia bảo vệ rừng, đặc biệt là người DTTS. Và việc công nhận và phát huy tri thức truyền thống, luật tục của cộng đồng người dân và phụ nữ DTTS trong quản lý rừng, bảo vệ rừng là hết sức cần thiết.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Không những thế, cần xem xét để có các điều luật liên quan đến việc công nhận, kế thừa và phát huy tri thức truyền thống và luật tục của cộng đồng các DTTS và phụ nữ; công nhận các khu bảo tồn do cộng đồng quản lý trong dự thảo 5 của luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi lần này.

Ngoài ra, dự thảo 5 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi cũng cần lưu ý những quy định chính sách mà chưa xem xét vai trò của luật tục cũng như ranh giới truyền thống tại từng địa phương, từng dân tộc cụ thể, gây ra mâu thuẫn không đáng có giữa người dân DTTS và các ban Quản lý rừng; phải ưu tiên quản lý rừng và khai thác rừng bền vững đối với đồng bào DTTS tại chỗ, phát huy vai trò và sự tham gia của phụ nữ DTTS trong bảo vệ và phát triển rừng…

Được biết, kết quả góp ý cho dự thảo 5 Luật Bảo vệ & Phát triển Rừng sửa đổi tại hội thảo này sẽ được gửi cho các Đại biểu Quốc hội, Bộ NN&PTNT và Ban soạn thảo trước khi dự thảo này được chính thức phê duyệt vào cuối năm nay.

Đức Hà